Lộ diện những phương thức hoạt động của đường dây “tín dụng đen” khủng

04/12/2018 - 10:15

Với kinh nghiệm từng mở tiệm cầm đồ, Thành đã soạn thảo hẳn một bộ quy chế làm việc dành cho các nhân viên tín dụng, hướng dẫn cặn kẽ các bước làm việc với khách hàng, thẩm định tài sản, các phương thức đòi nợ; các tình huống xử lí khi khách hàng chây ì không trả nợ.

Đến ngày 30-11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố 9 đối tượng, trong đó tạm giam 7 đối tượng, truy nã hai đối tượng, đồng thời đang triệu tập 3 đối tượng khác để củng hồ sơ, xử lý hành vi bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác. 

Trong số 9 đối tượng đã bị khởi tố thì đối tượng cầm đầu, chủ mưu là Nguyễn Đức Thành, 30 tuổi, trú ở phường Cầu Kho, TP Hồ Chí Minh bị khởi tố 2 tội là cố ý gây thương tích và cho vay lãi nặng; Ngô Văn Chương, 30 tuổ, trú ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Giám đốc chi nhánh Thanh Hoá) bị khởi tố 2 tội: giữ người trái pháp luật và cho vay lãi nặng.

2 đối tượng đang bị truy nã là cặp anh rể, em vợ Nguyễn Cao Thắng, 34 tuổi, trú ở phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh và Trần Hồng Phong, 35 tuổi, cũng ở quận 10, TP Hồ Chí Minh đều bị khởi tố hành vi cho vay lãi nặng.

Ngoài tổ công tác tập trung làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thanh Hoá phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và các đơn vị chức năng tập trung làm rõ nhóm hành vi “cho vay lãi nặng và trốn thuế”. Tổ công tác này có nhiệm vụ mở rộng điều tra vụ án, thu thập chứng cứ, làm rõ nguồn tiền cho vay,  luân chuyển, nơi lưu giữ chứng từ, gặp gỡ các bị hại...

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chuyên án cho biết, ngay sau khi anh Nguyễn Văn Minh bị chết, lập tức các chi nhánh khác của Công ty Nam Long đã đóng cửa, gỡ biển, thay điện thoại, xoá dấu vết. Chính vì vậy, công tác điều tra, thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, việc gặp gỡ, lấy lời khai của các bị hại cũng không ít trở ngại vì họ ở nhiều địa phương khác nhau. Những người đã trả hết nợ thường không muốn liên quan, tố cáo các đối tượng, sợ bị trả thù. Những người còn vay nợ cũng rất lo sợ bị trả thù, sợ mọi người biết tình trạng nợ nần nên họ thường không cung cấp thông tin. 

Chính vì vậy, Ban chuyên án đã huy động những trinh sát, điều tra viên am hiểu về tài chính, kế toán, công nghệ cao để lần tìm trên hệ thống tài khoản, danh sách khách hàng, số tiền để lần ra bị hại. Từ đó, gặp gỡ, thuyết phục họ cung cấp thông tin, tài liệu, tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng.

Một số đối tượng trong vụ án.

Quá trình điều tra, đến nay, Cơ quan CSĐT đã khám xét 16 điểm ở 14 tỉnh, thành phố, thu được một số tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Công ty Nam Long.

Qua phân tích, nghiên cứu tài liệu khám xét, lực lượng chức năng đã xác định có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong đó có 85 hồ sơ tài liệu thể hiện bị hại vay tiền. Hiện, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 63 bị hại, trong đó có 59 người làm việc trực tiếp, 4 người chỉ khai báo qua điện thoại, không muốn gặp điều tra viên. Bước đầu, 59 bị hại khai báo đã vay của công ty Nam Long hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền “cắt phế” (tức phí dịch vụ).

Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hoá cũng xác định Công ty Nam Long sử dụng 70 tài khoản của nhiều ngân hàng để yêu cầu các bị hại chuyển tiền vay, lãi suất. Kiểm tra 30 tài khoản, lực lượng chức năng xác định tổng số tiền luân chuyển lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng cũng xác định Công ty Nam Long do Nguyễn Cao Thắng và Nguyễn Đức Thành lập ra hoạt động từ tháng 9-2017 với số vốn ban đầu là 2 tỷ đồng do Thành và Thắng mỗi bên đóng góp 1 tỷ đồng để cho vay nặng lãi. 

Theo đó, chúng cho vay gói “lãi đứng” (gói ngắn hạn 10-15 và 20 ngày) với mức lãi suất 1%/ngày (365%/năm). Cụ thể, nếu vay 100 triệu, mỗi ngày bị hại sẽ phải trả 1 triệu tiền lãi. Bên cạnh đó, còn có  hình thức hợp đồng cho vay với các gói 41 ngày và 50 ngày. Theo đó, mỗi ngày người vay phải trả gốc và lãi là 2,5%/tổng số tiền cho vay. 

Nguyễn Đức Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay lãi nặng, lợi nhuận được chia thành 2 phần, 1 phần để tái đầu tư, 50% còn lại chia đôi cho Thắng và Thành.

Đến tháng 12-2017, các đối tượng tiếp tục mở rộng địa bàn cho vay, Nguyễn Cao Thắng tiếp tục “bơm” tiền vào công ty. Qua xác định các tài khoản, cơ quan điều tra làm rõ, Nguyễn Cao Thắng đã góp 9,5 tỷ đồng vào Công ty Nam Long. Với kinh nghiệm từng làm chủ tiệm cầm đồ, Nguyễn Đức Thành nhanh chóng mở chi nhánh tại các địa phương trên cả nước. 

Theo đó, ngoài 26 chi nhánh, Thành đã đầu tư mở rộng mô hình cho vay với các bộ phận: quản lý nhân sự, tư vấn khách hàng, quản lý miền (gồm 6 miền) và đội xử lý nợ xấu. Bị hại Nguyễn Văn Minh là người có tính lỳ lợm, làm được việc nên Thành cho cho vào đội xử lý nợ xấu, có nhiệm vụ đến đòi nợ ở tất cả các địa phương – nơi phát sinh nợ xấu.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Đức Thành thừa nhận bản thân là Giám đốc Công ty Nam Long và việc mở 26 chi nhánh là do Thành thành lập. Thành cũng là người điều hành Công ty Nam Long. Các chi nhánh của Nam Long đều đăng ký kinh doanh dưới tên chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Thành Nam. Trong 26 chi nhánh, hiện mới đăng ký hoạt động 13 chi nhánh, số còn lại hoạt động “chui”.

Lý giải vì sao đặt ra luật lệ hà khắc đối với  nhân viên như vậy, Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc kỷ luật nghiêm để giữ uy tín cho công ty và khiến những nhân viên khác không dám vi phạm. Với kinh nghiệm từng mở tiệm cầm đồ, Thành đã soạn thảo hẳn một bộ quy chế làm việc dành cho các nhân viên tín dụng, hướng dẫn cặn kẽ các bước làm việc với khách hàng, thẩm định tài sản, các phương thức đòi nợ; các tình huống xử lí khi khách hàng chây ì không trả nợ. 

Theo tài liệu Thành soạn thảo để đòi nợ khách hàng thì nếu khách hàng chống đối hoặc tự huỷ hoại tài sản thì quay phim lại để báo cáo với cơ quan Công an.

Được biết, mặc dù các nhân viên đều chưa tiền án, tiền sự, nhiều người có học hành tử tế, khi tuyển vào công ty này làm việc đã không biết trước tính chất công việc phức tạp và nguy hiểm như thế, nhưng do đã phải nộp trước số tiền lớn để đặt cọc (từ 50 đến 100 triệu đồng) nên nhiều người không rút ra được.

Điều này cũng lí giải sự đặc biệt trong tổ chức tín dụng đen này, đó là không đối tượng nào có tiền án, tiền sự hay côn đồ cộm cán, kể cả lãnh đạo “chóp bu” như Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Cao Thắng, Trần Hồng Phong. Tiêu chí tuyển nhân viên của chúng cũng tập trung vào các thanh niên trẻ, chưa tiền án, tiền sự, ưu tiên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Chính vì lý lịch “sạch”, có tiêu chí cho vay rõ ràng nên nhiều khách hàng nhầm tưởng Công ty Nam Long là một công ty tài chính thực sự, được cấp phép mà không biết đây là một tổ chức tội phạm cho vay lãi nặng trá hình.

Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, sở dĩ tổ chức tín dụng đen của Nguyễn Đức Thành nhanh chóng vươn xa được đến các địa phương vì Thành có phương pháp làm khác với những nhóm cho vay lãi nặng thông thường. Bản thân Thành từng mở tiệm cầm đồ nên có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này. Hắn lại là người có học hành, am hiểu pháp luật nên đã soạn ra hẳn “giáo trình” để đào tạo nhân viên, cách thẩm định tín dụng, phương pháp đòi nợ, các tình huống xử lí khi khách hàng chây ì không trả nợ. Thậm chí Thành còn dạy nhân viên biện pháp để biến mình thành bị hại hoặc người làm chứng khi đi đòi nợ gặp tình huống khách hàng tự huỷ hoại tài sản. 

Để thu hút khách hàng vay, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng để khách hàng biết đến; trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty này đã phát triển mạng lưới ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước với hàng trăm khách hàng vay.

Đối tượng Trần Hồng Phong – là kế toán trưởng của Công ty Nam Long (em vợ của Nguyễn Cao Thắng) có tên và số tài khoản in trên card của Công ty. Long khai nhận có biết việc Thành và Thắng hùn vốn với nhau để cho vay nặng lãi. Các hoạt động mở tài khoản do Phong đứng tên là làm theo yêu cầu của Trần Thị Thu Trang (em gái Phong – vợ Nguyễn Cao Thắng). Phong có nhiệm vụ đi rút tiền của các bị hại chuyển về tài khoản của Phong, đồng thời, nếu bị hại chậm trả tiền, Phong sẽ gọi điện đôn đốc nợ.

Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành triệu tập và làm việc với 10/26 Trưởng khu vực, trong đó Ngô Văn Chương (Trưởng khu vực 18 phụ trách địa bàn Thanh Hoá, Ninh Bình, Hoà Bình) đang bị bắt về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cho vay lãi nặng; trưởng khu vực 15 (thuộc địa bàn Hà Nội) là Bùi Văn Chung, 30 tuổi, trú ở Đông Hải 1, Hải An, Hải Phòng; trưởng khu vực 21 (gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) do Nguyễn Thành Long, 30 tuổi, trú ở phường Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh đang bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích.

Qua phân tích dữ liệu ngân hàng, cơ quan điều tra cũng đã xác định mẹ đẻ và vợ Nguyễn Cao Thắng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của Trần Hồng Phong với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Hiện nay, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đang chỉ đạo cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án, xác định bị hại, xác định số lượng tiền vay, số tiền tổ chức này chiếm đoạt; làm việc với hệ thống ngân hàng, trưởng chi nhánh các khu vực để xác định tổng số tiền giao dịch, trung chuyển của tổ chức tội phạm này; làm rõ vai trò, tính chất, mức độ tham gia của từng đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật. 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đề nghị quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội, kêu gọi bị hại đến cơ quan Công an trình báo.

Theo PHƯƠNG THỦY (Công An Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích