Ký ức về cha

17/06/2018 - 16:28

Cha – tiếng gọi từ tâm can người con xa xứ. Không biết lúc này cha ra sao rồi, cha đã đỡ mệt chưa?

 

Ngày của Cha con nhớ cha nhiều lắm (Ảnh minh họa).

Dẫu biết rằng, khi lớn lên ai cũng phải xa nhà để lo toan cuộc sống. Để kiếm tìm cho mình những thú vui hàng ngày. Nhưng rồi cũng đến một ngày nào đó ta cảm thấy chán chường, yếu mềm và muốn quay về nhà ôm lấy cha, lấy mẹ một cái.

“Con mệt quá cha mẹ à! Cuộc sống không có cha mẹ lo toan, vất vả biết nhường nào”.

Lớn rồi, nhưng mỗi khi quay về nhà, cha ra đón lại thấy cha rưng rưng nước mắt. Cha luôn như thế mỗi khi tôi quay trở về. Cha tôi, dáng người dong dỏng cao, mái tóc đã bạc phơ, hàm răng chỉ còn vài chiếc mà lúc nào cũng hay cười, hay nói.

Có đôi khi nhìn thấy con gầy đi vì những nhọc nhằn của cuộc sống cha lại buồn, cha lại bảo, “Mệt không con? Về nhà với cha mẹ đi”. Lâu lâu không thấy con gọi điện về hỏi thăm cha, là cha lại gọi hỏi thăm: “Con khỏe không? cuộc sống ở đó thế nào? Công việc của con ra sao?...”

Lúc nào cha gọi điện cũng nhắc tôi phải ăn uống đầy đủ, công việc dù có bận rộn cũng không được bỏ bữa. Rồi cha lại lặng im. Tôi biết, lúc đó cha đang nghẹn ứ cổ họng khi nhớ về con mà không dám nói.

Ký ức của tôi về cha là một người đàn ông đầy bản lĩnh – người đàn ông đã bôn ba mặt trận để chiến đấu cho nước nhà bình yên. Để lại mẹ chăm tôi. Hồi đó, tôi còn bé, một đứa bé mới 3 tuổi, theo lời mẹ kể là hay nhắc về cha: “Cha đi lâu về thế mẹ? Sao cha không về đưa con đi chơi ông bà hả mẹ?”.

Rồi đến ngày cha trở về, đằng sau là một chiếc ba lô nặng trĩu những bộ quần áo bộ đội. Cha lao vào ôm tôi và khóc. Lôi ít lương khô trong túi đưa cho tôi và nói, ở nhà con có ngoan, có nghe lời mẹ không? Có nhớ cha không?.

Thế mà thấm thoát cha nay đã 70 tuổi, còn tôi thì cũng đã trên 40 tuổi. Nhưng mỗi lần về nhà trong vòng tay của cha mẹ là như đứa trẻ vô tư lắm. Trong mắt cha, tôi luôn là đứa trẻ còn bé nhỏ và vẫn cần được bàn tay của cha chở che.

Thời gian trôi đi nhanh lắm, tôi luôn sợ một ngày thức giấc không thấy cha còn nữa, sợ không còn thấy cha cười, không thấy cha dặn dò trăm thứ từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Tôi muốn có thêm nhiều thời gian khi sức cha đã già yếu được bên cha nhiều hơn, muốn được nắm lấy đôi bàn tay đầy chai sần của cha mỗi khi cha nhớ về tôi, mỗi khi cha dạy điều hay lẽ phải.

Tôi nhớ những ngày thơ bé ngồi sau xe cha chở, nhớ những ngày hai cha con bên nhau với những câu chuyện ngây ngô thuở nhỏ. Và cũng vì thế, cả một tuổi thơ hồn nhiên bên cha, tôi luôn nhớ những nụ cười của cha, những lần cha bế và tung lên cho tôi cười khúc khích, làm ngựa cho tôi cưỡi.

Tôi chỉ nhớ được những ngày bên cha đầy vui vẻ. Nhưng tôi chẳng thể biết nỗi nhọc nhằn của cha, những tháng ngày xa xứ làm thuê để kiếm tiền cho tôi ăn học.

Rất nhiều lần tôi trách cha, vì sao bao gian lao kia cha không bao giờ kể, vì sao những nỗi mất mát của cha, cha chẳng bao giờ nói, cha chỉ giữ cho riêng mình.

Cũng chính vì thế mà cả tuổi thơ tôi bên cha nhưng chẳng bao giờ thấy được những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt của cha. Những câu chuyện cha kể cho tôi chỉ vỏn vẹn trong những tiếng cười khúc khích, chỉ là những hình ảnh cha đi làm xa trở về tôi lao ra ôm chầm lấy cha, rồi cha bế tôi lên, cho tôi quà.

Cha luôn cười, cha chẳng bao giờ khóc, chẳng bao giờ than mệt mỗi khi làm ngựa cho tôi cưỡi.

Rồi sau này, tôi lớn lên, tôi lại trách mình, tại sao chẳng thấy được những nỗi nhọc nhằn của cha khi còn thơ bé. Tại sao đến bây giờ tôi vẫn để cho cha phải lo lắng về cuộc sống hiện tại?

Cha à! Nay là ngày của Cha, con nhớ cha nhiều lắm. Cha luôn là người đàn ông mạnh mẽ và dũng cảm nhất trong cuộc đời của con. Con sẽ trở về bên cha trong những ngày tới. Yêu cha của con!

Theo VIỆT HOÀNG (Người Đưa Tin)