Kỳ thú chuyện bút danh, nghệ danh

10/02/2019 - 07:00

 - Quê hương nhà thơ Tản Đà có núi Tản Viên, sông Đà nổi tiếng, Nguyễn Khắc Hiếu (1988-1939) ghép tên núi, sông thành bút danh.

Đến nay, người ta chỉ nhớ Tản Đà, chứ không nhớ tên cha mẹ đặt cho ông. Có nhiều người lấy tên đất, tên làng, thắng cảnh quê hương làm bút danh, tên gọi. Trường hợp Vũ Quần Phương là một trong số đó. Quần Phương là tên một làng ở Hải Trung, huyện Hải Hậu (Nam Định); còn Vũ Ngọc Chúc là tên khai sinh của nhà thơ. Hay như nhà thơ Thu Bồn (tên Hà Đức Trọng, quê Điện Bàn, Quảng Nam) lấy tên sông Thu Bồn quê mình làm bút danh. Ký giả, soạn giả cải lương, nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà nổi tiếng (tên thật Trương Khương Ninh) lấy tên quê hương (huyện An Biên, Kiên Giang) làm nghệ danh. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy. Ông sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, có sông Tô Lịch chảy qua, trước đây thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ đó, bút danh Tô Hoài của nhà văn có tên khai sinh là Nguyễn Sen ra đời. Ai cũng biết “vua vọng cổ” là Viễn Châu, nhưng sao có nghệ danh này của ông Huỳnh Trí Bá (xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, Trà Vinh) thì không nhiều người được biết. Theo “vua vọng cổ”, đương kim tứ trụ danh cầm Bảy Bá một thời (Văn Vỹ, Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Giỏi) nói có nghệ danh Viễn Châu là hàm nghĩa “người viễn xứ nhớ về quê hương bản quán”.

Kỳ thú chuyện bút danh, nghệ danh

Văn Cao

Rất nhiều bút danh tác phẩm nổi tiếng đến nay vẫn chưa được “giải mã”. Tiêu biểu là 4 bài thơ (Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Đan áo cho chồng và Bài thơ cuối cùng) đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1937 và 1938 với bút danh T.T.Kh, kể lại mối tình tan vỡ của đôi trai gái yêu nhau, hẹn hò dưới giàn hoa ti-gôn. Bài thơ đầu tiên với tên Trần Thị Khánh (sau đó từ chối) để lại nghi án văn chương trên 80 năm, tốn nhiều trang sách vẫn là nghi án. Nhà thơ Quang Dũng với nguồn cảm hứng của chàng trai lãng tử, giàu tình cảm cho đời nhiều bài thơ tình mộng mơ, hào hoa vào loại độc nhất vô nhị. Tên ông là Bùi Đình Diệm nhưng sao thi sĩ sử dụng bút danh Quang Dũng, đến nay chưa ai “lý giải” được. Nhà thơ Hoàng Cầm với tác phẩm “Lá diêu bông” nổi tiếng… cho đời một thứ lá huyền thoại, không ai tìm thấy ở thế gian. Tên ông là Bùi Tằng Việt, rút gọn từ địa danh quê nhà (xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Ninh); còn Hoàng Cầm (tên một vị rất đắng của thuốc nam). Nhà thơ Hàn Mạc Tử nằm xuống ở Quy Nhơn, an táng ở dốc Mộng Cầm để thi sĩ trông ra biển lộng gió, cảnh núi non hùng vĩ. Hàn Mạc Tử là bút danh, tên nhà thơ là Nguyễn Trọng Trí. Theo các nhà nghiên cứu, Hàn Mạc Tử được chiết tự, ghép nghĩa của từ Hán Việt nghĩa là “người duyên nợ với văn chương”.

Không ít văn nghệ sĩ chọn cách “làm gọn” bút danh, như: Văn Cao (Nguyễn Văn Cao), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Huy Cận (Cù Huy Cận), Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh)… Với bút danh theo cách đánh vần, nói lái, đảo chữ tên thật khá phổ biến. Nhà thơ Thế Lữ (Nguyễn Thứ lễ), Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Điều lấy nghệ danh Điêu Huyền; soạn giả tài danh với trên 60 vở cải lương Nguyễn Phú Quý chọn nghệ danh Quy Sắc…

Kỳ thú chuyện bút danh, nghệ danh

Kỳ thú chuyện bút danh, nghệ danh

Xuân Quỳnh và Xuân Diệu

NGUYỄN RẠNG