Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

07/05/2019 - 08:06

 - Hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, là mắc xích quan trọng, xóa tan những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Nếu làm tốt khâu này, sẽ góp phần tạo thêm tinh thần đoàn kết trong nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Hòa giải thành trung bình 87%

Đến đầu tháng 12-2018, toàn tỉnh có 888 tổ hòa giải, với 5.898 hòa giải viên. Tất cả hòa giải viên đều được nhân dân bầu theo quy định. Số lượng thành viên tổ hòa giải từ 5-9 người, gồm: trưởng, phó trưởng ban ấp; ban công tác mặt trận, đoàn thể ấp; chức sắc tôn giáo, người dân tộc thiểu số... Các tổ hòa giải đều có sổ theo dõi hoạt động hòa giải cơ sở. Vụ việc hòa giải được cập nhật, ghi chép đầy đủ, rõ ràng; việc lưu trữ hồ sơ hòa giải được thực hiện tốt. Từ năm 2017 đến nay, hồ sơ được theo dõi kỹ hơn, có bút lục cụ thể, đẹp mắt, thuận tiện cho việc theo dõi, tra cứu, quản lý.

 Theo UBND tỉnh, sau 5 năm (2014-2018) kể từ khi Luật Hòa gảii ở cơ sở được ban hành và tổ chức thực hiện, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 20.068 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình 87%. Riêng năm 2017 và 2018, tỷ lệ này đạt từ 90% trở lên. Nội dung hòa giải chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình (tỷ lệ 69%). Trong 5 năm, có 273 tập thể, 258 cá nhân được các cấp, ngành khen thưởng về thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã tạo động lực tích cực cho người làm công tác hòa giải. Nội dung hòa giải phong phú, tổ chức hòa giải đúng trình tự thủ tục, chất lượng hòa giải từng bước được nâng lên. Kết quả hoạt động hòa giải góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết gắn bó cộng đồng dân cư, đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội… Công tác hòa giải ở cơ sở nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, như: mức chi bảo đảm cho công tác hòa giải được quy định ở mức cao nhất theo khung quy định của liên bộ (Tài chính, Tư pháp), HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề hoạt động của tổ hòa giải cơ sở và nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải; UBND tỉnh ban hành các kế hoạch năm, công văn chỉ đạo về hòa giải ở cơ sở, khen thưởng định kỳ cho tổ chức, cá nhân... Đặc biệt, sở, ban, ngành, UBND các cấp, các tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở thể hiện tinh thần tự nguyện, tham gia tích cực vào công tác hòa giải.

Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

Còn nhiều băn khoăn

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Công Lập thông tin: “Khó khăn hiện nay là tài liệu trang bị cho hòa giải viên còn hạn chế, thực tế chỉ đáp ứng được cho đối tượng được tập huấn nghiệp vụ hàng năm. Nếu đầu tư 1 lần cho khoảng 6.000 hòa giải viên thì kinh phí sẽ rất lớn. Vì vậy, tỉnh trang bị tài liệu pháp luật theo phương pháp “cuốn chiếu”, trang bị dần từng năm cho đến khi tất cả tổ hòa giải và hòa giải viên đều được trang bị đầy đủ các loại tài liệu pháp luật cơ bản, phục vụ nghiệp vụ, như: sổ tay hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai… Mặt khác, việc chi hỗ trợ hoạt động cho tổ hòa giải đôi lúc chưa kịp thời, có nơi chưa thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh vì không đủ kinh phí. Hòa giải viên có khi chưa làm tốt việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, dẫn đến nguy cơ làm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp từ những vụ, việc đã được hòa giải thành. Thành viên tổ hòa giải thường xuyên thay đổi”.

Nguyên nhân của những tồn tại trên do nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế so với chi phát triển kinh tế - xã hội, khả năng bố trí ngân sách cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa tương xứng với những đóng góp của tổ hòa giải và hòa giải viên cho xã hội. Ngoài việc thực hiện các đầu nhiệm vụ của ngành tư pháp, nhiều nơi công chức tư pháp còn được phân công làm đầu mối hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã theo Luật Đất đai; kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Có nơi, công chức tư pháp chưa phân biệt được hòa giải ở cơ sở với hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai.

Thực tế cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo, quản lý, có sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức hội, đoàn thể thì nơi ấy hoạt động hòa giải thành đạt kết quả cao, việc khiếu kiện giảm rõ rệt. Trong đó có sự tham gia hỗ trợ đóng góp rất lớn của các luật gia, luật sư đang sinh sống tại địa bàn dân cư, sự hỗ trợ tích cực của Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc phân công thẩm phán hỗ trợ trực tiếp các buổi hòa giải ở cơ sở.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng hồ sơ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, công bố kết quả công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh và các địa phương làm cơ sở phát động phong trào thi đua, nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; thống kê, theo dõi các vụ việc hòa giải thành được Tòa án nhân dân công nhận hoặc không công nhận. UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác hòa giải ở cơ sở, bảo đảm thông tin được cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác; hướng dẫn hòa giải viên theo dõi thực hiện các thỏa thuận đã được hòa giải thành.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG