Kỳ vọng vào Hiệp định CPTPP

01/03/2018 - 01:00

 - Ngày 11-11-2017, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC (được tổ chức tại Đà Nẵng), 11 quốc gia nằm trong vành đai Thái Bình Dương đã quyết định tiếp tục duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này một lần nữa khẳng định sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, điều đó làm cho các doanh nghiệp đến người tiêu dùng ở 11 quốc gia thành viên kỳ vọng vào một tương lai xán lạn của hiệp định này.

Từ doanh nghiệp…

TPP, từ viết tắt của cụm từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương), đây là một hiệp định thỏa thuận về thương mại tự do giữa 12 quốc gia thành viên nhằm mục đích đưa nền kinh tế (KT) của mỗi quốc gia hội nhập nền KT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định này được khởi động từ cuối năm 2005. Khi ấy, các nước như: Brunei, New Zealand, Singapore đã đi đến thỏa hiệp, đồng thời ký với nhau một hiệp định thương mại tự do (FTA) với tên gọi là Hiệp định đối tác KT xuyên Thái Bình Dương. Ba năm sau, vào thời điểm tháng 9-2008, Mỹ (một quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới) đã chính thức đàm phán với các quốc gia thành viên (ban đầu) để chính thức gia nhập TPP. Song, sự xuất hiện của Mỹ trong cuộc chơi thương mại tự do lần này có tính chất hoàn toàn khác so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các quốc gia khởi xưởng ban đầu đã ký với nhau, nghĩa là một TPP phát triển mang tính toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó mục đích cuối cùng là nhằm thúc đẩy việc làm, tăng trưởng bền vững và tiến bộ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. “Là doanh nghiệp, chúng tôi rất mong chờ và kỳ vọng lớn vào hiệp định này, bởi những lợi ích trước mắt khi Việt Nam tham gia vào hiệp định là xuất khẩu nông sản vào thị trường của những nước thành viên còn lại sẽ rất thuận tiện. Lĩnh vực dệt may, hàng nông sản là 2 lĩnh vực mà An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung rất có lợi thế. Hiệp định được ký kết sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, việc xin visa nhập cảnh vào các quốc gia thành viên thuận lợi hơn; những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều từ việc hỗ trợ kỹ thuật và tay nghề lao động từ các quốc gia phát triển, từ đó sẽ làm cho trình độ lao động, tay nghề của công nhân trong nước được nâng lên một cách nhanh chóng. Xuất khẩu nông sản nói riêng, các loại hình dịch vụ nói chung từ Việt Nam vào các quốc gia thành viên còn lại sẽ được hưởng mức thuế suất cực kỳ ưu đãi, thậm chí có những lĩnh vực thuế suất sẽ bằng không, vì vậy chúng tôi rất kỳ vọng và chuẩn bị để hội nhập…” - Giám đốc Công ty TNHH Xay xát lúa gạo Văn Hòa (Phú Tân) Trần Văn Hòa chia sẻ.

Dệt may và hàng nông sản của nông dân trong tỉnh là những lĩnh vực có lợi thế khi CPTPP được ký kết. Ảnh: MINH HIỂN

Ban đầu, TPP có 12 quốc gia thành viên, gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Đến nay, Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định, vì vậy tên của hiệp định được các quốc gia thành viên còn lại thảo luận, sửa đổi và đi đến thống nhất chuyển từ cụm từ TPP sang cụm từ CPTPP hay còn gọi là Hiệp định Đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương. “Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và An Giang là tỉnh nông nghiệp, vì vậy khi hiệp định này được ký kết, lúc đó hàng hóa nông sản của nông dân trong tỉnh sẽ rộng đường tiêu thụ, 2 mặt hàng chủ lực là lúa và cá tra sẽ đạt nhiều triển vọng hơn so với hiện nay, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng vào điều này…” - bà Nguyễn Thị Lan (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

…Đến người tiêu dùng

Mục tiêu chính của TPP hay CPTPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên trong hiệp định, vì vậy, ngoài lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới, thuế, môi trường; dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ, chi tiêu công của Chính phủ, đầu tư, lao động, pháp luật; giải quyết tranh chấp, nguồn gốc - xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch thực phẩm, viễn thông… thì người tiêu dùng trong các quốc gia thành viên (của hiệp định) sẽ được sử dụng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với giá thành, giá bán rẻ. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Vừa qua, Bộ Công thương công bố toàn bộ văn bản Hiệp định Đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là tiền đề để hướng tới việc ký kết hiệp định vào ngày 8-3 tới tại Chile. Chúng tôi rất mong hiệp định được ký kết, bởi lúc đó, người tiêu dùng sẽ rộng đường lựa chọn mua các loại hàng hóa có chất lượng tốt đến từ các quốc gia khác nhau của các nước thành viên. Ngay tại TP. Long Xuyên, khi hiệp định chưa được ký kết, mà hàng hóa mua sắm Tết đã phong phú, nói chi đến khi hiệp định được ký kết thì hàng hóa sẽ phong phú hơn rất nhiều” - chị Võ Thị Hoa (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

CPTPP là một hiệp định rất quan trọng, bởi 11 quốc gia thành viên trong hiệp định này đều là thành viên của Tổ chức hợp tác KT Châu Á - Thái Bình Dương, với tổng dân số là 650 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 31.481 USD/năm (năm 2011), tổng GDP lên đến 20.000 tỷ USD, CPTPP sẽ tạo ra một thị trường chung đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng…

Xét về quy mô, hiệp định CPTPP khi được thông qua sẽ tạo ra thị trường mở, chiếm 14% GDP toàn cầu và khoảng 1/6 thương mại thế giới. Đây là động lực để giải quyết chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

MINH HIỂN