An Giang - điểm sáng xây dựng Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc

Kỳ 4: Nâng cao vai trò của Đảng, tháo điểm nghẽn trong đồng bào Chăm, Khmer...

13/10/2018 - 08:17

 - Đảng ta khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. An Giang là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông và là một trong những tỉnh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Khmer còn cao so với mặt bằng chung trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần thiết nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, từng bước cải thiện cuộc sống vùng đồng bào dân tộc, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

An Giang có các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, trong đó có 90.271 người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 4,2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer sống tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đây là 2 huyện miền núi và biên giới có địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Các Đảng bộ xã có đồng bào Khmer sinh sống đã triển khai, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của tỉnh về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc và công tác vận động đồng bào Khmer. Các Đảng bộ xã không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân luôn gắn bó trong công tác vận động đồng bào Khmer. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở An Giang được nâng lên. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.     

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đời sống của đồng bào Khmer ở An Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan… còn tồn tại ở một số nơi. Việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra. Tình hình đồng bào Khmer qua lại biên giới trái phép vẫn còn…

Tuyên dương, khen thưởng các chức sắc, chức việc, đồng bào tích cực đóng góp cho xã hội.

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia đem lại hiệu quả thiết thực nhưng số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Nhiều xã còn lúng túng trong việc tìm giải pháp vươn lên khá, giàu. Tình trạng tái nghèo vẫn còn là một nguy cơ tiềm ẩn. Việc phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại hình văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc có nguy cơ bị mai một. Việc học tập nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với hộ nghèo còn khó khăn. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan Nhà nước, đoàn thể các cấp chưa nhiều. Bên cạnh đó, trước đây, công tác phát triển đảng nói chung và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng gặp rất nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do công tác tạo nguồn còn hạn chế; lực lượng cán bộ không chuyên trách tại cơ sở hầu hết chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn, số khác lại vướng về độ tuổi … Khó nhất là do điều kiện kinh tế của người dân chưa phát triển, nhận thức còn hạn chế dẫn tới công tác phát triển Đảng gặp khó khăn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là một số Đảng bộ xã ở An Giang chưa coi trọng công tác vận động đồng bào Khmer; nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác vận động đồng bào Khmer chưa cao. Việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và đoàn thể các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong đó có việc đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào Khmer ở một số Đảng bộ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.              

Từ thực tế đó, tỉnh đã tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, sau đó là dạy nghề, giải quyết việc làm và giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó phải kể đến các chương trình cho vay như: tín dụng hộ nghèo; tín dụng hộ cận nghèo; tín dụng hộ mới thoát nghèo; tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Nhờ vậy, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang Tô Văn Hoảnh cho biết: “Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội An Giang đang thực hiện 11 chương trình tín dụng cơ sở từ nguồn vốn của Chính phủ để cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác”.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các địa phương, sự điều hành của chính quyền các cấp ở địa phương và sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến khá toàn diện về tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, hình thành mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, cùng nhau phát triển trên mọi lĩnh vực. Các phong trào thi đua yêu nước cũng được tích cực triển khai thực hiện, mang lại diện mạo mới cho các phum sóc của huyện miền núi.

Đảng, Nhà nước động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt các chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh.

Để nâng cao chất lượng công tác vận động đồng bào Khmer trong thời gian tới, các Đảng bộ xã ở An Giang cần thực hiện nhiều giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào Khmer trong thời kỳ mới. Đưa nội dung công tác vận động đồng bào Khmer vào trong sinh hoạt chi, đảng bộ và coi trọng giải quyết những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của đồng bào. Hoạt động của đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải hướng tới việc chăm lo cho đồng bào Khmer bằng cách vận dụng các chủ trương, chính sách. Đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào Khmer theo phương châm: tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc. Tập trung vận động đồng bào Khmer chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; vận động đồng bào tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; phản bác lại các hành động chống phá Đảng Nhà nước, tổ chức khiếu nại kéo dài… Huy động sự vào cuộc của các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo người Khmer tham gia công tác vận động đồng bào Khmer. Chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào Khmer; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer; quy hoạch lại nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vận động đồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tích cực động viên đồng bào Khmer hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ là người Khmer; cần có chính sách đãi ngộ cán bộ là người Khmer.

Từ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do  tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phát động. Hiệu quả công tác xây dựng Đảng đã góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vùng đồng bào Khmer, định hướng đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt các chính sách kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ cuối: Hiệu quả từ việc Đảng, chính quyền đối thoại lắng nghe dân