Long Xuyên – điểm tựa để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản An Giang”

02/09/2019 - 07:41

 - “An Giang có địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, từng là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam; địa bàn chiến lược ở vùng biên cương Tây Nam dưới triều Nguyễn; xuất hiện nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử nổi tiếng. Vì vậy, địa bàn tỉnh trở thành một “vùng di sản” hàng đầu ở ĐBSCL. Toàn tỉnh có 1.198 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tính trung bình, mật độ di tích của tỉnh là 0,76 di tích/100km2. Đây là mật độ cao nhất trong vùng ĐBSCL. Có thể thấy rằng, trên địa bàn tỉnh nổi lên 3 trung tâm di sản hàng đầu là Thoại Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc. Ba trung tâm này rất thuận lợi để kết nối thành tuyến du lịch (DL) hấp dẫn, gọi là “Con đường di sản An Giang”- PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định.

Long Xuyên – điểm tựa để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản An Giang”

Thoại Sơn là địa bàn tập trung di sản văn hóa Óc Eo

Những giá trị riêng...

Thoại Sơn là địa bàn tập trung di sản văn hóa Óc Eo, với số lượng lớn di tích, đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình. Các di tích là nguồn tư liệu lịch sử quý báu, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển văn hóa văn minh khu vực, lịch sử giao lưu giữa các nền văn minh lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Thoại Sơn còn có các di sản văn hóa gắn liền với công cuộc khẩn hoang, lập ấp của người Việt ở miền Tây Nam Bộ dưới triều Nguyễn, tập trung tại Núi Sập. Đây là nơi ghi dấu công trình đào kênh Đông Xuyên, mở đầu cho nền văn minh kênh rạch ĐBSCL.

Châu Đốc tập trung nhiều di sản văn hóa có giá trị, đặc biệt là 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An và chùa Hang (Phước Điền tự). Di tích Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam không chỉ thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, mà còn là dấu tích của nền văn hóa Óc Eo. Lăng Thoại Ngọc Hầu là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Chùa Tây An có kiến trúc độc đáo, kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo với kiến trúc cổ của dân tộc Việt. Chùa Hang là sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và nhân tạo, hình thành nên một danh lam thắng cảnh hấp dẫn đối với khách thập phương đến hành hương, chiêm bái.

Trải qua chiều dài lịch sử 230 năm, Long Xuyên cũng lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị (9 di tích được xếp hạng). Dưới thời Pháp thuộc, Long Xuyên trở thành đô thị trung tâm với nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp có giá trị, mà đến nay có thể trở thành điểm tham quan DL hấp dẫn. Đồng thời, Long Xuyên có Bảo tàng tỉnh, lưu giữ nhiều hiện vật của nền văn hóa Óc Eo cùng nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh bức tranh tổng thể về lịch sử, văn hóa, quá trình phát triển của tỉnh.

Long Xuyên – điểm tựa để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản An Giang”

Một góc Phước Điền tự. Ảnh: G.K

... Hòa quyện thành giá trị chung

Theo phân tích của PGS.TS Đào Ngọc Cảnh, tuyến DL “Con đường di sản An Giang” dựa trên những giá trị lịch sử - văn hóa tại 3 địa bàn tiêu biểu. Mỗi địa bàn có những giá trị riêng, nhưng lại có thể bổ sung cho nhau, phối hợp lẫn nhau để tạo nên một tổng thể chung của “Con đường di sản”, mang giá trị nổi bật đối với ĐBSCL và cả nước. Trong tuyến DL này, TP. Long Xuyên đóng vai trò là điểm trung chuyển, là trung tâm kết nối 2 đầu tuyến (Thoại Sơn, Châu Đốc). Ngoài tuyến đường bộ, có thể từ Long Xuyên đi Thoại Sơn bằng đường thủy theo kênh Thoại Hà; từ Long Xuyên đi Châu Đốc theo tuyến sông Hậu. Đồng thời, là đô thị trung tâm của tỉnh, Long Xuyên có thể đóng vai trò điểm dừng trong hành trình khám phá “Con đường di sản An Giang”. Khách DL từ xa đến sẽ dừng chân ở Long Xuyên trước hoặc sau khi đến với các di sản văn hóa ở Thoại Sơn, sau đó tiếp tục hành trình đến Châu Đốc và ngược lại. 

“Hiến kế” cho tỉnh An Giang, nhân dịp Hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ Thủ Đông Xuyên đến TP. Long Xuyên”, PGS.TS Đào Ngọc Cảnh đưa ra 6 giải pháp phát triển tuyến DL “Con đường di sản An Giang”. Thứ nhất, quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình phục vụ DL (bố trí trung tâm thông tin DL, quầy bán vé, bãi đậu xe, khu vệ sinh công cộng, khu dịch vụ ăn uống, khu mua sắm đặc sản và quà lưu niệm…). Thứ hai, bảo tồn, trùng tu một cách bài bản, khoa học, nhằm phát huy giá trị di sản; điều tra, khảo sát, lập hồ sơ, đánh giá phân hạng các công trình kiến trúc cổ để có phương án bảo tồn, khai thác DL. Thứ ba, phát triển sản phẩm DL gắn với xây dựng thương hiệu DL (trải nghiệm văn hóa bản địa, nhu cầu lưu trú, ăn uống, mua sắm đặc sản, thưởng thức văn hóa - nghệ thuật cổ truyền…). Ngoài ra, cần tăng cường thông tin, quảng bá, tiếp thị DL; phát triển đội ngũ hướng dẫn viên DL; tăng cường liên kết không gian trong phát triển DL. Tỉnh cần có sự quan tâm đầu tư khai thác “Con đường di sản An Giang”, nhất là phát huy vai trò của TP. Long Xuyên trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình DL gắn với con đường di sản này để tạo chuỗi sản phẩm DL, tạo thành thương hiệu DL của An Giang, góp phần đưa tỉnh trở thành trọng điểm về DL của vùng ĐBSCL và của cả nước.

Long Xuyên – điểm tựa để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản An Giang”

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: T.HIẾU

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích