Chuyện nông thôn mới ở huyện điểm Thoại Sơn

Kỳ 2: Nông thôn mới – thực trạng và thách thức

09/10/2018 - 08:13

 - Thời điểm này, huyện Thoại Sơn (An Giang) đã vượt qua chặng đường dài trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với 11 xã đạt chuẩn. Cuộc sống sung túc, xóm làng bình yên, cơ cấu hạ tầng phát triển đang cho thấy sự “thay da đổi thịt” từng ngày của huyện thuần nông. Song, chặng đường ấy cũng lắm khó khăn và thách thức khi mà mục tiêu của huyện là phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vượt lộ trình vào năm 2019.

Thực trạng và thách thức      

“Công tác tuyên truyền cho nhân dân, nhất là người dân nông thôn ở 1 số nơi còn chưa được thường xuyên, do đó chưa phát huy được đầy đủ vai trò chủ thể của người dân. Vì thế, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu hết nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ đó có tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xem việc xây dựng NTM là trách nhiệm của chính quyền địa phương, không tích cực tham gia” – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Nguyễn Văn Lãm bộc bạch. Có thể nói, đây là vướng mắc phổ biến nhất ở hầu hết các địa phương đang triển khai xây dựng NTM. Làm thế nào để người dân quanh năm “tay lắm chân bùn” hiểu rồi đến tin và thực hành những chủ trương, đường lối chính sách của địa phương không phải là chuyện “1 sớm 1 chiều”.

Khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong xây dựng NTM

Thế mới thấy, vai trò của công tác tuyên truyền là rất quan trọng trong quá trình xây dựng NMT như hiện nay. Thế nên, Bác Hồ mới chỉ ra rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một trong những tiêu chí đánh giá NMT thành công hay không chính là công cuộc giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người. Song, ngoài việc thiếu vốn sản xuất, không ít hộ nghèo còn thụ động, sợ hoặc không muốn tiếp cận với phương thức sản xuất mới, không có sự phấn đấu vươn lên. Chưa kể, một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự “bao bọc” của Nhà nước.

Chưa kể, những tiêu chí về an ninh trật tự xã hội, cảnh quan môi trường, Bảo hiểm y tế… mặc dù đã đạt nhưng việc giữ gìn và nâng chất để chúng phát triển bền vững thì cần phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể và hiệu quả. Nhất là với những tiêu chí, chỉ tiêu không cần vốn, bởi chỉ cần lơ là, không tập trung rà soát, duy trì, nâng chất là sẽ bị tụt.  Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho các công trình NTM còn hạn chế do còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách Nhà nước. Chưa phát huy hết tiềm lực của nguồn lực tại chỗ và thu hút đầu tư bền ngoài chính là điều các địa phương cần quan tâm nhiều hơn.

Tìm hướng đi đúng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Ở An Giang, hiện có 39/119 xã đạt chuẩn NTM, đứng thứ 4 trong khu vực ĐBSCL. Thoại Sơn có 11/14 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 14/14 xã đạt chuẩn xã NTM. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn. Để tiến tới được công nhận là huyện NTM vào năm 2019, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa NTM để người dân xem đó là trách nhiệm, quyền lợi của bản thân mà ra sức cùng chính quyền địa phương. Ngoài ra, huyện cần phải có kế hoạch duy trì, nâng chất NTM nâng cao. Các cơ quan, đoàn thể cần có những công trình cụ thể, thiết thực để xây dựng NTN. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải thi đua cùng nhau làm nhiều việc tốt để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phấn đấu để NTM không có bỏ học, không có tội phạm về ma túy, không còn hộ nghèo vượt tiêu chuẩn cho phép, không có hành vi gây tiếng ồn cho những người xung quanh. Đồng thời, địa phương cần tăng cường công tác xã hội hóa; khen thưởng cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM”.

Người dân cần mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả

Dựa vào đặc thù từng địa phương, các xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn đều có kế hoạch xây dựng, duy trì, nâng chất NTM cụ thể. Với thế mạnh nông nghiệp, hiện 14 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng phát huy được vai trò của mình trong sản xuất gắn với xây dựng NTM. Tiêu biểu là hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất vối công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra với tổng diện tích 560ha. Nổi bật là Hợp tác xã An Bình, đã được tỉnh chọn xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn. Hợp tác xã An Bình cũng tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được 35ha và hiện đang xây dựng kế hoạch sản xuất cánh đồng lớn (tiểu vùng AB5) với diện tích đăng ký là 135ha.

Tiếp sức kịp thời cho hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực giúp họ vươn lên

Đưa ra những bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thành Đô cho rằng: “Xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là giải pháp quan trọng hàng đầu, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”.

(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Quyết liệt trên chặng đường về đích!​

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN