Lục bình... ra phố

03/07/2018 - 07:35

 - Lục bình (bèo tây), loại cây tưởng chừng như bỏ đi hoặc chỉ làm thức ăn cho động vật nhưng qua bàn tay khéo léo của con người, lục bình như được “thổi hồn” và “biến” thành những sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt, mang lại giá trị kinh tế cao.

Không giống những loại cây khác, người trồng phải nhọc công chăm sóc từng ngày, lục bình có rất nhiều ở các kênh, rạch, ao, hồ với sức sinh sôi, phát triển rất tốt. Mấy ai nghĩ rằng, loại cây chỉ biết xuôi mình theo dòng nước, lại trở thành niềm đam mê, yêu thích của nhiều người. Và đã có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ lục bình.

Bạn Huỳnh Thị Diễm (sinh năm 1990, ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn) là một điển hình với quyết tâm đưa cây lục bình ra… phố. “Lục bình dây chuối từ quê ra phố” chính là tên dự án mà Diễm tham dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”.

Dù chỉ dừng lại ở những sản phẩm dẫn đầu, được vào vòng chung khảo nhưng không ngăn được niềm đam mê mang lục bình ra phố, đang nhen nhóm từng ngày trong cô gái trẻ. Hiện, Diễm là chủ của Công ty TNHH MTV Thủ công mỹ nghệ Vĩnh An do mình sáng lập và được nguồn vốn vay 200 triệu đồng từ nguồn quỹ của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (Tỉnh đoàn).

Chia sẻ về ý tưởng tạo ra sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình, Diễm cho biết, với đặc thù công việc chuyên môn phải đi nhiều nơi, Diễm được tiếp xúc với nhiều người. Lâu dần, Diễm nghĩ rằng nhiều bà con, nhất là chị, em phụ nữ rất cần có một công việc tại nhà để kiếm thêm thu nhập, lo cho gia đình. thấy phía cuối kênh Cùng (xã Lê Trì, Tri Tôn) có nhiều lục bình tích tụ, người dân thường phun thuốc để diệt, ảnh hưởng đến môi trường nước nên Diễm nảy ra ý định tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn để làm sản phẩm mỹ nghệ, vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

“Ý tưởng là vậy nhưng để đan lục bình, tôi phải xuống tận Vĩnh Long học nghề. Sau khi lành nghề, có kiến thức kha khá về lục bình, tôi trở về và hướng dẫn lại cho bà con. Nhờ địa phương hỗ trợ, tôi phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tri Tôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mở lớp dạy nghề đan lát lục bình. Sau khi bà con ra nghề, nhận dây lục bình về đan thành sản phẩm thì tôi thu gom và trả tiền công. Nghề đan lục bình mỹ nghệ xuất hiện ở Tri Tôn vào năm 2017” - Diễm cho biết thêm.

Vậy là, từ ngày có nghề đan lục bình, bà con không còn phun thuốc diệt loại cây này như xưa. Những người đàn ông có sức khỏe đảm nhận việc vớt, phơi cọng lục bình. Phụ nữ nhờ đôi tay mềm mại, khéo léo đan những sợi dây ấy thành những sản phẩm tinh xảo, khiến nhiều người thích thú. Lục bình có 3 kiểu đan cơ bản: xương cá, hạt gạo, đan rối, mỗi kiểu đan thích hợp với từng sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn, kiểu xương cá dùng để đan thảm (thay khay đựng thức ăn), đan kệ để sách, báo là kiểu hạt gạo.

Cây lục bình tươi cao tầm 40cm trở lên là có thể thu hoạch được. Lục bình sau khi hái phải cắt bỏ rễ và lá, phơi nắng từ 3-5 ngày. Mưa nhiều thì công đoạn phơi có thể kéo dài. Hiện công ty của Diễm thu hút được khoảng 15 lao động nhàn rỗi, có độ tuổi từ 20-50. Nhiều người lúc đầu còn “lọng cọng” không biết đan thế nào cho sản phẩm đẹp, lâu dần trở nên  thuần thục, khá điêu luyện với nghề đan lục bình mỹ nghệ.

“Tôi học nghề đan lục bình và nhận sản phẩm của cô Diễm về đan tại nhà gần được 1 năm. Lúc đầu chưa rành nên mất nhiều thời gian để làm ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Công việc khá thuận lợi cho tôi, vì không phải “chạy đua” về thời gian. Lúc nào rãnh tay thì đan, bận thì chăm con cháu, nấu cơm. Mỗi thành phẩm được trả công 8.000 đồng, giúp tôi trang trải một phần chi phí cho cuộc sống” - bà Phạm Thị Chuyền (56 tuổi, ngụ xã Lương Phi) bộc bạch.

Được người quen giới thiệu, chị Hồ Thị Nàng (48 tuổi, ngụ Phú Tân) có được nghề đan lục bình, có thêm tiền chợ hàng ngày. “Công việc này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Hiện chúng tôi chỉ nhận đan thảm đựng thức ăn, lúc khỏe thì đan, bận thì thôi nên không áp lực lắm. Ai siêng năng, chịu khó, làm được sản phẩm nhiều thì có thêm nguồn thu nhập kha khá” - chị Nàng bày tỏ.

Theo bạn Huỳnh Thị Diễm, đầu ra của sản phẩm mỹ nghệ lục bình khá ổn định vì được công ty ở Vĩnh Long thu mua. Khi chúng tôi hỏi về hiệu quả, Diễm chỉ khiêm tốn bảo rằng chỉ mới là bước đầu khởi nghiệp, còn quá sớm để nói là thành công, có thể tạo được việc làm cho chị em nông thôn là vui rồi.

PHƯƠNG LAN