Làng bánh phồng Phú Mỹ tất bật đón Tết

03/01/2018 - 01:15

 - Từ tháng 10 (âm lịch), làng bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân) trở nên đông đúc, nhộn nhịp hẳn bởi đã bước vào mùa sản xuất chính trong năm. Ghé xóm tập trung nhiều cơ sở nhất ở ấp Thượng 3, hàng ngàn chiếc bánh mới thơm lừng mùi nếp dẻo trải trên giàn cứ nối nhau liên tiếp tạo nên hình ảnh thật đẹp.

Nếu ngày thường, trung bình 1 cơ sở làm ra 2.000 cái bánh, hiện nay con số này đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đối với những cơ sở lớn, số lượng bánh được tính đến đơn vị muôn (1 muôn = 10.000 cái).

Chị Lê Thị Thanh Tiền, chủ một cơ sở tại làng nghề chia sẻ: “Nghề làm bánh phồng cực lắm, từ sáng đến tối làm không ngơi tay. Ban ngày chuẩn bị nguyên liệu, đến chiều phải rút nếp, tối đến thì xôi, quết… Mỗi nhà chỉ thuê vài nhân công nên phải huy động thêm lực lượng trong gia đình chia nhau việc cán bánh, chấm, phơi, “áo” qua nước đường rồi phơi thêm lần nữa”.

Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, các công đoạn làm bánh hiện nay được rút ngắn, nhất là quết bột. Hộ nào chưa có điều kiện đầu tư thì đem bột sang hộ khác thuê quết với giá 5.000 đồng/ổ.

Theo đó, số lượng bánh làm ra nhanh hơn, chất lượng hơn, đáp ứng kịp thời đơn đặt hàng. Nói vậy không có nghĩa nghề làm bánh phồng khỏe thân và “dễ ăn” mà ai cũng có thể theo. Quy luật phát triển khắc nghiệt của thị trường khiến nhiều hộ không trụ nổi, làng nghề hơn 70 năm vốn xôm tụ xưa kia nay chỉ còn khoảng 20 cơ sở duy trì hoạt động.

Không khí ở làng nghề tất bật hơn trong những ngày giáp Tết

Ông Lê Thiện Hiền đã theo nghề làm bánh phồng 40 năm cho biết, so với ngày thường thì nay cơ sở của ông phải sản xuất số lượng tăng gấp ba mới đủ theo đơn hàng. Tất cả cơ sở đều làm đến ngày 29 tháng Chạp mới ngưng.

Số hộ sản xuất ít nhưng sản lượng và các loại bánh hiện nay khá phong phú. Ngoài phân biệt bánh theo kích cỡ để tính giá cả, bánh phồng còn có các loại nướng, bánh mè sữa nước cốt dừa, bánh mè đường thốt nốt ăn sống…

Để cạnh tranh, giá cả trong giai đoạn cao điểm vẫn không tăng, từ 20 tháng Chạp đến Tết mới nhích nhẹ vài ngàn đồng bù trừ vào chi phí nguyên liệu và vận chuyển. Hàng ngày, rất nhiều xe đến tận làng nghề lấy sỉ nên người làm bánh không lo hàng bị tồn đọng.

Một số cơ sở đã kết nối được mối làm ăn lâu dài, sản xuất bánh hàng ngày cho bạn hàng tại TP. Long Xuyên, từ đây bánh phồng Phú Mỹ tiếp tục được phân phối đi các tỉnh, thành để vươn xa thương hiệu. Có cơ sở còn nhạy bén đưa sản phẩm tiêu thụ sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch hoặc thông qua bà con Việt kiều để duy trì đầu ra ổn định.

Công việc tăng lên, vất vả hơn nhưng người lao động vẫn vui vì được cải thiện thu nhập. Chị Đinh Thị Mộng Tuyền làm thuê 8 năm nay cho biết, bình quân thu nhập của chị từ 80.000-90.000 đồng/ngày, nay tăng lên hơn 100.000 đồng/ngày. Công đoạn chờ “áo” bánh (nhúng bánh vào nước đường) để xếp lên giàn phơi khá nhẹ nhàng nhưng phải nhanh tay để bánh không bị dính với nhau.

Những người khác làm công đoạn nặng hơn như cán bánh và tăng 2 suất trong ngày được trả công trên 200.000 đồng. Không ít nhân công đang làm việc trong các cơ sở là chủ hộ sản xuất nhỏ lẻ trước đây. So với làm ruộng hoặc tìm việc khác để kiếm sống, sẵn tay nghề nên họ được ưu tiên chọn vào các cơ sở quy mô hơn.

Người dân Phú Tân tự hào không chỉ vì làm ra loại nếp đặc sản trứ danh, mà nhờ những bàn tay khéo léo sử dụng chính loại nếp này sản xuất bánh phồng thơm dẻo. Bánh phồng Phú Mỹ chỉ lớn hơn bàn tay xòe một chút nhưng nướng chín lại nở to hơn cái quạt, cắn vào nghe giòn phao, có đủ vị ngọt, béo, mùi thơm của nếp, sữa, đường, mè, đậu phộng, đậu nành.

Bánh nướng được sử dụng gói xôi, làm vỏ kẹo chuối hoặc đơn giản chỉ ăn chơi, đặc biệt là món không thể thiếu để dâng lên bàn thờ trong đêm giao thừa đón năm mới.

Ngày cũng như đêm, tiếng quết ở làng nghề bánh phồng đều đặn vang lên, càng rộn ràng càng báo hiệu mùa làm ăn thuận lợi của người dân nơi đây. Thấy bánh phồng là thấy Tết!

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích