Lợi thế thu hút đầu tư vào nông nghiệp

21/12/2018 - 07:14

 - “An Giang là vựa lúa, vựa cá da trơn của ĐBSCL, là “căn cứ địa” an ninh lương thực, thực phẩm của cả nước. An Giang phát triển thì các tỉnh nông nghiệp khác có cơ hội phát triển” - TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh.

An Giang có nhiều ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp

Vai trò “bệ đỡ” nông nghiệp

Là tỉnh có thế mạnh và đi lên từ nông nghiệp, lĩnh vực này được xem là nền tảng thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển. Trong tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, diện tích đất nông nghiệp chiếm 84% (trong đó 85% là đất trồng lúa). Trong dân số gần 2,16 triệu người, dân số nông thôn chiếm khoảng 70%.

Nghiên cứu của TS Đặng Kim Sơn cho thấy, với năng suất lúa bình quân 15,62 tấn/ha/năm, sản lượng hơn 3,9 triệu tấn lúa năm 2018 mà An Giang sản xuất được có lượng tinh bột đủ cung cấp cho khoảng 23,8 triệu người/năm. Đối với thế mạnh tiếp theo là cá tra, dù diện tích nhỏ hơn (diện tích thu hoạch năm 2018 khoảng 1.138ha) nhưng nhờ năng suất lớn (191 tấn/ha/năm) nên sản lượng đạt được cao (đạt 346.000 tấn năm 2018). Với giá thành sản xuất khoảng 21.000 - 23.000 đồng/kg (nghiên cứu tháng 7-2018), giá bán duy trì hơn 30.000 đồng/kg, người nuôi có lãi lớn. “Chỉ riêng sản lượng cá tra thu hoạch ở An Giang, lượng protein đủ cung cấp nhu cầu cho 112 triệu người/năm, lượng chất béo đủ cung cấp cho nhu cầu 16 triệu người/năm. Đây là loại cá có nhiều giá trị dinh dưỡng quý, nhu cầu thế giới rất cần” - TS Sơn phân tích.

Dù có lợi thế là vựa lúa, vựa cá tra, là “căn cứ địa” an ninh lương thực, thực phẩm của quốc gia và khu vực tiểu vùng Mekong nhưng nhìn chung, tăng trưởng nông nghiệp của An Giang chưa tương xứng tiềm năng. Nông dân qua các thế hệ dù có nhiều đóng góp cho tỉnh, cho đất nước nhưng thu nhập bình quân ở nông thôn hiện nay chỉ khoảng 2,9 triệu đồng/tháng, khoảng cách khu vực nông thôn và thành thị còn lớn.

Ưu đãi đặc thù

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang đối mặt với những bất lợi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, An Giang vẫn là vùng đất khá an toàn cho nông nghiệp. Là một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang hưởng lợi từ nguồn nước ngọt quanh năm của hệ thống sông Tiền, sông Hậu. Tỉnh An Giang ít chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng, nước mặn xâm nhập.

Để vực dậy thế mạnh của tỉnh, cùng với chính sách chung của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp. TS Sơn cho rằng, đây là sự chủ động cần thiết để thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Nghị quyết đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như: miễn, giảm tiền thuê đất đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động (70% đào tạo 6 tháng, 3 triệu đồng/tháng/lao động bảo vệ rừng đặc dụng), 50% kinh phí quảng cáo, tiếp cận thị trường. Đối với nghiên cứu khoa học - công nghệ, được hỗ trợ tối đa đến 3 tỷ đồng/dự án. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có thể hỗ trợ đến 2 tỷ đồng cho đầu tư lò giết mổ hiện đại, 5 tỷ đồng cho dự án nuôi bò sữa, 3 tỷ đồng cho các dự án chăn nuôi gia súc khác. Để khuyến khích đầu tư con giống chất lượng, tỉnh hỗ trợ đến 40% chi phí nhập giống gốc, 15 triệu đồng/con giống nhập. Khi đầu tư cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản (trừ xay xát gạo), doanh nghiệp được hỗ trợ đến 60% chi phí cơ sở hạ tầng trong hàng rào, 70% chi phí ngoài hàng rào (tối đa 5 tỷ đồng)…

Nhằm giải quyết bài toán về vốn, An Giang đã xây dựng quỹ tài chính cho vay không thế chấp với đối tượng trực tiếp sản xuất - kinh doanh 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp, gồm: 100 triệu đồng cho hộ có liên kết hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp; 200 triệu đồng cho hộ trồng cây ăn quả; 300 triệu đồng cho tổ hợp tác; 500 triệu đồng cho hộ thủy sản có hợp đồng bao tiêu; 2 tỷ đồng cho HTX thủy sản; 1 tỷ đồng cho HTX khác; 3 tỷ đồng cho liên hiệp HTX thủy sản; 2 tỷ đồng cho liên hiệp HTX khác. Quỹ tài chính còn cho vay không thế chấp 70% giá trị dự án liên kết cho HTX, liên hiệp HTX liên kết tiêu thụ, cung cấp cho đơn vị sản xuất, cho vay 80% giá trị dự án liên kết khi làm đầu mối ký hợp đồng dự án. Quỹ còn bảo lãnh tín dụng khi vay tại tổ chức tín dụng khác. “Để khuyến khích thêm nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nỗ lực đổi mới chính sách, đổi mới thủ tục và cải cách hành chính, đổi mới chiến lược kinh tế và mô hình tăng trưởng, tăng cường liên kết vùng, xây dựng chuỗi giá trị cũng như huy động tốt nội lực, nhất là con người” - TS Sơn lưu ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN