Kính thiên văn lần đầu ghi lại được những vụ nổ bí ẩn mạnh nhất vũ trụ

22/11/2019 - 09:05

Các kính thiên văn trên mặt đất đã quan sát được 2 vụ nổ tia gama rực rỡ nhất vũ trụ với nguồn năng lượng gấp 100 tỷ lần ánh sáng có thể nhìn thấy.

Những vụ nổ mạnh nhất xảy ra trong vũ trụ là các vụ nổ tia gamma. Chúng diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ và xảy ra 1 ngày/lần trong khi ánh sáng từ một vài vụ nổ này rực rỡ tới nỗi có thể truyền đến phía chúng ta sau khi những ngôi sao khổng lồ sụp xuống hay những vụ sáp nhập sao neutron ở các thiên hà cách chúng ta rất xa.

Hình ảnh đồ họa về các vụ nổ tia gamma. Các vụ nổ mạnh mẽ này xảy ra sau khi các ngôi sao sụp xuống hoặc khi các ngôi sao với khối lượng khổng lồ phát nổ để tạo thành một hố đen. Ảnh: CNN

Hai kính thiên văn chuyên dụng HESS và MAGIC lần lượt ở Namibia và Tây Ban Nha đã giúp các nhà thiên văn học quan sát và đo lường được 2 vụ nổ tia gamma với nguồn năng lượng gấp 100 tỷ lần ánh sáng có thể nhìn thấy. Các nhà khoa học cho biết đây là nguồn bức xạ mạnh mẽ nhất đo được từ các tia gamma cũng như là nguồn ánh sáng năng lượng cao rực rỡ nhất vũ trụ.

Đây cũng là lần đầu tiên các kính thiên văn trên mặt đất phát hiện được các vụ nổ tia gamma.

3 nghiên cứu được công bố ngày 20/11 trên tạp chí Nature đã cung cấp thêm các thông tin chi tiết từ 2 kính thiên văn này.

"Các vụ nổ tia gamma là những vụ nổ mạnh mẽ nhất được biết tới trong vũ trụ và giải phóng năng lượng trong một vài giây còn nhiều hơn năng lượng mà Mặt Trời của chúng ta giải phóng trong toàn bộ "phần đời" của nó. Nói cách khác, các vụ nổ tia gamma có thể chiếu sáng gần như toàn bộ vũ trụ", David Berge - một trong những tác giả của nghiên cứu đồng thời là nhà khoa học tại DESY cho biết. DESY là một trung tâm nghiên cứu tại Đức, nơi đặt các máy gia tốc phân tử được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc vật chất.

Các vụ nổ tia gamma sẽ bắt đầu bằng luồng ánh sáng lóe lên vô cùng rực rỡ nhưng sự kiện này chỉ kéo dài một giây hoặc ít hơn và sau đó, luồng sáng còn lại sẽ mờ dần theo thời gian.

Những vụ nổ bí ẩn

Từ khi các vụ nổ tia gamma tình cờ được khám phá khi sử dụng các vệ tinh vào những năm 1960, các nhà khoa học đã cố gắng để "giải mã" những vụ nổ bí ẩn này. Hai vụ nổ tia gamma đã được phát hiện vào tháng 7/2018 và tháng 1/2019.

"Chúng tôi có thể nhanh chóng chỉ ra khu vực các sự kiện này xảy ra và nhờ đó, chúng tôi có thể bắt đầu quan sát chỉ 57 giây sau khi phát hiện ra tín hiệu ban đầu của vụ nổ. Trong 20 phút quan sát đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện được hàng nghìn photon từ vụ nổ tia gamma 190114C diễn ra hồi tháng 1", Cosimo Nigro, một nhà nghiên cứu tại DESY cho biết.

Một vụ nổ tia gamma cách chúng ta 4 tỷ năm ánh sáng và điều đó tức là ánh sáng của nó đã đi một quãng đường rất dài để đến được phía chúng ta, trong khi vụ nổ còn lại thậm chí đến từ một nơi xa xôi hơn khi cách chúng ta 6 tỷ năm ánh sáng.

"Phát hiện này khá bất thường bởi các vụ nổ tia gamma thường mờ đi rất nhanh và chúng ta chưa bao giờ phát hiện ra những tia gamma với nguồn năng lượng cao như vậy trước đó", Andrew Taylor – một nhà nghiên cứu tại DESY và là nhà phân tích kính thiên văn HESS cho biết.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các kính thiên văn sau những phát hiện thành công sẽ tiến hành được nhiều quan sát ý nghĩa hơn trong tương lai. Vì thế, giới khoa học cho rằng họ không nghĩ phát hiện mới về các vụ nổ tia gamma này là "độc nhất vô nhị" bởi có thể mọi thứ mới chỉ là khởi đầu.

"Chủ yếu những thứ chúng ta tìm hiểu được về các vụ nổ tia gamma trong những thập kỷ trước là từ việc quan sát các luồng sáng còn sót lại với nguồn năng lượng thấp. Giờ đây, nhờ có những phát hiện từ các kính thiên văn trên mặt đất, chúng ta có thể thấy các tia gamma từ những vụ nổ tia gamma theo cách hoàn toàn mới".

Theo VOV