Làng chổi Vĩnh Chánh xưa và nay

24/10/2019 - 07:44

 - “Ngày trước, khi nghề làm chổi cọng dừa mới ra đời, người tham gia làm ít lắm. Theo thời gian, nghề này từng bước ổn định và người làm chổi có cuộc sống sung túc hơn, lượng người theo nghề tăng lên và phát triển thành làng nghề cho đến nay”- bà Trần Thị Thiện (sinh năm 1967, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) chia sẻ về nghề làm chổi cọng dừa trên quê hương mình.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh)- người đại diện làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh thông tin, làng nghề tiểu thủ công nghiệp bó chổi cọng dừa được UBND tỉnh công nhận vào năm 2010, có 153 hộ dân, với hơn 300 lao động. Vào những tháng cuối năm, làng chổi hừng hực sức sống vì cây chổi rất hút hàng vào thời điểm này. Người làm chổi lúc nào cũng miệt mài, chăm chỉ với cây chổi và sản phẩm nào làm ra đều được tiêu thụ hết. “Bởi thời điểm cận Tết, người người dọn dẹp, nhà nhà dọn dẹp nên chổi cọng dừa vì thế bán rất chạy” - những lao động theo nghề bó chổi cọng dừa ở đây phấn khởi cho biết. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch) là cao điểm của nghề làm chổi cọng dừa. Theo người dân nơi đây, cách vài ba ngày là có “mối” đến lấy hàng rồi chở đi phân phối cho các thị trường khác trong tỉnh. Dẫu làm đến “bở hơi tay”, có người phải chong đèn đến tận khuya để bó chổi nhưng ai cũng vui, đó là tín hiệu của một cái Tết no ấm, sum vầy.

Làm chổi cọng dừa đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn

Làm chổi cọng dừa đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn

Thăm lại làng chổi cọng dừa vào buổi trưa đầy nắng, chúng tôi không cảm thấy mệt, bởi sự thân thiện, vui vẻ của người lao động nơi này. Ai cũng tất bật với công việc, trên mặt, vai và sau lưng áo, giọt mồ hôi của những người thợ đang lấm tấm rơi như những giọt mưa. Có người còn nói vui, vất vả nhiều thì thu nhập cũng nhiều. Qua thời gian này, mấy tháng sau Tết hàng hóa bán chậm lắm, nên thời điểm này dù có vất vả hơn ngày thường nhưng cảm thấy vui. Cô Thiện (người có thâm niên 20 năm theo nghề làm chổi cọng dừa) chia sẻ, làm chổi cọng dừa không khó, nhưng nghề này đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn rất cao với công việc. Nếu không kiên trì, sản phẩm làm ra sẽ không được thẩm mỹ, từ đó sẽ làm mất danh tiếng của làng chổi Vĩnh Chánh. “Một ngày, chúng tôi bán 20-30 cây chổi, kiếm được hơn 150.000 đồng. Vào vụ Tết, mỗi ngày gia đình tôi bán được khoảng 40-50 cây chổi. Tuy vất vả nhưng chịu khó một chút thì cuộc sống ổn định. Người lớn tuổi và những lao động nhàn rỗi có thể dựa vào nó để mưu sinh. Tuy không giàu có nhưng nghề này giúp chúng tôi có được cuộc sống ổn định” - cô Thiện cho biết thêm.

Theo đó, công việc làm chổi không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Để có 1 cây chổi hoàn chỉnh, bền chắc, đòi hòi người thợ phải trải qua 4-5 công đoạn trong quy trình sản xuất. Việc đầu tiên là làm mái chổi - công đoạn mất nhiều thời gian và đây là công đoạn cực nhất. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt tra (kết) cọng dừa vào, mỗi lần kết người thợ lại lấy dây găng buộc chặt để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét. Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào cán chổi (tăng độ bền), cuối cùng là danh chổi. Công đoạn này, người thợ dùng dao chặt cọng chổi cho đều và đẹp. Tất cả đều làm bằng thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức mới hoàn thành 1 cây chổi bền, đẹp đến tay người sử dụng. Người thợ lành nghề cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới làm xong 1 sản phẩm, còn đối với những ai mới vào nghề thời gian càng lâu hơn.

Theo nghề từ tuổi xuân xanh đến nay đã gần 30 năm, bà Võ Thị Bon (sinh năm 1955, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh) cho hay, nhờ nghề làm chơi mà gia đình bà có cuộc sống khấm khá hơn. “Lúc trước, nhà tôi xập xệ lắm. Được học nghề từ những người lớn tuổi ở xóm, lúc đầu chỉ là sự tò mò, sau thành yêu thích và đến giờ là… không thể bỏ. Trước đây, xóm chổi chỉ làm cầm chừng, vì người theo nghề này rất ít. Từ khi lên làng nghề, công việc tất bật hơn trước, người theo nghề đông hơn. Hai đứa con tôi được ăn học và có việc làm ổn định như hiện nay đều nhờ nghề làm chổi cọng dừa. Địa phương mở lớp dạy nghề bó chổi và cấp chứng chỉ hành nghề cho học viên, nhờ vậy, lao động gia nhập làng nghề có tay nghề rất cao. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ chúng tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển. Tuy làng nghề nhộn nhịp, song nghề này chỉ thu hút được lao động nhàn rỗi và lớn tuổi. Còn đối với những lao động trẻ thì không có, vì đa số đã có việc làm ổn định ở công ty, doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi không lo nghề này bị mai một, vì lớp trẻ khi lớn tuổi, buồn tay, buồn chân sẽ tìm đến nghề bó chổi cọng dừa” - bà Bon bộc bạch.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN