Lời của non sông đất nước

28/05/2019 - 07:45

 - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người (tháng 9-1969). Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc. Hiện nay, Di chúc của Người được xem là “quốc bảo”, bởi những giá trị cốt lõi, thiêng liêng mà Người gửi gắm trước lúc đi xa, là lời của non sông đất nước.

Giá trị cốt lõi của Di chúc

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đó còn là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Bên cạnh đó, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, khi nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng: giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên.

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề học tập Bác 2018-2019

Mặt khác, Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội, như: đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội… Đồng thời, Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Những bài học qua 50 năm thực hiện Di chúc

Bài học đầu tiên là về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng. Niềm tin sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” trong bản Di chúc của Bác đã truyền ngọn lửa niềm tin vào mỗi con người và tạo nên sức mạnh to lớn - sức mạnh của niềm tin, của ý chí cách mạng của toàn dân tộc Việt Nam tạo nên Đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử. Trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đối mặt với những yếu kém, bất cập của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, Đảng ta chứng tỏ bản lĩnh khoa học và cách mạng của mình bằng việc khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Trong Di chúc, Bác khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ, “tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.  Đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, “giữ gìn sự đoàn kết và nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết dân tộc.

Song song đó là những bài học quý báu khác: bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc

Tại An Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tuyến thông tin chuyên đề “Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người”; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 50 năm thực hiện Di chúc gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác; tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí chủ đề học tập Bác 2018-2019 và giao lưu với các gương điển hình trong học tập và làm theo Bác trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang.

Song song đó, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, cổ động trực quan, triển lãm hoặc trưng bày chuyên đề tại các trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện... tập trung giới thiệu hình ảnh, kỷ vật thiêng liêng về Bác Hồ; thành tựu, kết quả qua 50 năm thực hiện Di chúc và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên được tham gia các buổi tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề, hội thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH