Kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2018): Chúng tôi nói về… chúng tôi

21/06/2018 - 07:31

 - Ai, việc gì, ở đâu, tại sao, như thế nào… là những câu hỏi đơn giản nhưng người làm báo phải luôn trăn trở, chọn lọc và trả lời mỗi ngày, mỗi giờ để đáp ứng cho công chúng một cách đầy đủ và chính xác nhất về những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Nhận nhiệm vụ nói hộ cuộc sống nên công việc của những người đưa tin như chúng tôi chất chứa đầy đủ cung bậc xúc cảm từ thực tế đem lại.

Ảnh: M.L

Tự hào nghề nghiệp

Báo chí đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Ngày nay, người làm báo được tôn vinh xứng đáng từ những đóng góp của mình với đời. Làm báo là một công việc đáng tự hào, vì được trải nghiệm nhiều, giàu có về kiến thức, các mối quan hệ, vốn sống… Cái duyên đã đưa nhiều người xuất thân từ trường lớp đào tạo khác nhau đến với nghề báo. Ngã rẽ bất ngờ khiến họ gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng rồi lòng yêu nghề được nhen nhóm lớn dần, sự tận tâm “nghề dạy nghề” của lớp cô, chú, anh, chị đi trước giúp mỗi người dần trưởng thành. Bạn Neáng Sóc Vanh Na (nữ phóng viên trẻ của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) sau 5 năm gắn bó với nghề đã tự tin khẳng định: nghề báo giúp phụ nữ trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, đặc biệt là sự khéo léo trong xử lý tình huống để giải quyết vấn đề, không lúng túng trước khó khăn hay tỏ ra yếu thế trước nam giới.

Lăn lộn với nghề, có lúc nhà báo được đến những nơi quan trọng và gặp các nhân vật đặc biệt, cũng có lúc phải lặn lội ngoài đồng, dầm mưa dãi nắng cùng nông dân. Ấy vậy mà có những ý tưởng, đề tài không thực hiện được do yếu tố khách quan mang lại. Được gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn nhiều người, trải nghiệm cảm xúc của mình ở đủ cung bậc, nỗi buồn hay niềm vui của nhân vật có thể trở thành nỗi buồn và niềm vui của người cầm bút. Có những bài viết bị lãng quên nhưng cũng có những bài viết được nhớ mãi. Nhà báo Nguyễn Rạng (Báo An Giang) chia sẻ: “Đề tài trong thực tế là vô tận, viết cả đời cũng không hết”. Thật vậy, cùng một chất liệu đời sống, mỗi người có góc nhìn khác nhau, phản ánh muôn vẻ của vấn đề. Bởi lẽ đó, có quan niệm cho rằng, trong nghề báo không có phóng viên giỏi, chỉ có phóng viên cố gắng vươn lên, sao cho bắt kịp diễn biến thay đổi kèm theo muôn điều mới mẻ của xã hội hàng ngày. Người làm báo cứ phải học hỏi, thích nghi và tìm tòi cái mới suốt đời.

Tính chất của nghề đặt ra nhiều đòi hỏi trong kỹ năng của một nhà báo, họ được tôi luyện sắc sảo, nhanh nhạy, năng động. Hòa mình vào dòng chảy của xã hội, nhà báo ngày nay phải trở thành một người “đa năng”, vừa biết viết, vừa chụp ảnh, quay phim, thành thạo công nghệ để phục vụ chuyên môn một cách tốt nhất.

Và những khắt khe

Thói quen của chúng tôi khi phỏng vấn nhân vật đang làm một nghề nào đó thường là câu hỏi: “Theo nghề này có khó không?”, đa số câu trả lời là “Không khó cũng không dễ, chỉ cần đam mê, chỉ cần yêu nghề, một chút năng khiếu…”. Cũng câu hỏi ấy, tự nghĩ về nghề làm báo, thật khó để nói hết được đặc thù của công việc, bởi không chỉ là ghi chép, bấm máy, gõ bàn phím, nhà báo còn trải qua một quy trình vất vả để cho ra đời tác phẩm phù hợp với sự tiếp nhận số đông bạn đọc. Phóng viên Thu Thảo (Báo An Giang) phụ trách mảng nội chính, lĩnh vực được đánh giá khó - khô và khổ cho biết, để thu thập được tài liệu cho bài viết đã vất vả, gặp phải những đề tài nhạy cảm, khi có đầy đủ tư liệu trong tay vẫn còn trăn trở viết như thế nào, viết những gì… Nói về nghề báo hiện đại, phóng viên Hữu Huynh (Báo An Giang) tâm sự: “Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, công việc của những người làm báo càng không dễ chút nào. Trong thời đại bùng nổ thông tin, những người làm báo chịu sức ép dữ dội từ thông tin trên các mạng xã hội. Đó là sức ép về tốc độ và tính cập nhật của thông tin… Mọi cái mới nhất đều có thể nhanh chóng trở thành cái cũ. Thực tế đó đòi hỏi ở người làm báo vừa phải có năng lực nghề nghiệp, vừa có tầm hiểu biết sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, phải nắm vững quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nhạy bén trước những vấn đề, sự kiện nóng của đời sống…”.

Ngoài những yêu cầu khắt khe về nghiệp vụ, những ai dấn thân theo nghiệp báo chí còn phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Trong buổi tọa đàm “Bàn tròn báo chí - Nhà báo nữ nói về nghề”, lắng nghe chia sẻ của chị, em theo nghề báo, xen lẫn niềm vui là những tâm sự đẫm nước mắt, mới thấy làm báo không hề dễ dàng! Đằng sau công việc, không ít người chấp nhận sự thiệt thòi hạnh phúc gia đình, định kiến của xã hội, những quan niệm phiến diện về nghề báo quy chụp cho số đông. Trên mặt trận báo chí nói chung, nếu có những tấm gương dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu cũng có trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dựa vào nghề để vụ lợi cá nhân, tạo hình ảnh không tốt trong dư luận. Để vượt qua trở ngại, chúng tôi chỉ có thể cố gắng và cố gắng hơn để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Những thuận lợi, khó khăn, vất vả, cái sướng, cái khổ của nghề báo là những đặc thù chỉ riêng người trong cuộc mới thấu hiểu. Không ai dám khẳng định sẽ sống trọn đời với nghề, nhưng với những người đang làm báo, dù thời gian ngắn hay đã dày dặn lâu năm đều có thể khẳng định, nghề này có một sức hút khó tả. Như lời của nhà báo Thành Trung (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang): “Ngày nào còn làm báo, còn cầm bút và gắn bó trang viết thì hãy sống hết mình với nghề”. Cũng như những nghề nghiệp khác, nghề báo thật sự không gì vui hơn khi được đóng góp một phần nhỏ bé của mình để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp!

MỸ HẠNH