Kinh tế Việt Nam và triển vọng 2018

01/03/2018 - 09:27

Năm 2017 được coi là năm thành công về kinh tế với ước đạt mức 6,81%. Tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn FDI đều đạt kỷ lục trong vòng 10 năm và được dự báo sẽ có sự tăng tốc vào năm 2018, song bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những bước tăng tốc trên nền tảng vững chắc

Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp lớn đánh giá tốt về hiệu quả của những chính sách giúp doanh nghiệp tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thủ tục hành chính hay nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... từ phía Chính phủ trong thời gian qua.

Tăng trưởng kinh tế tăng cao trong bối cảnh các biến số phản ánh ổn định kinh tế được cải thiện. Trong những năm gần đây, tỉ lệ lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt, năm 2017 là dưới 5%, tăng trưởng kinh tế đang tăng tốc trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.

Bộ mặt của nền kinh tế phần nào đang được phản ánh qua hoạt động của những doanh nghiệp lớn. Kinh tế nước ta tuy vẫn tiếp tục dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng về mặt xu hướng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực – ít dựa vào khai thác tài nguyên và dựa nhiều hơn vào công nghệ, năng suất – sẽ đòi hỏi thời gian.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với nhịp độ nhanh có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng này sẽ đem đến cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp và ngành nghề có sự chuẩn bị năng lực tốt để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho nền kinh tế nói chung, một số ngành nghề không phù hợp và các doanh nghiệp thích nghi chậm với bối cảnh mới. Chẳng hạn, trong khi đem lại nhiều công nghệ mới và do đó là cơ hội mới cho các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp như Hachi – doanh nghiệp xây dựng trang trại thủy canh trồng rau sạch bằng việc áp dụng công nghệ cao, điều khiển trồng rau từ xa, thì đồng thời nó cũng gây ra nhiều khó khăn trong cạnh tranh cho các ngành nghề như taxi truyền thống...

Trong thời gian qua, Chính phủ đã cảm nhận và nhận thức rõ ràng hơn về diễn biến của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đưa ra các giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm làm cho cuộc cách mạng 4.0 trở thành cơ hội của nền kinh tế, đem lại lợi ích cho các ngành và doanh nghiệp thay vì thách thức và các phí tổn cho ngành và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2017 đã khép lại với nhiều thành tích tốt, được tóm gọn trong 3 từ: cao – toàn diện – đều khắp. Điều này đã được minh chứng qua các chỉ số được các tổ chức trong và ngoài nước đưa ra cuối 2017. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang có một thời cơ rất tốt cho tăng trưởng, do đó, cần phải nắm lấy thời cơ này. Năm nay cần phải tập trung, tăng tốc để đạt được nhiều kết quả hơn nữa”.

Ngoài ra, sự kiện APEC 2017 được coi là một dấu mốc quan trọng, là nơi Việt Nam tỏa sáng sau nhiều năm hội nhập với thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, thặng dư xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 là 162 tỷ USD. Theo số liệu của WB, năm 2016, GDB Việt Nam đạt 203 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2006. Riêng FDI tăng gấp 4, lên 11,8 tỷ USD vào năm 2015, cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đang chú ý đến Việt Nam.

Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh vừa đảm nhận thành công vai trò chủ nhà của APEC 2017. Đó cũng là hiệu quả từ Chính phủ kiến tạo. 

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài

Tạp chí Forbes của Mỹ ngày 27-12-2017 có bài viết nhan đề “Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm 2018 khi các nhà đầu tư tràn vào như nước lũ” (Vietnam’s Economic Growth Will Accelerate In 2018 As Investors Flood The Country).

Theo đó, vào đầu năm 2017, hạn hán đã làm ảnh hưởng tới nông nghiệp Việt Nam, trong khi khai thác mỏ đối mặt với chi phí sản xuất cao và giảm giá bán ra nước ngoài. Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1 đã khiến nhiều người lo lắng Việt Nam sẽ bỏ lỡ các mục tiêu tăng trưởng.

“Nhưng những làn gió ngược đó vẫn không cản được Việt Nam, khi GDP tổng thể đạt 202 tỷ USD. Các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử và các nhà máy sản xuất sợi polyester vẫn yêu Việt Nam vì chi phí thấp, lao động dồi dào và quá trình cấp phép thực tế. Sự tăng trưởng cũng đã giúp cho người dân giàu có hơn, chỉ còn 13,5% dân số đói nghèo, một sự khích lệ cho các nhà đầu tư”, theo Forbes.

Tờ báo trích lời Hãng nghiên cứu SSI Research: “Chúng ta có thể suy luận hợp lý rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cao vào năm 2017 sẽ dẫn đến FDI giải ngân cao vào năm 2018”. SSI Research cho biết xuất khẩu đã tăng 23% lên 155,24 tỷ USD trong năm 2017. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan, tất cả những nơi mà chi phí sản xuất nhiều hơn ở Việt Nam.

Forbes cũng dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, theo đó vốn FDI đăng ký tăng 44% so với năm trước lên 29,68 tỷ USD. Theo Forbes, các nhà đầu tư bị thu hút vì một lực lượng lao động trẻ trung, có thể đào tạo và sẵn sàng làm việc với mức lương tối thiểu là 172USD/tháng. Khoảng 60% trong số 93 triệu người Việt Nam đang ở độ tuổi lao động. Theo nghiên cứu của Công ty TNHH PwC, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đang trở nên có hiệu quả hơn và hầu hết các ngành công nghiệp đều cho phép đầu tư nước ngoài 100%.

Theo NGUYỄN NAM (Công Luận)