Kỳ tích 20 năm… “trồng người”

06/03/2018 - 01:15

 - Chỉ từ số tiền thưởng 40 triệu đồng khi nhận giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng mà sau 20 năm đã có thể giúp 350 sinh viên (SV) ngành y có hoàn cảnh khó khăn được khoác lên người chiếc áo blouse trắng. Nhờ tầm nhìn xa, trông rộng của cố bộ trưởng, đến nay An Giang đã có thêm y, bác sĩ trẻ đang âm thầm cống hiến và chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho xã hội.

Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), quê xã Mỹ Chánh (nay là xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới). Cả cuộc đời ông gắn liền với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, từ nghiên cứu đông y, vi trùng học đến bào chế vaccine phòng dịch.

Từng là Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa II, III), được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.

Những ngày cuối đời, ông còn nhiều trăn trở với việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân nên đã để lại di nguyện trao 40 triệu đồng tặng học bổng cho SV ngành y có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh và 40 triệu đồng cho người cháu là GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân trao học bổng cho SV ngành y tại quê nhà An Giang.

Nhớ lại buổi nói chuyện 20 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Trân vẫn còn xúc động: “Tôi cảm kích và cảm thấy quá nhỏ bé trước tấm lòng của bác trai tôi. Bác đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành y, nay cuối đời còn dành số tiền tích lũy của mình để chăm lo cho các em SV.

Từ đó, tôi hiểu được rằng không chỉ đóng góp trực tiếp, mà còn phải đầu tư cho giáo dục mới tạo nên đội ngũ kế thừa, chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

Noi gương bác, tôi đã dành số tiền tiết kiệm của mình tặng học bổng cho SV ngành khoa học - kỹ thuật (KH-KT) có hoàn cảnh khó khăn để nâng bước nhân tài, tạo nên người lao động có trình độ KH-KT cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới của xã hội”.

20 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Trân đã cùng Tỉnh đoàn, Hội Khuyến học tỉnh điều hành và phát triển nguồn quỹ học bổng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay đóng góp.

Sau 20 năm, quỹ đã trao 800 suất học bổng, trong đó có 353 suất học bổng dành cho SV ngành y và 473 suất học bổng cho SV KH-KT, với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.

Hiệu quả từ những suất học bổng đã biểu hiện rõ khi Tỉnh đoàn thống kê có 301 SV ra trường có việc làm ổn định và một số SV còn học chuyên sâu.

Trong đa số SV tốt nghiệp, tất cả đều tri ân tấm lòng của bác Nguyễn Văn Hưởng và trở lại An Giang để cống hiến cho quê nhà.

Đó là BS Nguyễn Thị Phúc Loan (đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện chợ Mới), Phạm Mỹ Hạnh (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Mai Sương (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang), Đường Mỹ Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang)…

“Ngày trước, lần đầu tiên tôi nhận được học bổng là 600.000 đồng, tôi đã mua quyển Atlat ngành y hết 400.000 đồng, số còn lại chi tiêu hết sức gói ghém. Chính quyển sách ấy là hành trang quý giá nâng bước tôi trong cuộc đời học và hành nghề.

Điều giá trị của học bổng với SV trước hết là vật chất nhưng càng ý nghĩa hơn chính là giá trị tinh thần. Vì chúng tôi hiểu được, đó chính là cả tấm lòng, sự kỳ vọng của bác Nguyễn Văn Hưởng, để mỗi khi gặp cảnh quá khó khăn chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua để trở thành những lương y chân chính” - BS Nguyễn Thị Phúc Loan bộc bạch.

Niềm hạnh phúc dâng trào trong GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân khi chứng kiến những SV nay đã thành nghề, thành người, vừa có trình độ, tri thức, vừa được rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

Điều ông Trân mong mỏi hơn chính là các em phải làm nghề bằng cái tâm trong sáng, vững chãi, không ngừng học tập, tiếp thu KH-KT, để bản thân và đất nước không tụt hậu.

Sẽ càng quý giá hơn khi các em biết sẻ chia, đóng góp thêm vào nguồn quỹ để lớp SV thế hệ sau có hoàn cảnh khó khăn sớm thực hiện những hoài bão đẹp.

Kỳ tích 20 năm… “trồng người”

Các SV từng nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng và khoa học - kỹ thuật

Bài, ảnh: TRÚC PHA