40 năm ấy - “biết bao nhiêu tình”!

Kỳ 1: “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...”

27/12/2018 - 08:56

 - Từ lâu, nhân dân Việt Nam – Campuchia đã xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung. Đặc biệt, đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 -1975), quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia.

Thực hiện âm mưu chiến lược phá hoại mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Campuchia - Việt Nam - Lào nói chung và giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia nói riêng; tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân 2 nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Ở trong nước, chúng thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể,… Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1978), chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ tiền tệ, buôn bán và đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Chế độ hà khắc ban hành đã trùm lên đất nước Campuchia đau thương, như lời ông Rua Xa-may, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ngày 11-1-1979: “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền... và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.

 Đối với Việt Nam, được các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn, tập đoàn phản động Pôn Pốt chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; ra sức vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ 2 nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường. Năm 1975, khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân xâm lược các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, cho dân di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10-1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975 đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến hành một số vụ xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi trên 10km như ở vùng sông Sa Thầy (Gia Lai, Kon Tum), gây ra tội ác với nhân dân Việt Nam.

Đi đôi với hành động xâm lược, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”. Lấy cớ làm sạch nội bộ, chúng tiến hành phân loại dân, thực hiện nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, trong đó tập trung vào số cán bộ trước đây được đào tạo ở Việt Nam. Trong 2 năm (từ 30-4-1975 đến 30-4-1977), Pôn Pốt đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chúng phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối, kích động tâm lý chống Việt Nam; xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương, trong đó điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam. Trong tháng 3 và 4-1977, quân Pôn Pốt liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới với nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân ra biên giới. Pôn Pốt tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn chiến lược sống còn, không thể điều hòa được, cũng không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”. Đêm ngày 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Các điểm bị Pôn Pốt tấn công trong chiến tranh biên giới Tây Nam

Lúc này, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa 2 nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chúng ta thực hiện nghiêm các thỏa thuận tại cuộc gặp mặt đại diện Việt Nam và Campuchia tại Phnôm Pênh diễn ra vào tháng 4-1976; kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với Campuchia. Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam; huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.

Các phái đoàn ngoại giao, báo chí và Liên Hiệp Quốc đến vùng biên giới An Giang để tận mắt chứng kiến tội ác của bọn Pôn Pốt

Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt là không thể dung tha. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đỡ những người cách mạng chân chính Campuchia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại An Giang ngày 28-12-2018

Cuộc chiến tranh diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 30-4-1977 đến ngày 5-1-1978), quân Pôn Pốt mở các cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam. Cùng với việc tổ chức lực lượng vũ trang đánh lui quân địch, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình. Giai đoạn 2 (từ ngày 6-1-1978 đến ngày 7-1-1979), Tập đoàn phản động Pôn Pốt tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Quân tình nguyện Việt Nam mở cuộc tổng phản công và cùng quân dân Campuchia tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Đến ngày 31-12-1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng. Mười ngày sau, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng. Phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã.

Các đoàn lãnh đạo tỉnh, Trung ương dâng hương, hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân dịp tổ chức Hội thảo kỷ niệm 40 chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam

 “Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới” – Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhận định. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Vương quốc Campuchia cũng khẳng định: “Trong khi nhân dân Campuchia đang phải hứng chịu bao đau khổ thì có nhiều nước trên thế giới tự cho mình là người bảo vệ công lý, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do bày tỏ chính kiến nhưng họ đã không đoái hoài, không đến giúp giải phóng nhân dân Campuchia chúng tôi thoát khỏi chế độ dã man này. Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp”; “Nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”; “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

GIA KHÁNH

Kỳ 2: Cuộc chiến ở An Giang