Liên Hợp Quốc sẵn sàng thông qua Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư

10/12/2018 - 14:40

Đại diện hơn 100 nước hôm 10-12 nhóm họp ở thành phố Marrakech, Ma-rốc, để chính thức thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư do Liên Hợp Quốc thúc đẩy.

Trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 250 triệu người, chiếm tới 3% dân số toàn cầu, việc thông qua văn kiện này được xem là khẩn cấp nhằm đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn.

Thành phố Marrakech. Ảnh: Riad Al Ksar.

Không có bất kỳ cuộc bỏ phiếu hay lễ ký nào, hội nghị liên chính phủ được tổ chức tại thành phố Marrakech, miền Trung Ma-rốc đơn giản là một bước đi chính thức trong tiến trình khởi động cách đây 18 tháng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, hướng tới một sự di cư an toàn, thường xuyên và có trật tự.

Hiệp ước không mang tính ràng buộc này đề ra một loạt các nguyên tắc từ nhân quyền, quyền của trẻ em tới chủ quyền quốc gia, cùng danh sách các đề xuất nhằm hỗ trợ các nước đối phó với làn sóng di cư như trao đổi thông tin và kinh tế, giúp người di cư hòa nhập với môi trường sống mới,... Văn kiện cũng yêu cầu coi việc bắt giữ người nhập cư chỉ như một phương sách cuối cùng. Dù việc thông qua một văn kiện toàn cầu về quản lý dòng người di cư được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, song kể từ khi đạt được nhất trí hồi tháng 7-2017 tại New York, nhiều nước đã thông báo rút khỏi văn kiện này. Tới nay văn kiện mới chỉ được 2/3 trên tổng số hơn 190 nước thông qua, cũng như xác nhận tham dự Hội nghị. 

Italy, Áo, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Séc, Slovakia, Estonia, Litva, Thụy Sĩ, Australia, Israel và Cộng hòa Dominica đã quyết định không cử đại diện tới Marrakech. Trong khi Mỹ đã rút khỏi việc soạn thảo Hiệp ước Toàn cầu về di cư với lý do văn kiện bao gồm những điều khoản đi ngược lại với chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thì cho rằng Hiệp ước toàn cầu về di trú vẫn là không đủ, nhất là liên quan tới khả năng tiếp cận của người di cư với các hỗ trợ nhân đạo và dịch vụ cơ bản hay liên quan đến quyền của lao động nhập cư.

Trước sự quay lưng của một số nước, Đại diện đặc biệt Liên Hợp Quốc về di cư Louise Arbour vẫn bày tỏ tin tưởng vào tương lai của Hiệp ước Toàn cầu về di cư. Bởi theo bà, phần lớn các quốc gia vẫn tiếp tục giữ vững cam kết của mình và ngay cả những nước hiện nay vẫn còn do dự trên thực tế cũng đã nhận được sự nhượng bộ của các nước đối tác trong tiến trình đàm phán.

Cao ủy châu Âu về di cư Dimitris Avramopoulos kêu gọi các nước cần phải “ suy nghĩ lại” trước thời điểm quyết định: “Châu Âu thực sự muốn hợp tác với các đối tác tại châu Phi trên cơ sở bình đẳng để giải quyết các thách thức này. Vì vậy, mặc dù một số quốc gia không nhất trí với Hiệp ước, tôi xin có lời kêu gọi cuối cùng rằng các nước hãy nghĩ lại và cân nhắc lại lập trường của mình. Vì như tôi đã nói, nó nằm trong lợi ích của châu Âu, của tất cả các thành viên và của tất cả các quốc gia liên quan trực tiếp hay gián tiếp”.

Sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến trong ngày 19-12 tới. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư là “đáp án đúng” để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nhà lãnh đạo Đức đồng thời khẳng định sẽ tham dự hội nghị.

Lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cũng dự kiến sẽ có mặt tại hội nghị, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ cử Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề đối ngoại tham dự.

Làn sóng người di cư với quy mô lớn nhất chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vượt quá khả năng chống đỡ của Liên minh châu Âu hay hàng nghìn người di cư đang trực chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ bất chấp hàng nghìn binh sĩ được triển khai ở biên giới với Mexico và sẵn sàng tiến hành trấn áp mạnh tay. Tất cả những điều này đã cho thấy sự cần thiết của một hiệp ước toàn cầu về di cư nhằm đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý tốt hơn dòng người di cư. Theo các nhà tổ chức, đến Marrakech ngày hôm nay là câu trả lời cho tất cả những người vẫn còn hoài nghi Hiệp ước Toàn cầu về di cư, đặc biệt là những nước như Pháp, Đức, Hà Lan hay Bỉ, nơi phe cực hữu đang coi vấn đề nhập cư như lá bài quan trọng trong chiến dịch bầu cử châu Âu sắp tới và luôn tìm cách chống lại hiệp ước trong bối cảnh sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy.

Theo VOV