Làm sao truy xuất nguồn gốc thịt heo hiệu quả?

19/12/2018 - 07:22

 - Ở khu vực ĐBSCL, An Giang được xem là tiên phong xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đây là công việc khó, bởi phần lớn lượng thịt heo trên thị trường hiện nay vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, với khuynh hướng tiêu dùng hiện đại, thông minh, sản phẩm truy xuất nguồn gốc sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trong tương lai.

Người tiêu dùng chấp nhận

Chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) từ lâu nổi tiếng là khu chợ truyền thống có uy tín, thương hiệu bởi phần lớn khách hàng đi chợ là dân công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ hưu trí hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu. Giá cả hàng hóa có thể đắt hơn những chợ truyền thống khác đôi chút nhưng bù lại, yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khắt khe. Nhờ ý thức tiêu dùng cao nên từ quầy thịt heo Sáu Cúc tại chợ Mỹ Bình khai trương điểm bán hàng theo chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tỉnh An Giang, lượng khách đến mua tăng đáng kể. “Qua theo dõi, tôi biết được sản phẩm thịt heo được chăn nuôi, giết mổ, cung ứng theo quy trình kiểm soát rất chặt chẽ. Tôi là khách hàng thường xuyên của cô Sáu (bà Lâm Thị Thu Cúc, chủ quầy thịt heo Sáu Cúc) bởi cô bán hàng theo tiêu chuẩn Pork Shop. Nay thấy Sở Công thương kết hợp chương trình truy xuất nguồn gốc tại quầy hàng này, tôi càng yên tâm. Tâm lý người tiêu dùng bây giờ coi trọng yếu tố an toàn thực phẩm, sức khỏe là trên hết. Khi biết rõ nguồn gốc thực phẩm, dù giá có cao hơn chút đỉnh tôi vẫn mua, còn giá rẻ mà không an toàn thì tôi không bao giờ sử dụng” - chị Trần Minh Hải (một công chức ngụ phường Mỹ Bình) thẳng thắn.

Là một trong những điểm bán hàng đầu tiên của chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tỉnh An Giang, bà Lâm Thị Thu Cúc vừa tự hào, vừa cảm nhận được ích lợi của chương trình. “Là người kinh doanh, bản thân mình cũng yên tâm khi được cung ứng sản phẩm thịt heo tươi, ngon, rõ ràng về nguồn gốc, đầy đủ thông tin về sản phẩm. Khách hàng sử dụng được sản phẩm sạch, an toàn, quầy hàng giữ được uy tín. Mới đưa mô hình vào hoạt động chưa tới 2 tháng mà lượng thịt bán ra hàng ngày tăng gần gấp đôi so với trước. Tiềm năng phát triển chương trình này còn rất lớn” - bà Cúc phấn khởi.

Làm sao truy xuất nguồn gốc thịt heo hiệu quả?

Hướng dẫn người dân truy xuất nguồn gốc thịt heo

Hướng đến thị trường thông minh

Để tạo động lực cho chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tỉnh An Giang, bước đầu, Sở Công thương chọn địa bàn TP. Long Xuyên khai trương các điểm bán hàng truy xuất nguồn gốc. Nếu như chợ Mỹ Bình có quầy hàng Sáu Cúc thì chợ Cái Sao có quầy thịt heo Thanh Nga, Ngọc Bích; Chi nhánh Công ty TNHH MM MEGA Market tỉnh An Giang mở điểm bán hàng truy xuất nguồn gốc ở MM MEGA Long Xuyên. Sắp tới đây sẽ có thêm Siêu thị Tứ Sơn, một số hộ kinh doanh thịt heo ở TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu tham gia mô hình. “Nhiều người thích thú khi thấy tôi bán thịt heo truy xuất nguồn gốc. Từ khi khai trương mô hình này, doanh số bán hàng tăng lên đáng kể” - chị Lê Thị Thanh Nga (chủ quầy thịt heo Thanh Nga, chợ Cái Sao) vui vẻ.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, An Giang là một trong những thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất vùng ĐBSCL với số lượng giết mổ bình quân hơn 1.000 con heo/ngày. Tuy nhiên, sản lượng chăn nuôi trong tỉnh chưa đáp ứng đủ, hàng năm vẫn phải nhập từ các địa phương khác về với số lượng lớn (khoảng 300.000 con). Đây là trở ngại trong việc triển khai dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bởi An Giang không thể bắt buộc tất cả lượng heo nhập về tỉnh phải đeo vòng nhận diện được kích hoạt mã QRcode để truy xuất nguồn gốc. Một bất lợi khác là giá sản phẩm truy xuất nguồn gốc thường ít linh động hơn so sản phẩm tự do ngoài thị trường, nên người tiêu dùng còn so sánh về giá. “Tuy nhiên, xét về khuynh hướng tiêu dùng lâu dài, việc truy xuất nguồn gốc sẽ dần thay thế phương thức kinh doanh truyền thống, bởi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về an toàn, chất lượng sản phẩm” - ông Lợi đánh giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, để triển khai có hiệu quả chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, cần kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”. Về “xây”, đơn vị sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc xây dựng các cửa hàng truy xuất nguồn gốc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và xúc tiến tiêu thụ thịt heo có nguồn gốc để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội. Về “chống”, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm đẩy lùi các sản phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc trên thị trường; khuyến cáo các loại thịt heo không an toàn để người dân không sử dụng, thay đổi thói quen dùng các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN