LHQ hối thúc Italy xem xét sắc lệnh hạn chế tàu thuyền đi vào lãnh hải

13/06/2019 - 19:13

UNHCR đã hối thúc Chính phủ Italy xem xét lại sắc lệnh khẩn cấp mà nước này vừa thông qua, trong đó tác động lớn đến hoạt động giải cứu ngoài khơi Địa Trung Hải.

Người di cư chờ được cứu trên biển Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12-6, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã hối thúc Chính phủ Italy xem xét lại sắc lệnh khẩn cấp mà nước này vừa thông qua, trong đó tác động lớn đến hoạt động giải cứu ngoài khơi Địa Trung Hải.

Trong một tuyên bố, UNHCR đã bày tỏ quan ngại về sắc lệnh mới đây của Chính phủ Italy, trong đó có điều khoản tác động đến người tị nạn và di cư, cũng như mức phạt dành cho các tàu của tổ chức phi chính phủ tham gia giải cứu trên biển.

UNHCR nhấn mạnh giải cứu trên biển là vấn đề nhân đạo cấp bách lâu nay và cũng là trách nhiệm trong khuôn khổ luật quốc tế. Không nên phạt tàu hoặc thuyền trưởng vì hỗ trợ các thuyền gặp nạn.

Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh khi các nước châu Âu giảm dần hoạt động giải cứu ngoài khơi Địa Trung Hải, những nỗ lực của các tàu này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

UNHCR cũng quan ngại rằng sắc lệnh trên sẽ khiến các thuyền trưởng bị phạt vì không chấp nhận đưa người di cư lên bờ tại Libya, nơi xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt.

UNHCR nhấn mạnh trách nhiệm giải cứu người tị nạn và di cư nên được chia sẻ đồng đều giữa các nước, không phải phụ thuộc vào một hay hai quốc gia.

Trước đó, ngày 11-6, Nội các Italy đã thông qua sắc lệnh khẩn cấp hạn chế các tàu thuyền đi vào vùng lãnh hải của nước này, một động thái nhằm kiềm chế hoạt động của các tàu giải cứu người di cư của các tổ chức từ thiện quốc tế.

Theo sắc lệnh trên, những tàu đi vào vùng biển của Italy vi phạm luật quốc tế hoặc phớt lờ lệnh của giới chức nước này có thể bị phạt từ 10.000-50.000 euro (11.313-57.000 USD). Trong trường hợp tiếp tục vi phạm, các tàu có thể bị bắt giữ.

Sắc lệnh cũng quy định hình phạt đối với đối tượng có hành vi chống lại lực lượng an ninh nước này, trong đó mức án cáo nhất có thể lên tới 4 năm tù giam. Những người biểu tình cố tình che mặt để không bị nhận dạng, có thể bị ngồi tù 3 năm và bị phạt tới 6.000 euro. Theo kế hoạch, sắc lệnh này cần phải được Quốc hội thông qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cảnh báo sẽ có biện pháp cứng rắn mới đối với tàu Sea Watch của Đức, sau khi tàu này đón người di cư ngoài khơi Libya mà không được chính quyền cho phép.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi tàu này giải cứu 52 người trên chiếc xuồng cao su ở ngoài khơi cách Libya 75 km. Tháng trước, nhà chức trách Italy đã bắt giữ tàu này với cáo buộc vi phạm luật nhập cư, song con tàu đã được thả vào đầu tháng 6.

Kể từ khi ông Salvini lên nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ Italy hồi năm ngoái, số người nhập cư trái phép vào nước này đã giảm.

Theo số liệu thống kê chính thức, từ đầu năm đến nay, có 2.144 trường hợp vượt Địa Trung Hải vào Italy, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 96% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ĐẶNG ÁNH (TTXVN/Vietnam+)