Loạn nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ

04/11/2018 - 15:25

Nước mắm Phú Quốc là thương hiệu duy nhất của Việt Nam được châu Âu bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và phải mất sáu năm mới có được kết quả trên. Tuy vậy, hiện nay loạn nước mắm Phú Quốc chỉ dẫn địa lý khiến người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế bối rối.

A A

Người làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đa số là hộ gia đình, DN vừa và nhỏ

Chưa chắc nước mắm ghi Phú Quốc là Phú Quốc

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết đối với nước mắm Phú Quốc đạt chỉ dẫn địa lý do châu Âu bảo hộ, ngoài điều kiện quy định về lượng cá cơm 85%, các nhà thùng ở Phú Quốc buộc phải tuân thủ thêm những yêu cầu như cá làm nước mắm phải là cá cơm đánh bắt ở vùng Kiên Giang, Cà Mau, vịnh Thái Lan.

Phải ướp muối ngay trên tàu sau khi đánh bắt, theo tỉ lệ 1 kg muối cho 3 kg cá. Muối phải được bảo ôn ít nhất là 60 ngày mới được dùng. Phải ủ chượp trong thùng gỗ, thời gian chượp 12-15 tháng…

Loại gỗ làm thùng phải được làm từ gỗ đặc trưng của Phú Quốc như bời lời, dên dên, mỗi thùng có 52 miếng gỗ và dùng nhựa cây gỗ dầu mít trét kín các đường nối… Tất cả yêu cầu nhằm “bảo tồn” hương, vị, màu của nước mắm Phú Quốc đã được truyền lại gần 200 năm nay.

“Do đó không phải 100% cá được ủ chượp trong thùng gỗ, đóng chai tại Phú Quốc là nước nắm chỉ dẫn địa lý” - bà Liên nói.

Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, nước mắm Phú Quốc để chứng minh đạt chỉ dẫn địa lý con cá cơm phải có nguồn gốc - được đánh bắt ờ vùng vịnh Thái Lan chứ không phải vùng nào cũng chấp nhận được. Vì con cá cơm ở vùng vịnh Thái Lan vào tháng 8-9-10 mập thịt mới ra nhiều protein. Quá trình sản xuất phải kiểm soát được chất lượng.

Cụ thể, cá phải ướp với muối, không được sử dụng phụ gia thực phẩm, phải ủ chượp 12-15 tháng mới ra được hương thực sự của nước mắm. Chứ hiện nay với phương tiện khoa học có thể dùng men thúc đẩy quá trình phân giải cá nhanh, chừng sáu tháng thậm chí 4-5 tháng thì có nước mắm nhưng lúc này mới có mùi ngai ngái.

Do đó nước mắm sản xuất tại Phú Quốc chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ là chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, ở Phú Quốc có vài chục nhà thùng được dán nhãn chỉ dẫn địa lý nhưng để dán được trên chai phải chịu sự kiểm soát từng thùng một. 

Không muốn mất đi nghề cha ông

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc DNTN khai thác và chế biến hải sản Thanh Quốc, hiện nay 80% nhà thùng sản xuất là người tại Phú Quốc có ba, bốn đời làm nước mắm. Nhưng hiện nay có sự lạm dụng chữ Phú Quốc để gây ngộ nhận cho người tiêu dùng (NTD).

“Người dân Phú Quốc tâm huyết đều muốn bảo vệ nước mắm Phú Quốc. Những quy định nào hội, Nhà nước cho phép mới dám làm. Dù chúng tôi sản xuất nước mắm tại Phú Quốc nhưng chưa chắc được ghi trên nhãn hai chữ Phú Quốc. Lý do là không làm đúng quy trình, không làm đúng tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bản thân doanh nghiệp (DN) tôi có hai dòng sản phẩm là chỉ dẫn địa lý thì sử dụng chữ Phú Quốc và nước mắm truyền thống. Tôi sợ NTD ngộ nhận nước mắm của mình có chỉ dẫn địa lý nên tôi ra thêm dòng nước mắm Quốc Đảo - bà Tịnh kể.

Việt Nam nhận bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc này không phải ở Việt Nam mà ở Bỉ. Sau đó Bộ CôngThương mới về nước trao cho Hội Nước mắm. Tầm quan trọng của một chai nước mắm chỉ dẫn địa lý là vậy.

“Phú Quốc là đảo du lịch, nếu không bảo vệ nghề, chúng tôi chuyển sang ngành khác sống thoải mái hơn. Nhưng không ai muốn mất đi những gì cha ông để lại, những gì được châu Âu bảo hộ” - bà Liên nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng quan trọng là DN cần liên kết với nhau. Truyền thông phải ủng hộ để NTD phân biệt được. NTD có quyền lớn để lựa chọn…

Theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, trong hội có 57 hội viên làm nước mắm truyền thống, hiện nay đã có sự mai một. Do việc đóng chai theo đúng thương hiệu mình thì chỉ có 15%-20% DN. Đa số bán nguyên liệu thô cho các đơn vị khác.

Bên cạnh đó, người làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đa số là hộ gia đình, DN vừa và nhỏ nên chưa quảng bá tốt để NTD biết được dù được châu Âu bảo hộ.

Nhận biết nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý

Ngày 8-10-2012, nước mắm Phú Quốc đã được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc Liên minh châu Âu. Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành các chính sách nhằm quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc để truyền thống, truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.

Theo quy định, logo nước mắm chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” có ba màu chủ đạo gồm đỏ đậm, xanh biển và vàng nhạt.

Nhãn của nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc gồm có logo chung “Phú Quốc”, cùng dòng chữ nước mắm Phú Quốc truyền thống 100 năm, tiếp đến là tên DN, kích thước không quá 2/3 chữ “Phú Quốc” và logo chỉ dẫn địa lý của EU.

Tính đến giữa năm 2018, Việt Nam đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố với hàng trăm mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn… 

Theo TÚ UYÊN (Pháp luật TP. HCM)