Lãnh án vì vận chuyển hàng lậu

27/07/2018 - 07:18

 - Mặc dù biết việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới cần có đầy đủ các chứng từ, giấy tờ hợp pháp và khai báo đầy đủ đúng theo quy định pháp luật tại các khu vực cửa khẩu,nhưng Nguyễn Văn Hậu (Phoeuk Chanthy, sinh năm (SN) 1969, ngụ xã An Hòa, Châu Thành) đã phạm sai lầm khi quá tin lời người khác để cuối cùng bản thân lãnh hậu quả là phải ngồi tù.

Bị cáo Hậu khai báo tại phiên tòa

 

Bị bắt vì 33 tấn đường không giấy tờ hợp pháp

Trên cơ sở kết quả điều tra xác định, khoảng cuối tháng 5-2015, Hậu được một người phụ nữ tên thường gọi Tám Lan, 52 tuổi ở khu vực cây số 4, TX. Tân Châu đến trại ruộng của Hậu tại ấp Sanker Chua, xã Chôt Chey, huyện Borey Cholsa, tỉnh Tàkeo (Vương quốc Campuchia) đặt vấn đề thuê Hậu vận chuyển 660 bao đường cát Thái Lan (mỗi bao 50kg), tổng trọng lượng 33.000 kg từ Dung Dưng (Campuchia) về  quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) với giá 10 triệu đồng.

Đang trong thời gian rảnh rỗi và muốn có thêm tiền nên Hậu đồng ý. Sau khi trở về nhà, ngày 31-5-2015, Hậu điện thoại thuê Lê Văn Trường Giang (SN 1974, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) đi cùng Nguyễn Văn Trọng (SN 1984, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) điều khiển ghe gỗ (không số hiệu) lên bến lúa 6 Mì ở Dung Dưng để vận chuyển số đường cát trên về Việt Nam.

Sau khi nhận xong 660 bao đường cát, Giang và Trọng điều khiển ghe cùng Hậu di chuyển đi nhưng đến khu vực Xẻo Muối (Campuchia) phát hiện ghe bị khẩm, sợ vận chuyển không an toàn nên Hậu tiếp tục điện thoại cho em ruột Nguyễn Văn Tú (SN 1983), điều khiển thêm chiếc ghe gỗ không số hiệu từ Việt Nam lên Campuchia (CPC) vận chuyển tiếp số đường trên. Lúc đi, Tú kêu Lê Văn Tràng (SN 1978, ngụ xã Bình Chánh, Châu Phú) và Võ Hải Đăng (SN 1980, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) đi cùng và cả 3 đến nơi thì Hậu phân chia sang ghe của Tú, Đăng, Tràng 200 bao, còn lại 460 bao trên ghe của Giang và Trọng để tiếp tục vận chuyển về Việt Nam.

Riêng Hậu không đi cùng 2 ghe, mà đi bằng xe môtô về Việt Nam. Vài ngày sau, khi 2 ghe vận chuyển số đường trên vào Việt Nam thì bị lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) bắt quả tang người và số vật chứng trên (660 bao đường cát, 2 ghe gỗ…).

Sau khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố và chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để điều tra theo thẩm quyền, đến ngày 14-4-2016, Giang, Trọng, Tú, Đăng và Tràng đã bị Tòa án nhân dân huyện Châu Phú đưa ra xét xử, tuyên phạt từ 6 tháng đến 1,5 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

2 năm tù vì quá tin lời người khác

Riêng Hậu, khi được mời lấy lời khai đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình khi đã nhận lời vận chuyển đường theo yêu cầu của người phụ nữ CPC tên Ý nên ngày 12-10-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thì Hậu bỏ trốn khỏi địa phương (đi không lý do, không trình báo chính quyền địa phương). Do đó, ngày 23-11-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh tiến hành ra Quyết định truy nã đối với Hậu.

Đến ngày 18-2-2018, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh phát hiện bắt giữ Hậu. Sau khi bị bắt, ngoài những lời khai của Hậu đã thay đổi tên của  chủ số đường cát bị phát hiện bắt giữ không phải Ý, mà là bà Tám Lan (Võ Thị Tuyết Lan, SN 1967, ngụ phường Long Thạnh, TX.Tân Châu). Qua lời khai, Cơ quan chức năng đã rà soát được biết bà Tám Lan có sinh sống tại địa chỉ trên nhưng hiện vắng mặt không lý do nên địa phương không xác định được bà đang ở đâu, làm gì.

 Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Hậu khai nhận: “Việc nhập quốc tịch CPC là do năm 1993 lên CPC thuê đất làm ruộng. Đến năm 2014, vì muốn mua đất ruộng để canh tác và đi lại thuận tiện nên xin nhập quốc tịch và đăng ký hộ khẩu thường trú tại CPC. Do bị cáo quá tin theo lời bà Tám Lan nên không biết số đường cát bị phát hiện bắt giữ là hàng hóa nhập lậu... mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Mặc dù lời khai của bị cáo Hậu khai nhận, mọi hành vi phạm tội của bị cáo đều do sự thuê mướn và chỉ đạo từ bà Tám Lan nhưng theo kết quả điều tra và các chứng cứ, Hội đồng xét xử phân tích: “Trong vụ án này, bị cáo Hậu là người giữ vai trò chính từ khâu nhận vận chuyển đến việc thuê các bị cáo khác vận chuyển đường cát từ CPC vào Việt Nam.Theo đó, các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng để vận chuyển hàng hóa nhập lậu (đường cát Thái Lan) từ CPC vào nội địa Việt Nam để thu lợi bất chính nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.

Riêng người phụ nữ tên Lan, ngoài lời khai của bị cáo Hậu, không còn tài liệu bổ trợ nào khác chứng minh bà Lan có hành vi thuê mướn Hậu vận chuyển đường cát nhập lậu, đồng thời do chưa làm việc được với bà Lan nên Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý sau”. Từ kết quả trên, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Hậu 2 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG