Làng Chăm đón Tết

31/01/2019 - 07:44

 - Tết Nguyên đán không phải là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Nhưng mỗi dịp xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi giải trí để cùng người Kinh đón Tết cổ truyền. Qua đó, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh càng gắn bó mật thiết với nhau, đóng góp vào sự phát triển chung.

Qua cầu Cồn Tiên rẽ về hướng thị trấn An Phú, làng Chăm Đa Phước có từ lâu đời và là nơi du khách có thể cảm nhận được những nét độc đáo trong truyền thống văn hóa Chăm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn mới khang trang, anh Haji tâm sự: “Nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ngày càng ổn định, phát triển. Bà con ở đây không chỉ được hướng dẫn cách sản xuất để nâng cao thu nhập, mà còn được cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, mua bán. Nhờ vậy mà nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu”.

Cô gái Chăm duyên dáng với trang phục truyền thống. (HỮU HUYNH)

Xã Đa Phước vừa lập “hat-trick” trong năm 2018 khi liên tiếp được công nhận 3 danh hiệu: xã nông thôn mới (NTM), xã văn hóa NTM và đạt đô thị loại 5. Về Đa Phước hôm nay, dọc trên các trục giao thông chính của xã, qua những con đường ra cánh đồng, sẽ cảm nhận được những đổi thay. Những ruộng lúa, bờ hoa xa tít trong tầm mắt. Trên những trục đường giao thông, những khóm hoàng yến bông vàng nở rực trong nắng, nhiều mái nhà mới mọc lên… tô điểm cho NTM thêm khởi sắc. Đó là kết quả của quá trình vận động để người dân hiểu được ý nghĩa của xây dựng NTM chính là chăm lo cho dân. Đa Phước còn là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống. Có được kết quả này nhờ sự đóng góp quý báu của đồng bào các dân tộc, trong đó có người Chăm ở địa phương.

Chia vui cùng đồng bào nhân dịp Tết Nguyên đán, người Chăm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí để thắt chặt tình đoàn kết. Ông Salamal, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Nhơn Hội (An Phú) cho biết, năm nào cũng vậy, khi đến Tết cổ truyền của người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng. Tổ chức mời các đội ở các ấp để thi đấu giao lưu bóng đá, bóng chuyền để thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc thiểu số Chăm với người Kinh. Ngoài ra, các ban, ngành còn hỗ trợ chăm lo cho 150 hộ chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số Chăm vui xuân đón Tết với tổng số tiền trên 45 triệu đồng.

Tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số Chăm nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đến công tác tôn giáo và dân tộc, đặc biệt là chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, trong đó có người Chăm. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, như: hỗ trợ nhà ở, điện nước sinh hoạt, đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, trạm y tế, đường giao thông, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, miễn giảm học phí cho học sinh... và xây dựng các xóm Chăm ngày càng khởi sắc.

Theo đó, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc tốt đẹp, trình độ dân trí ngày càng nâng lên. Mỗi dịp lễ, Tết của đồng bào cũng như Tết Nguyên đán của dân tộc, các cấp, ngành tổ chức nhiều đoàn đến thăm các Thánh đường Hồi giáo và tặng quà các gia đình tiêu biểu. Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang hiện sinh sống ở các địa phương như: Châu Thành, Châu Phú, An Phú, TX. Tân Châu... với khoảng 13.000 người, sống chan hòa cùng các dân tộc anh em, kinh tế chủ yếu là mua bán nhỏ, chăn nuôi, thêu may, dệt vải... Toàn tỉnh hiện có 28 thánh đường và tiểu thánh đường để các tín đồ sinh hoạt tôn giáo. Hiện, có hơn 80% số hộ gia đình người Chăm có mức sống từ trung bình đến khá giàu. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa trong tín ngưỡng tâm linh của người Chăm nơi đây cũng được giữ gìn và đời sống tinh thần cũng ngày càng phong phú. Các xóm Chăm trong tỉnh đều thành lập đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền và đua thuyền; người người cùng tham gia, nhà nhà cùng hưởng ứng… đã tạo cho phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm thêm phong phú và sinh động. Đối với Tết Nguyên đán của người Kinh, các chàng trai, cô gái Chăm cũng hòa chung niềm vui của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH