Khát vọng độc lập, tự do từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Kỳ 1: Bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ

29/01/2018 - 01:00

 - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương, chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc chiến này vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Tháng 5 và 6-1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968, đưa ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn. Tháng 12, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang thời kỳ mới.

Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) đã nhận định: địch thất bại 1 bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật. Do đó, ta phải tranh thủ thời cơ, tạo ra thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.

Thực hiện quyết tâm này, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa; chuẩn bị chiến trường, lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, bảo đảm hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam.

Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc), quân ta tiến công địch tại sân bay Nha Trang (Khánh Hòa). Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30-1 (giao thừa theo lịch miền Nam), ta đồng loạt tiến công cả dải đất miền Trung. Đêm 29 rạng ngày 30-1, cuộc tổng tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra trên toàn miền Nam. Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của chiến dịch, vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu: dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ.

Tại mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng... đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi. Tại mặt trận Huế, lúc 22 giờ 33 phút ngày 31-1, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp thành phố. Sau 4 ngày chiến đấu liên tục, quân và dân ta đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng, như: dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, Đài Phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang (hang ổ của Mỹ), sân bay Phú Bài...

Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho Nhân dân nổi dậy, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Tiếp theo đợt I, chúng ta còn mở nhiều đợt tiến công mùa hè từ tháng 5-1968, đánh vào 30 thành phố, thị xã, quận lỵ, chi khu; 27 bộ tư lệnh từ quân đoàn đến trung đoàn; 40 sân bay, nhiều kho tàng và các trục đường giao thông thủy bộ của địch.

Phát huy khí thế tấn công, từ ngày 17-8, ta mở đợt tấn công lần thứ III. Đợt này, ta không đánh mục tiêu chiến lược trọng điểm, mà chủ yếu tấn công bằng pháo và đánh vào các căn cứ quân sự, chống phản kích ở: 27 thành phố, thị xã, 100 thị trấn, huyện lỵ, chi khu, 107 sân bay, 30 kho hậu cần lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ - ngụy. Đợt tiến công lần II, III bồi tiếp đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho chúng những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ; 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, cùng nhiều bộ tư lệnh tiểu đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

(Còn tiếp)

GIA KHÁNH

Kỳ 2: Khí thế đấu tranh ở An Giang