Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng nhanh cho Việt Nam

22/05/2019 - 14:53

Các kịch bản do Bộ Khoa học và Công nghệ, Data61 CSIRO xây dựng phác họa một bức tranh toàn cảnh giúp nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch cho kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.


Quang cảnh buổi công bố Báo cáo 'Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sáng 22-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Data61 CSIRO (Cơ quan chuyên nghiên cứu về số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức công bố báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045."

Báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Data61 CSIRO thực hiện. Đây là một hợp phần trong Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia tài trợ, với trị giá 10 triệu đôla Australia.

Chương trình là sáng kiến chiến lược được thiết kế để tăng cường các mối liên kết giữa hệ thống đổi mới sáng tạo của Australia và Việt Nam.

Theo tiến sỹ Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của Data61 CSIRO, báo cáo xác định các xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số của Việt Nam, bao gồm tác động của các công nghệ số mới nổi, các thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam, sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại, nhu cầu phát triển thành phố thông minh, sự gia tăng của kỹ năng và dịch vụ số, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và Công nghệ, Data61 CSIRO xây dựng bốn kịch bản cho tương lai nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2045: kịch bản truyền thống với mức độ chuyển đổi thấp và công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, công nghệ số dự kiến đóng góp 196 tỷ USD vào GDP (tính theo giá so sánh năm 2020); kịch bản xuất khẩu số với ngành công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chủ yếu dựa trên hoạt động gia công xuất khẩu, ứng dụng số trong các ngành còn hạn chế, công nghệ số dự kiến đóng góp 217 tỷ USD vào GDP.

Trong khi đó, kịch bản tiêu dùng số với chuyển đổi số mạnh mẽ trong các ngành trong nước, nhưng chủ yếu sử dụng sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin-truyền thông của nước khác, ngành công nghệ thông tin và truyền thông trong nước phát triển chậm, công nghệ số dự kiến đóng góp 331 tỷ USD vào GDP.

Kịch bản ấn tượng nhất là chuyển đổi số với việc ứng dụng công nghệ số cao trong toàn bộ nền kinh tế, ngành công nghệ thông tin và truyền thông tăng trưởng mạnh. Công nghệ số dự kiến đóng góp 544 tỷ USD vào GDP.

Tiến sỹ Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của Data61 CSIRO trao đổi về Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Các kịch bản cũng đã phác họa một bức tranh toàn cảnh giúp nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch cho kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.

Hiện Việt Nam coi chuyển đổi số trên toàn bộ nền kinh tế là rất quan trọng để tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng.

Báo cáo đã nêu ra các lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình phát triển cho nền kinh tế số Việt Nam, trong đó cần chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông và năng lượng; an ninh mạng; kỹ năng số; hiện đại hóa bộ máy Chính phủ; công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo quốc gia; cải cách thuế và quy định pháp lý.

Tiến sỹ Lucy Cameron cho biết sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số dự kiến đóng góp từ 10-20 triệu tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2045, với sự thay đổi mạnh mẽ về năng suất.

Trong viễn cảnh thuận lợi, ứng dụng số sẽ góp phần giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 1,1%/năm cho tới năm 2045.

Dù vậy, Việt Nam cũng đối mặt và cần giải quyết những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, dân số đang già hóa, năng suất lao động không còn tăng nhanh... để đạt được các mục tiêu trên.

Theo TIẾN LỰC (TTXVN/Vietnam+)