Lo ngại về tình trạng trẻ hóa liên quan đến tội phạm ma túy

04/11/2019 - 19:55

Theo các đại biểu, về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra, làm rõ, tuy nhiên cử tri vẫn còn băn khoăn về vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Mai Khanh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 4-11, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.

Theo các đại biểu, về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra, làm rõ, tuy nhiên cử tri vẫn còn băn khoăn về vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Lo ngại về tình trạng trẻ hóa liên quan đến tội phạm ma túy

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu lo ngại về tội phạm ma túy ngày càng tăng về số vụ, số lượng ma túy bắt giữ và thủ đoạn phạm tội tinh vi, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng trẻ hóa trong đối tượng nghiện ma túy.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1-10-201 đến 30-9-2019 lực lượng chức năng đã phát hiện 23.328 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.222 kg heroin, 6.254 kg ma túy tổng hợp.

Mặc dù số vụ phát hiện phạm tội về ma túy giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng số lượng ma túy bị thu giữ trong từng vụ đã tăng, lên đến hàng tạ, hàng tấn ma túy làm rung động bàng hoàng trong dư luận.

Nghiêm trọng, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang thụ lý điều tra, có 20 đối tượng có độ tuổi từ 18-20, chiếm tỷ lệ 42,55%, cho thấy tội phạm về ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên.

Đáng lo ngại hơn, trong số 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý độ tuổi thanh niên từ 16-30 chiếm 48%, nếu tính đến 35 tuổi thì con số này là 76%. Thế hệ tương lai của đất nước đang bị ma túy hủy hoại từng ngày.

Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh cũng chủ yếu tập trung vào các đối tượng là thanh thiếu niên. Các loại ma túy tổng hợp ngày nay đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ sử dụng, độc tính cao.

Ma túy tổng hợp đã và đang len lỏi vào học đường, tấn công trực tiếp vào các đối tượng thanh thiếu niên bằng những cái tên mỹ miều như tem giấy, nước vui, trà sữa. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tập thể trong các quán bar, vũ trường cũng ngày càng phổ biến.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, nhiều người sẽ không cảm thấy bất ngờ khi biết tỷ lệ tái nghiện sau cai lên đến 90%. Công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu gây lãng phí, tốn kém nguồn lực của cả xã hội.

Những bất cập trong hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng như cai nghiện bắt buộc đang đưa hiệu quả của công tác cai nghiện rơi vào bế tắc.

Theo báo cáo, đối với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nếu như giai đoạn 2009-2016, cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.926 lượt người thì năm 2018 đã giảm mạnh còn 4.320 lượt người.

“Số lượng giảm nhanh là điều dễ hiểu bởi hình thức này dù phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng lại không khả thi trên thực tế vì phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người nghiện. Còn gia đình và cộng đồng thì thiếu cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn, hạn chế, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau cắt cơn và người cai nghiện không được hỗ trợ kinh phí” - đại biểu Triệu Thanh Dung nêu rõ.

Đối với cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, nếu như giai đoạn 2009-2016, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 43.000 lượt người thì giai đoạn 2017-2018, con số này giảm là 25.000 lượt người.

Nguyên nhân là do những quy định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vừa phức tạp, vừa chồng chéo. Vì vậy, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy hiện hành.

Sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém lãng phí trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay, đồng thời thí điểm điều trị nghiện ma túy có hiệu quả với từng loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp để áp dụng tại các cơ sở cai nghiện và các cơ sở y tế.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá, tội phạm có nguồn gốc từ ma túy có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bàng hoàng cho nhân dân, gây bất an trong xã hội.

Thời gian qua tình hình tội phạm về ma túy tăng cả về số vụ, số lượng bắt giữ. Nhiều đối tượng nghiện hút chưa được quản lý chặt chẽ, gây lo lắng cho nhân dân...  

Về độ tuổi bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo đại biểu, quy định trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện còn không thống nhất, gây khó khăn khi triển khai trên thực tế. 

"Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi quy định về biện pháp bắt buộc đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy với độ tuổi từ 12 tuổi trở lên để khắc phục tình trạng người nghiện trẻ hóa hiện nay" - đại biểu kiến nghị.

Tang vật một vụ án ma túy bị thu giữ. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Không để người dân tiếp tay, tham gia và thành nạn nhân của tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép

Về việc đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề cập vấn đề từ góc độ phòng chống tội phạm.

Theo đại biểu, công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động còn bất cập, người dân thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước; chi phí xuất khẩu lao động quá cao; việc đào tạo, cấp phép cho hoạt động xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập...

Trong khi đó nhu cầu xuất khẩu lao động ở nhiều địa phương là quá lớn, từ đó xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo, "đục nước béo cò."

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần rà soát kỹ về xuất khẩu lao động, nhất là công tác cấp phép, đào tạo; các cơ quan điều tra, hải quan tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cơ quan chức năng nước ngoài sớm phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vi phạm...

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân biết đưa người trái phép ra nước ngoài là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không đề người dân coi hành vi trên là thông lệ bình thường trong xã hội, tiếp tay, tham gia và thành nạn nhân của các loại tội phạm này.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm; đồng thời quan tâm khắc phục những bất cập trong xử lý những vi phạm về môi trường.../.

Theo XUÂN TÙNG (TTXVN/Vietnam+)