Liên hoan phim Cannes 2018: Châu Á gây bất ngờ

13/04/2018 - 20:00

Liên hoan phim uy tín và danh giá nhất hành tinh đã công bố danh sách đề cử. Có thể thấy, Cannes 2018 đang vinh danh những tên tuổi lớn cũng như những gương mặt triển vọng, nhưng thiếu vắng màu sắc độc đáo.

Liên hoan phim Cannes lần thứ 71 diễn ra từ ngày 8 đến 19-5

Châu Á luôn là đối thủ đáng gờm

Năm nay có 4 trên 18 phim tranh giải Cành cọ vàng là những cái tên đến từ châu Á, bao gồm: Ash Is Purest White (Giả Chương Kha, Trung Quốc), Burning (Lee Chang Dong, Hàn Quốc), Asako I & II - Netemo Sametemo(Ryusuke Hamaguchi, Nhật) và Shoplifters (Hirokazu Kore-eda, Nhật). Ấy là chưa kể đạo diễn Iran Asghar Farhadi cũng mang phim Everybody Knowsđến tranh giải, nhưng vì phim này do Tây Ban Nha sản xuất nên không được tính là phim châu Á.

4 đạo diễn châu Á có phim tranh giải đều là những tên tuổi lớn tại quê nhà cũng như trên trường quốc tế, và những bộ phim này đều đạt nhiều thành tích đáng kể khi vừa công chiếu (trừ Burning).

Ash It Purest White lần nữa lột tả sự cô đơn của con người, phong cách quen thuộc của Giả Chương Kha

Trung Quốc có ba phim góp mặt liên hoan phim lần này, nhưng chỉ có Ash Is Purest White là tranh giải. Đây là tác phẩm được đầu tư kinh phí lớn, dài 150 phút với sự tham gia của Triệu Đào và Liệu Phàm, hai cái tên thực lực của điện ảnh Trung Quốc. Giả Chương Kha là đạo diễn nổi bật thuộc thế hệ thứ sáu của Trung Quốc cũng từng có phim tham dự LHP Cannes vào năm 2015. Thực chất, dù rất nổi tiếng tại các liên hoan phim quốc tế, nhưng Giả Chương Kha lại kém duyên tại quê nhà. Tác phẩm của vị đạo diễn sinh năm 1970 này lột tả sự cô đơn của con người. Với Ash Is Purest White, nhà làm phim Trung Quốc gửi đến thế giới hình ảnh một thành phố công nghiệp quy mô lớn nhưng cũng tập trung rất nhiều người dân nghèo khổ ở tận cùng đáy xã hội. Và tại nơi đó đã nảy nở chuyện tình giữa một vũ công xinh đẹp và tên trùm băng đảng khét tiếng.

Khán giả quốc tế sẽ được xem Burning trước cả khán giả Hàn Quốc

Hàn Quốc năm nay chỉ mang đến 2 bộ phim trong khi năm ngoái con số này là 5. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Hàn Quốc kém cạnh, bởi Burning cũng như Duke / The Spy Gone North (Yoon Jong Bin, phim không tranh giải) đều là những ứng viên tiềm năng. Quay lại trường hợp của Burning, ê-kíp đã lỡ hẹn với LHP Quốc tế Berlin vì thời điểm đó phim vẫn đang làm hậu kỳ.

Đây là tác phẩm của đạo diễn bậc thầy Lee Chang Dong sau 8 năm vắng bóng. Thông qua công ty phân phối Finecut, bộ phim sẽ được trình chiếu trên toàn thế giới, trừ Hàn Quốc (dời đến tháng 6 mới ra mắt), Pháp (diễn ra Cannes), Trung Quốc, Đài Loan, Philippines (vì lý do chính trị). Yoo Ah In, Steven Yeun và Jeon Song Seo đảm nhận vai những người trẻ có liên quan tới một vụ phóng hỏa. Liệu đạo diễn Lee Chang Dong có thể mang về Cành cọ vàng đầu tiên cho Hàn Quốc với tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn Barn Burning của tượng đài văn học Nhật Bản Haruki Murakami hay không?

Nhật Bản không thiếu phim điện ảnh lấy đề tài gia đình, nhưng dường như đã lâu lắm rồi, không có tác phẩm nào thật sự nổi bật

Nhật Bản gửi dự tranh hai tác phẩm ở hạng mục Cành cọ vàng, Shoplifters của đạo diễn Hirokazu Kore-ede và Netemo Sametemo (tựa khác là Asako I & II) của đạo diễn trẻ Ryusuke Hamaguchi. Shoplifters, câu chuyện về một gia đình tam đại đồng đường ở vùng quê Nhật Bản liệu có làm nên chuyện không khi mà những năm gần đây, điện ảnh Nhật Bản thật sự thiếu vắng những cái tên nổi trội cũng như thiếu duyên với các giải thưởng quốc tế?

Nếu Giả Chương Kha, Lee Chang Dong và Hirokazu Kore-eda đều từng tham gia Cannes, thì Ryusuke Hamaguchi là gương mặt mới lần đầu tranh giải. Vị đạo diễn sinh năm 1987 mang đến tác phẩm Netemo Ssametemo(chuyển thể từ tiểu thuyết). Câu chuyện xoay quanh cô gái tình cờ gặp một chàng trai có ngoại hình hệt như người yêu đã mất của cô. Nữ diễn viên trẻ Erika Karata được tin tưởng giao vai diễn quan trọng, trong khi nam chính thuộc về Masahiro Higashide, gương mặt điện ảnh đang được nhiều nhà làm phim săn đón, người đã để lại ấn tượng với phim điện ảnh chuyển thể Death Note 2016.

Với sản phẩm đầu tay Angel Face đảm nhận vai trò đầu tư và cả sản xuất, Lý Nhã Kỳ sẽ bước lên thảm đỏ rực rỡ của Cannes

Đại diện châu Á còn có Ấn Độ, Thái Lan, Iran, Lebanon với các phim tham dự trình chiếu. Đặc biệt, nhà đầu tư - sản xuất Lý Nhã Lỳ mang đến Cannes bộ phim Angel Face (Vanessa Filho). Đối thủ của Angel Face là 14 bộ phim đặc sắc đến từ nhiều nền điện ảnh nổi tiếng trên thế giới cùng tham gia tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo).

Nhiều tên tuổi lớn tham dự, nhưng vắng bóng các nữ anh tài

Góp mặt trong danh sách năm nay có Jean-Luc Godard (Le Livre d’Image), Pawel Pawlikowski (Cold War), Spike Lee (BlacKkKlansman)… cùng những bom tấn điện ảnh, trong đó đáng chú ý nhất là Solo: A Star Wars Story(Ron Howard). Những bộ phim này vẫn theo phong cách sở trường của các vị đạo diễn, khi tập trung khai thác đề tài tội phạm, chính trị, những chuyện tình lãng mạn với nhiều bối cảnh và quốc gia khác nhau. Trong khi đó, những tác phẩm vốn được kỳ vọng cùng những tên tuổi được mong chờ của các đạo diễn nữ đã không có mặt trong danh sách năm nay. Chỉ có 3 đạo diễn nữ tham dự, khi mà con số này ở đạo diễn nam là 15. Trường hợp này đã từng xảy ra vào năm ngoái, nhưng theo giám khảo Jessica Chastain thì không có sự phân biệt nào ở đây, chỉ là các phim tham dự được lựa chọn dựa trên giá trị của bộ phim chứ không dựa vào giới tính. Trái lại, thành viên ban giam khảo thì số lượng nữ áp đảo nam giới.

Netflix "nghỉ chơi" Cannes

Netflix từ chối tham dự

Có thông tin rằng danh sách tham dự phim có thể được bổ sung, nhưng chắc chắn sẽ không có phim của Netflix, bởi lẽ giám đốc nội dung của Neflix là Ted Sarandos đã nhấn mạnh vào hôm thứ tư rằng không có phim nào của họ tham dự Cannes. Đây là đòn đáp trả của công ty streaming lớn nhất toàn cầu khi Cannes công bố điều luật yêu cầu phim tranh giải phải chiếu bản hoàn thiện ngoài rạp. Dù những người trong cuộc bảo rằng họ vẫn đang thảo luận, nhưng xem ra Netflix đã chính thức rời cuộc chơi.

Năm nào cũng vậy, khi danh sách đề cử được công bố cũng là lúc Cannes hứng chịu nhiều đồn đoán và tranh cãi. Tuy thế, nhìn vào danh sách năm nay, cũng có thể thấy được mức độ hấp dẫn của LHP này chưa bao giờ hạ nhiệt. Đặc biệt hơn cả, từ năm nay, các phim tham dự sẽ không chỉ được chiếu giới hạn tại các buổi họp báo, mà mọi người sẽ có cơ hội xem phim, dĩ nhiên vẫn trong vòng bí mật.

Tranh giải Cành cọ vàng

Ash Is Purest White - Giả Chương Kha

At War - Stéphane Brizé

BlacKkKlansman - Spike Lee

Burning - Lee Chang- dong

Capernaum - Nadine Labaki

Cold War - Pawel Pawlikowski

Dogman - Matteo Garrone

Girls of the Sun - Eva Husson

The Image Book - Jean- Luc Godard

Lazzaro Felice - Alice Rohrwacher

Leto AKA Summer - Kirill Serebrennikov

Netemo Sametemo AKA Asasko I & II - Ryusuke Hamaguchi

Shoplifters - Kore- Eda Hirokazu

Sorry Angel - Christophe Honoré

Three Faces - Jafar Panahi

Under the Silver Lake - David Robert Mitchell

Yomeddine - A.B. Shawky

Tranh giải Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo)

Angel Face - Vanessa Filho

Border - Ali Abbasi

El Angel - Luis Ortega

Euphoria - Valeria Golino

Friend - Wanuri Kahiu

The Gentle Indifference of the World - Adilkhan Yerzhanov

Girl - Lukas Dhont

The Harvesters - Etienne Kallos

In My Room - Ulrich Köhler

Little Tickles - Andreá Bescond & Eric Métayer

My Favorite Fabric - Gaya Jiji

On Your Knees, Guys - Sextape - Antoine Desrosìeres

Sofia - Meyem Benm’Barek

Không tham gia tranh giải

Le Grand Bain - Gilles Lellouche

Solo: A Star Wars Story - Ron Howard

Suất chiếu nửa đêm

Arctic - Joe Penna

Gongjak AKA The Spy Gone North - Yoon Jong- Bing

Suất chiếu đặc biệt

Dead Souls - Wang Bing

La Traverseé - Romain Goupil

O Grande Circo Místico - Carlo Diegues

The State Against Mandela and the Others - Nicolas Champeaux & Gilles Porte

10 Years in Thailand - Aditya Assarat, Wisit Sasanatieng, Chulayarnon Sriphol & Apichatpong Weerasethakul

To the Four Winds - Michel Toesca

Theo THẢO NGUYỄN (Thanh Niên)