'Lửa lòng' người chiến sĩ cách mạng

17/05/2018 - 16:05

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) nổi tiếng là 'địa ngục trần gian'. Nhưng ít ai biết, giữa điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, lại thường xuyên bị khủng bố, tra tấn hết sức dã man, tàn bạo, những chiến sĩ tại khu giam D5 của nhà tù này vẫn xuất bản được tập thơ mang tên 'Lửa lòng'.

A A

Tập thơ ra đời đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh cho các chiến sĩ cách mạng giữa chốn ngục tù.

Nhớ lại quá trình ra đời tập thơ "Lửa lòng", ông Nguyễn Mạnh Duật ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) hồi tưởng: "Cuối những năm 70, nhận chỉ thị của Đảng ủy khu giam D5, tôi cùng 4 đồng chí khác được giao nhiệm vụ sáng tác và biên tập cho tập thơ. Điều kiện trong tù hết sức khó khăn, để có giấy viết, chúng tôi phải bí mật nhặt các vỏ hộp carton cũ về để ẩm rồi bóc từng lớp thành những tờ giấy mỏng. Giấy được phơi khô rồi dùng tấm gỗ cán phẳng. Mực viết thì chúng tôi lấy từ những con cá mực đông lạnh bị hỏng mà địch bỏ đi. Những túi mực ấy đem hòa với nước tạo nên thứ nước đen sánh có thể viết được".

Ông Nguyễn Trọng Khiêm.

Từ khi phát động, nhiều bài thơ được sáng tác và gửi đến ban biên tập một cách bí mật. Sau khi được Đảng ủy khu giam D5 duyệt sẽ chọn người chữ đẹp để chép lại rồi đóng quyển, trang trí bìa cẩn thận. Các tác phẩm đã khắc họa chân thực cuộc sống tù đày, ý chí kiên gan của người chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trước những đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Tập thơ được chuyền tay từ phòng giam này đến phòng giam khác, nhiều bài thơ được chiến sĩ thuộc từng câu chữ, như: "Đẹp vô cùng anh giải phóng quân", "Anh Xô, người tù binh cộng sản Việt Nam", "Tặng vong linh những liệt sĩ Phú Quốc"…

Ông Nguyễn Trọng Khiêm (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thành viên của ban biên tập, là người được chọn 6 trong tổng số gần 40 bài thơ của tập "Lửa lòng" không giấu nổi những giọt nước mắt khi nhớ lại tác phẩm viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Do các khu giam biệt lập nên phải một tháng sau ngày ông Xô hy sinh, ông Khiêm mới được nghe kể lại tấm gương anh dũng của người tù đồng hương với mình. Ông Khiêm nhớ lại: "Sau trận đánh "thập tử nhất sinh" của bọn cai tù, trong cơn mê man, tôi được người bạn tù kể lại những giây phút cuối đời của anh Nguyễn Đình Xô. Ngày bị bọn giám thị gọi lên phòng điều hành, dường như linh cảm được điều không may đến với mình, anh Xô dặn dò anh em trong trại và trao lại tấm áo còn lành lặn của mình. Quân giặc đánh đập anh Xô vô cùng tàn nhẫn. Chúng dùng còng khóa chân tay anh vào chân ghế, lấy những chiếc đinh đóng vào đầu ngón tay. Cứ mỗi lần đóng đinh vào một ngón tay, chúng lại hỏi: "Có phải mày là lãnh đạo trong tù không?". Nguyễn Đình Xô cắn răng chịu đựng và chỉ trả lời một từ “không”. Sau đó, chúng bỏ anh vào chiếc bao buộc túm lại, múc từng gáo nước sôi giội lên cơ thể anh. Mỗi gáo nước giội chúng lại hỏi, tra khảo, anh vẫn một mực không khai, không kêu ca. Khi chúng giội đến xoong nước thứ ba lên đầu anh thì Nguyễn Đình Xô trút hơi thở cuối cùng".

Ngay đêm nghe bạn tù kể về tấm gương quên mình của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, dù khắp mình còn đau nhức vì trận đòn roi, ông Khiêm vẫn cố gắng tựa lưng vào vách tôn lấy mẩu chì đập ra từ quả pin hỏng, viết từng chữ lên đáy chiếc cà mèn xoa trắng kem đánh răng. Viết đến đoạn nào ông Khiêm nhớ ngay đoạn ấy, rồi lại xóa đi viết tiếp. Những câu thơ nối dài trong trí nhớ của người chiến sĩ cách mạng: … Anh nằm đất đảo đưa nôi/ Câu ca quan họ ngọt bùi ru anh/ Linh hồn hai bốn tuổi xanh/ Xin chào vĩnh biệt người anh trọn đời.

Chia sẻ với chúng tôi với tất cả tình cảm về tập thơ "Lửa lòng", ông Nguyễn Trọng Khiêm tỏ ra tiếc nuối vì không thể mang theo tập thơ trong ngày trao trả tù binh diễn ra. Dù vậy, vào mỗi dịp gặp mặt, ông và đồng đội vẫn ngâm nga từng vần thơ để hồi tưởng lại một thời "lửa lòng" cách mạng tỏa sáng giữa tăm tối ngục tù.

Theo Quân đội nhân dân