Phòng, chống xâm hại trẻ em: chuyện chưa bao giờ cũ!

Kỳ 4: Khi chứng cứ không lên tiếng

28/10/2019 - 10:16

 - Trong các vướng mắc liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em (đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em), việc xác định hành vi vi phạm pháp luật đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn cả về mặt chủ quan lẫn khách quan. Bởi vì, người bị hại hầu hết là các cháu còn rất bé, trong khi người thân và cha mẹ, những người trực tiếp quản lý, giáo dục các cháu lại không có nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em.

Công tác cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ và hành vi xâm hại trẻ em được các ngành quan tâm xử lý. Theo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết 216 tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố tội phạm xâm hại trẻ em; 200 trường hợp bị khởi tố, số còn lại tạm đình chỉ hoặc không khởi tố. Trong quá trình xử lý không có tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá thời hạn thụ lý, giải quyết; được cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tuy nhiên, theo thống kê của các ngành chức năng, trong 5 năm, tỉnh An Giang chỉ có 3 vụ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em (liên quan 5 đối tượng), quá ít so với xử lý hình sự. Trong đó, 3 năm gần đây, không có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính. Các vụ việc bị xử phạt chủ yếu là người phạm tội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, phải mất thời gian giám định độ tuổi.

Hội nghị tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục và xâm hại tình dục trẻ em

Giai đoạn điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, cơ quan chức năng đã thực hiện, áp dụng nghiêm túc biện pháp bảo vệ trẻ em là người bị hại theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, như: Thực hiện trợ giúp pháp lý; áp dụng biện pháp tốt nhất để bảo vệ bí mật cá nhân, tránh ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, tương lai của trẻ em; bố trí địa điểm lấy lời khai tại nơi học tập, nơi cư trú. Trường hợp lấy lời khai tại nơi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng bố trí phòng lấy lời khai, phòng xét xử đảm bảo thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi; lấy lời khai không quá 2 lần/ngày, mỗi lần lấy lời khai không quá 2 giờ (trừ trường hợp luật quy định khác). Nhiều trường hợp, Tòa án tổ chức xét xử kín, áp dụng biện pháp cách ly bị hại đối với bị cáo, không công bố bản án trên trang thông tin điện tử của đơn vị…

Công tác xét xử của Tòa án các cấp nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hình phạt nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Cụ thể, Tòa đã tuyên phạt tù chung thân 1 bị cáo; phạt 5 bị cáo tù có thời hạn từ trên 15 năm đến 20 năm tù; phạt 42 bị cáo trên 7 năm đến 15 năm tù; phạt 31 bị cáo trên 3 năm đến 7 năm tù; phạt 91 bị cáo tù có thời hạn đến 3 năm tù. Tuy có nhiều nỗ lực, phấn đấu, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã phải hủy 2 vụ án do phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm, bị sửa 11 vụ án do cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Qua đó đã phản ánh đúng tình hình, thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, tính chất phức tạp trong việc chứng minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em để khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử được các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo.

Đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em

Nói về các khó khăn khách quan, Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, phân tích: “Khi xảy ra hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, để có căn cứ khởi tố, cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để xác định người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình nạn nhân phát hiện và tố giác trễ, các dấu vết, vật chứng không còn, không đầy đủ. Do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong điều tra, xử lý vụ án. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng, vụ việc xảy ra lâu. Việc lấy lời khai người bị hại rất khó, vì các bé còn nhỏ, dễ bị tổn thương tinh thần, nhận thức chưa đầy đủ, khai thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân hoặc người giám hộ, có trường hợp phải thông qua phiên dịch. Lại có những vụ án, đối tượng và người bị hại, gia đình người bị hại có mối quan hệ thân thuộc, quen biết. Họ lo sợ ảnh hưởng đến danh dự nạn nhân, tự thương lượng bồi thường, từ đó không chịu tố giác hoặc yêu cầu xử lý. Thậm chí, phía người bị hại không hợp tác trong quá trình điều tra”.

Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của bị hại gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng không xác định được tuổi chính xác của bị hại (có phải là trẻ em hay không). Có trường hợp, giấy khai sinh của bị hại không chính xác hoặc chỉ ghi năm sinh; cha mẹ bị hại nhớ nhầm ngày sinh của con mình (ngày âm lịch, dương lịch); hoặc lời khai của họ và các giấy tờ, chứng cứ lại không khớp nhau… Về chủ quan, theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, một số cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm; chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng, tâm lý làm việc với trẻ em. Về cơ quan tiến hành tố tụng, do áp lực sợ oan sai, nên có tình trạng… quá thận trọng, cầu toàn trong việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ, kiến nghị khởi tố.

Nguyễn Văn Lượm bị xử phạt 4 năm tù vì “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”

Đối với chuyên môn của ngành Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang La Hồng thông tin thêm: “Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định trong cơ cấu tổ chức của tòa án nhân dân địa phương có Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Tòa sẽ giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi, hoặc các vụ án hình sự bị cáo đã đủ 18 tuổi nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi (bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác). Đồng thời xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy Luật có hiệu lực từ năm 2015, nhưng việc triển khai thực hiện, tổ chức thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên chỉ có ở một số ít đơn vị, trong đó có Tòa án nhân dân tỉnh An Giang. Việc tổ chức Tòa là một định hướng tiến bộ, đảm bảo yêu cầu của cải cách tư pháp. Mặc dù vậy, cơ sở vật chất trang bị cho Tòa theo quy định của pháp luật vẫn chưa thực hiện được, ngoại trừ một số Tòa án có trụ sở mới được xây dựng hoặc sắp xếp được thì được cấp kinh phí đển trang bị phòng xử thân thiện. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả của Tòa trong hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019, có 198 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh An Giang đã thụ lý 196 vụ/200 bị cáo, giải quyết 187 vụ/190 bị cáo. Các bị cáo bị xét xử chủ yếu về tội danh: hiếp dâm người dưới 16 tuổi; mua bán trẻ em; hiếp dâm trẻ em; cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án nhân dân 2 cấp đều áp dụng hình phạt tù và không cho hưởng án treo; không có trường hợp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

(Còn tiếp)

GIA LẠC