Liên minh châu Âu không hào hứng gia hạn thời điểm Brexit cho Anh

04/04/2019 - 19:39

Bầu cử nghị viện châu Âu sắp đến gần song Liên minh châu Âu dường như không hào hứng với việc gia hạn thời điểm Brexit cho nước Anh.

Một ngày sau khi Hạ viện Anh thông qua dự luật buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải tìm cách hoãn thời điểm Brexit để ngăn chặn nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận, Thượng viện Anh hôm nay (4-4) cũng đã bắt đầu tiến trình phê chuẩn dự luật.

Liên minh châu Âu dù không mong muốn chia tay mà không có thỏa thuận với Anh song cũng không hào hứng trong việc gia hạn thời điểm Brexit cho “Xứ sở sương mù’. Theo đánh giá của giới chuyên gia, một phần nguyên nhân là do tác động của tiến trình Brexit và thời điểm bầu cử nghị viện châu Âu sắp đến gần.

Liên minh châu Âu không hào hứng gia hạn thời điểm Brexit cho Anh. Ảnh: Reuters

Theo kế hoạch, Thượng viện Anh đã bắt đầu tiến trình bỏ phiếu về dư luật gia hạn thời điểm Brexit vào 10h30 sáng (giờ địa phương), tức cuối giờ chiều nay (giờ Hà Nội). Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng, Thượng viện Anh cũng sẽ thông qua dự luật, vốn đã được Hạ viện thông qua một ngày trước đó. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố trong ít giờ tới.

Một khi dự luật được Thượng viện phê chuẩn, Thủ tướng Anh sẽ chính thức đề nghị Liên minh châu Âu gia hạn thời điểm Brexit trong bối cảnh thời hạn chót (12-4) – ngày mà Anh phải trình Liên minh châu Âu một kế hoạch Brexit mới được Liên minh châu Âu chấp thuận, đang ngày càng cận kề.

Ý định của Anh đã rõ. Người Anh không muốn vội vàng thông qua một thỏa thuận chưa ưng ý song cũng không muốn ra đi mà không có thỏa thuận. Việc gia hạn thêm thời điểm Brexit là giải pháp phù hợp nhất vào lúc này. Vấn đề giờ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Liên minh châu Âu có đồng ý gia hạn hay không.

Cũng giống như Anh, chia tay mà không có thỏa thuận là điều các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu không hề mong muốn.

Phát biểu họp báo tại thủ đô Berlin, Đức hôm qua (3-4) trước thềm chuyến thăm Ireland, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết sẽ nỗ lực đến giờ phút cuối cùng để ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận: “Tôi luôn luôn nói rằng, tôi sẽ chiến đấu đến phút cuối vì một kịch bản Brexit có trật tự. Đây là lợi ích của Anh và cũng là lợi ích của Liên minh châu Âu”.

Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng cam kết sẽ nỗ lực đến giây phút cuối nhằm tránh một Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker không quên nhấn mạnh, Anh sẽ không thể trì hoãn hơn nữa việc rời khỏi Liên minh châu Âu nếu như Quốc hội nước này không thông qua thỏa thuận Brexit muộn nhất vào ngày 12-4 tới. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ linh động trong vấn đề gia hạn thời điểm Brexit, song thời gian bị hạn chế.

Ông Juncker nói: “12-4 là thời hạn chót để phê chuẩn thỏa thuận Brexit. Nếu Hạ viện Anh không bày tỏ quan điểm vào ngày này, việc gia hạn thêm thời gian khó có thể xảy ra. Sau thời điểm 12-4, chúng ta có thể đẩy cuộc bầu cử nghị viện và hoạt động bình thường của Liên minh châu Âu gặp nguy hiểm. Nguy cơ một Brexit không có thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Đây là kết quả mà chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên, đây là một kết quả mà tôi đảm bảo rằng, Liên minh châu Âu cũng đã sẵn sàng đối phó”.

Giới phân tích nhận định, sở dĩ Liên minh châu Âu không hào hứng trong việc kéo dài thời điểm Brexit là vì tác động của tiến trình Brexit và thời điểm bầu cử nghị viện châu Âu sắp đến gần.

Ông Florian Pollan, một chuyên gia nghiên cứu chính trị, đại học tự do Berlin, Đức cho rằng, việc trì hoãn Brexit sẽ tác động tới cuộc bầu cử nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra từ ngày 23-26-5 tới: “Nếu Liên minh châu Âu gia hạn thời điểm Brexit có nghĩa là nước Anh sẽ phải tham gia bầu cử nghị viện Anh. Đó là điều mà lãnh đạo Liên minh châu Âu không hề mong muốn vì quốc gia đã muốn rời Liên minh châu Âu thì không nên tham gia bầu cử của khối”.

Cũng theo chuyên gia Pollan, tiến trình Brexit đã làm gia tăng sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu ở nghị viện châu Âu. Việc gia hạn thêm thời điểm Brexit sẽ chỉ dẫn đến sự rạn vỡ về mặt chính trị trong khối.

Theo VOV