Ngăn chặn “làn sóng tử thần” trong thanh thiếu niên

Kỳ 2: Nỗ lực đẩy lùi “cái chết trắng”

21/03/2019 - 10:08

 - Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” ra đời trong bối cảnh tình hình ma túy có những diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác phòng, chống ma túy. Sau 10 năm thực hiện chỉ thị, cùng với cả nước, An Giang đã có nhiều thành tích tốt trong cuộc chiến chống thảm họa ma túy. Mỗi địa phương, mỗi cấp ngành đều nỗ lực hết sức, tìm ra cách làm mới, mô hình hay để đẩy lùi “cái chết trắng” trong cộng đồng nói chung, thanh thiếu niên nói riêng.

Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Nhìn chung, sau 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến khá rõ nét nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm tham gia tích cực đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Hầu hết cán bộ, đảng viên (đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền) đều có tinh thần trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Thanh niên chậm tiến tham gia đối thoại, bày tỏ nguyện vọng cùng chính quyền địa phương

Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin: “Trong 10 năm qua, tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 925 vụ, liên quan 1.565 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, trồng cây chứa chất ma túy; thu giữ hơn 1.921 gam heroin; 5.539 gam methamphetamine; 1.650 gam ma túy tổng hợp; 143kg và 1.026 cây cần sa; 2.838 viên thuốc lắc, cùng nhiều vật chứng, tài sản khác có liên quan. Đồng thời truy tố 627 vụ, 968 bị can; đưa ra xét xử 530 vụ, 745 bị cáo. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy từng bước được nâng lên, bảo đảm tính nghiêm minh, giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tại các cửa khẩu và khu vực biên giới, lực lượng Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng tạo thành “3 lá chắn” phòng, chống ma túy; duy trì tốt mối liên hệ với Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy qua biên giới (BLO) với nước bạn Campuchia để trao đổi thông tin”.

Song song đó, tỉnh đã bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời, đảm bảo cho các đơn vị, địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy; đầu tư xây dựng Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội… Qua đó, tiếp nhận, quản lý và cai nghiện cho gần 4.000 lượt người nghiện; cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho 7.000 lượt người nghiện không có nơi cư trú. Có 3 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP. Long Xuyên, Châu Đốc và TX. Tân Châu, điều trị cho gần 500 lượt người nghiện.

Trao quà Tết cho đối tượng hoàn lương 

TP. Long Xuyên là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức phòng chống và kiểm soát ma túy. “Trong 10 năm, lực lượng chức năng của địa phương đã xác lập 12 chuyên án đấu tranh, bắt và khởi tố 206 vụ mua bán, tàng trữ ma túy, liên quan 267 đối tượng. Đồng thời, tổ chức thu gom và thử test tìm chất ma túy trên 10.104  lượt người nghiện, kết quả dương tính 4.111 người; lập hồ sơ đưa vào diện quản lý, giáo dục theo các nghị định của Chính phủ. Những kết quả ấy từng bước kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần giữ bình yên cuộc sống của nhân dân” – Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú cho biết.

Những mô hình hiệu quả

Năm 2010, UBND tỉnh An Giang triển khai thí điểm mô hình “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” tại phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) và thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân), sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Đồng thời xây dựng, củng cố, nâng chất hoạt động các tổ chức nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư (củng cố 15.490 tổ tự quản, 986 đội dân phòng; thành lập mới 1.773 tổ tự quản, 238 đội dân phòng). Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội được tổ chức, như: “Họp mặt, giúp đỡ những người hoàn lương”, “Nhà trọ không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Quản lý con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn giáp ranh”…

Ra mắt đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”

Tại TX. Tân Châu, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được các ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức, tuyên truyền. Điển hình như tổ chức mít-tinh, diễu hành, hội thi, treo băng-rôn, phát thanh lưu động, nói chuyện chuyên đề… Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt việc lồng ghép tuyên truyền công tác phòng chống ma túy vào các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ với hình thức và nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng, như: phát thanh học đường, nói chuyện chuyên đề, tổ chức hội thi “Tuổi trẻ học đường tuyên truyền phòng chống ma túy”, thu hút hàng trăm ngàn lượt học sinh tham gia.

Hàng năm, thị xã có khoảng 1.000 học sinh ký cam kết không sử dụng ma túy… Đoàn Thanh niên thị xã tiếp tục củng cố, phát huy và nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng đa dạng hóa lực lượng, linh hoạt trong phương thức hoạt động và tiếp cận thanh niên; thường xuyên lồng ghép vào các buổi họp chi đoàn, chi hội, đội để tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc, tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy trong học đường. Đặc biệt, các câu lạc bộ “Hoa hồng nhỏ”, “Tuổi hồng” được xây dựng, tập trung 327 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS để làm kênh tuyên truyền đến các đối tượng khác; 12 đội thanh niên “Vì cuộc sống cộng đồng” (120 thành viên) thường xuyên tham gia cùng lực lượng công an cơ sở tuần tra phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Tại huyện Châu Phú, 148 thanh thiếu niên chậm tiến được tham gia hội nghị đối thoại về chính sách với người hoàn lương. Sau hội nghị, 66 trường hợp (12 trường hợp phạm tội về ma túy đã hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu) được giới thiệu việc làm, cho vay vốn sản xuất; hỗ trợ cho mỗi thanh thiếu niên, đại diện gia đình có con em chậm tiến… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phòng chống ma túy ở khu vực biên giới và tuyên truyền nhân dân không trồng, tái trồng cây có chứa chất gây nghiện. Trong đó, tuyên truyền vận động (tập trung lẫn cá biệt) vào 494 đối tượng nghiện ma túy, 96 hộ gia đình có người nghiện ma túy.

Mô hình tự quản, đảm bảo an ninh trật tự ở TX. Tân Châu

Quan tâm đến lực lượng đoàn viên, thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang quan tâm phối hợp với các ngành có liên quan và chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai nhiều mô hình, hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên. Cụ thể như: hoạt động Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” trong công tác phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 – 2020; Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2018; chương trình tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020; giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên... Các hoạt động nêu trên đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, góp phần kéo giảm tình trạng gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, giai đoạn 2013-2018, An Giang triển khai mô hình “4 kèm 1” khá hiệu quả. Lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (hoặc Hội Cựu chiến binh) và người thân cùng phối hợp kèm cặp, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến. Đây là bước cuối cùng của Chương trình “Tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến” của tỉnh. Đại tá Lâm Minh Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, chia sẻ: “Giai đoạn 1 (2013-2015), toàn tỉnh có trên 2.000 thanh thiếu niên chậm tiến. Hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ các bước của chương trình, trong đó nhiều nơi quan tâm lãnh chỉ đạo, tích cực thực hiện, có sự phân công cụ thể, có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, 374 trường hợp tiến bộ, có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần làm giảm tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Giai đoạn 2, tỉnh có 2.226 trường hợp chậm tiến; đưa vào diện quản lý để cảm hóa, giáo dục 1.594 trường hợp. Các trường hợp còn lại do vắng địa phương đi làm ăn xa, chuyển đi nơi khác, bị đưa vào Trung tâm cai nghiện, quá tuổi...”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: GIA KHÁNH