Phòng, chống xâm hại trẻ em: chuyện chưa bao giờ cũ!

Kỳ 2: Những mô hình hiệu quả

26/10/2019 - 10:14

 - Dù vẫn còn gần 200 trường hợp trẻ bị xâm hại được phát hiện từ năm 2015 đến nay, nhưng nhìn chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Qua đó, đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ hưởng cuộc sống tốt đẹp trong môi trường an toàn và thân thiện.

Theo UBND tỉnh An Giang, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng nông thôn mới… Trong đó, quan tâm triển khai, thực hiện khá tốt các tiêu chí có liên quan đến trẻ em, như: xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, khu vui chơi trẻ em; “không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học” làm căn cứ bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm. Tỉnh tiếp tục triển khai, duy trì và nhân rộng những mô hình đã phát huy hiệu quả về phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình tại cơ sở. Mô hình “Câu lạc bộ Ông – bà – cháu”, “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình trẻ”, “Gia đình hạnh phúc”, “Tiền hôn nhân”, mô hình gia đình – họ tộc tiêu biểu nhiều thế hệ… được củng cố, kiện toàn dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững” với chủ đề, nội dung sinh hoạt phong phú, tập trung tuyên truyền, cung cấp và giáo dục những kiến thức về kỹ năng sống, cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, giáo dục tiền hôn nhân để các gia đình chủ động phòng chống tệ nạn xã hội và xâm hại trẻ em.

Trẻ em được chăm lo để phát triển toàn diện

Trong lĩnh vực này, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phát huy khá tốt vai trò đại diện của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái; phối hợp xây dựng địa chỉ tin cậy, các mô hình câu lạc bộ, như “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi người, cùng thực hiện hành động tốt hơn với trẻ em, hạn chế bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. “Hàng năm các cấp Hội chủ động đổi mới, đa dạng hóa các loại hình truyền thông về pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình bạo lực gia đình, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để phối hợp chính quyền địa phương, đoàn thể có giải pháp tuyên truyền, giáo dục. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc hoặc tiếp nhận đơn thư từ phía gia đình trẻ bị xâm hại, chúng tôi có văn bản chỉ đạo Hội cơ sở xác minh vụ việc; chủ động gặp gỡ, động viên tinh thần trẻ bị xâm hại và gia đình; phối hợp các ban ngành có liên quan thực hiện biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ cho gia đình trẻ. Tùy từng tính chất vụ việc, các cấp Hội cử đại diện trao đổi, phối hợp cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi văn bản, đảm bảo theo dõi sát diễn biến vụ việc và đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tố tụng. Trong đó, lưu ý đến đặc điểm tâm sinh lý của nạn nhân khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, nhất là trẻ em” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Liêm bày tỏ.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; xử lý nghiêm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi bạo lực, xâm hại thể chất, tinh thần đối với học sinh; quan tâm, nhắc nhở toàn đơn vị thực hiện tốt công tác nêu gương trước học sinh, có hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường sư phạm và sử dụng mạng xã hội. Trẻ em còn được dạy bơi, phòng chống đuối nước; được tham gia các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em, như: hội thi thiếu nhi kể chuyện sách, xếp sách nghệ thuật, giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi, các môn thể thao…; được vui chơi nhân các dịp lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu.

Để góp phần khẳng định tiếng nói và quyền tham gia của trẻ em vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong năm 2018, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức mô hình thí điểm Hội đồng trẻ em, gồm 25 “đại biểu thiếu nhi” tiêu biểu, đại diện 11 huyện, thị, thành trong tỉnh. Ban Tham vấn gồm Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh), Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, chuyên viên của các phòng, ban chuyên môn thuộc Tỉnh đoàn và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. “Ngày 14-10-2018, chúng tôi làm lễ ra mắt mô hình. Tại phiên họp, các đại biểu thiếu nhi đã có 20 lượt ý kiến, xoay quanh 4  nhóm vấn đề, như: nguyện vọng của thiếu nhi; thực hiện quyền trẻ em, chế độ chính sách liên quan đến trẻ em; quản lý an ninh trật tự, giao thông đường bộ ảnh hưởng đến an toàn trường học; quan tâm các thiết chế văn hóa, khu vui chơi cho thiếu nhi. Sau phần phản ánh ý kiến của các “đại biểu”, Ban Tham vấn đã giải đáp thắc mắc của các em, định hướng một số giải pháp và ghi nhận các ý kiến chất lượng để tiếp tục phản ánh lên phiên họp gần nhất của HĐND tỉnh” - Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Lâm Thành Sĩ thông tin.

Tỉnh đã xây dựng tổng đài 111 hoặc 18008077 để trẻ em được hỗ trợ giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Công tác tiếp nhận thông tin, theo dõi, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương được thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp bạo lực, xâm hại xảy ra được thu nhập thông tin, lập hồ sơ quản lý thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cơ sở (bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, nhóm công tác xã hội liên ngành). Khi có trường hợp xâm hại xảy ra, hệ thống này sẽ phối hợp với nhau để giải quyết. Chỉ đạo, điều hành quá trình xử lý là Trưởng ban Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng (Phó Chủ tịch UBND các cấp). Tại An Giang, hoạt động của hệ thống và nhóm công tác xã hội liên ngành được triển khai thực hiện nhịp nhàng, đạt hiệu quả khá tốt.

Công tác hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại được tỉnh chú trọng thực hiện thông qua hỗ trợ chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước (về trợ cấp xã hội thường xuyên hoặc đột xuất). Đối với nhóm trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không người chăm sóc, được hướng dẫn đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, đảm bảo môi trường sống an toàn, giúp phòng ngừa nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích, bạo lực, bóc lột xảy ra. Đối với trẻ em bị xâm hại, UBND tỉnh phân bổ kinh phí từ ngân sách tỉnh, hỗ trợ giải quyết khó khăn ban đầu, tiền ăn trong thời gian điều trị bệnh, tiền thuốc (đối với trẻ không có bảo hiểm y tế), mua sách giáo khoa cho các em trở lại trường. Ngoài ra, phối hợp Quỹ bảo trợ tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em về học tập, y tế, vật dụng sinh hoạt cá nhân, sinh kế cho gia đình, học nghề, việc làm, hồi gia… với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ngân sách địa phương, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. Qua đó, triển khai nhiều chương trình, hoạt động kịp thời hỗ trợ cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Gần 5 năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp vận động được trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ phối hợp các tổ chức, đơn vị tài trợ triển khai tặng học bổng, xe đạp, sữa, đồ dùng học tập, hỗ trợ mổ tim, phẫu thuật…, tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang duy trì và nhân rộng 546 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 471 nhóm Phòng chống bạo lực gia đình, 333 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 11 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (9 cơ sở công lập).

 

(Còn tiếp)

GIA LẠC