Lực lượng trí vận: 'Cánh quân thứ 6' của Chiến thắng 30-4

29/04/2018 - 10:53

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, đội ngũ nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đã tham gia đấu tranh quyết liệt, hiệu quả trên mặt trận chính trị, đóng góp cho cách mạng bằng hàng loạt phong trào bí mật, bán công khai, công khai...

Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng trí vận và những “căn cứ lõm” trong lòng dân.

Đòn tiến công chính trị bất ngờ

Tháng 12-1947, lực lượng Trí vận Sài Gòn - Gia Định chính thức thành lập với quy mô một chi bộ, đến năm 1956 thì trở thành Ban Trí vận với rất nhiều chi bộ như: giáo chức, bác sỹ, luật sư..., quy tụ trí thức tham gia tích cực vào phong trào đô thị, phong trào bảo vệ hòa bình, phong trào dân tộc tự quyết, hình thành những căn cứ địa cách mạng ngay trong lòng đô thị, ở các gia đình trí thức, các trường học...

Không thể kể hết những tên tuổi lớn của lực lượng Trí vận Sài Gòn - Gia Định như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiến, Trần Bạch Đằng... Đội ngũ các nhân sĩ trí thức là những ngọn cờ hiệu triệu các tầng lớp nhân dân sống trong vùng địch tạm kiểm soát, những cuộc đời đầy nhiệt tình, yêu nước thương dân, tham gia đấu tranh quyết liệt, hiệu quả trên mặt trận chính trị, đóng góp cho cách mạng bằng hàng loạt phong trào bí mật, bán công khai, công khai để đi đến thắng lợi chung.

Những ngày tháng đấu tranh hào hùng, sôi sục để bảo vệ hòa bình, trong cuộc nổi dậy “Đồng Khởi” ở nông thôn miền Nam và sự ra đời của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đều đã góp sức vận động, tổ chức phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp trí thức, công chức cao cấp, giáo chức, chức sắc tu sĩ, các tôn giáo và các nhà tư sản yêu nước, gắn với các phong trào đấu tranh Thành Đoàn, Công vận, Hoa vận, Binh vận, hình thành nên phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp ở đô thị Sài Gòn – Gia Định. Tiêu biểu có thể kể đến các phong trào đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tổ chức nhiều cuộc xuống đường như “Ngày ký giả ăn mày”, “Ngày nhà báo thọ nạn”, phong trào “Đòi quyền sống” của các giới…

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Trí vận đã phân công cán bộ lãnh đạo vận động nhiều Đảng viên trí thức trực tiếp bám trụ, hoạt động bí mật trong nội đô để vận động thành Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ hòa bình Việt Nam, quy tụ những nhân sĩ trí thức tên tuổi, từng sống và làm việc giữa trung tâm đầu não địch. Đây là đòn tiến công chính trị bất ngờ, mạnh mẽ đối với chế độ Sài Gòn.

Năm 1973, khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, ngay tại Sài Gòn, tổ chức công khai Lực lượng Quốc gia tiến bộ với mục tiêu đòi lại hòa bình, hòa hợp dân tộc do các nhân sĩ trí thức uy tín thành lập đã tiếp thêm tinh thần cho phong trào đấu tranh của các giới, phong trào đấu tranh sôi nổi ở đô thị miền Nam, đặc biệt là giữa trung tâm đầu não của địch. Ban Trí vận đã tổ chức, tác động thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của giới trí thức, góp phần làm suy yếu hàng ngũ địch từ bên trên và bên trong nội bộ của chúng, góp phần đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giành thắng lợi.

Những “căn cứ lõm”

Sài Gòn là điểm quyết chiến chiến lược, là trung tâm đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận có ý nghĩa chiến lược trên toàn miền Nam. Ngay giữa lòng Sài Gòn, trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, đã có một loại hình căn cứ đặc biệt được gọi là “căn cứ lõm”. Đó là căn cứ cắm sâu trong lòng địch, là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến.

“Căn cứ lõm” (“lõm an ninh”, “lõm chính trị”) là nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu, nơi mà tấm lòng và sự chở che của nhân dân đã biến các căn nhà, xóm, ấp trở thành chỗ đứng chân, đồng thời cũng là trận địa chiến đấu của các lực lượng kháng chiến. Các “căn cứ lõm” là minh chứng cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng, và đó cũng chính là những “căn cứ lòng dân”.

Sau cao trào Đồng Khởi, tình hình cách mạng miền Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trước tình hình đó, nhằm phục vụ nhiệm vụ cách mạng, ngày 19-3-1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập Ban Bảo vệ an ninh khu Sài Gòn - Gia Định (Ban An ninh T4), để tăng cường cho lực lượng vũ trang.

Tháng 7-1962, Bộ Công an chi viện đợt đầu gồm 160 cán bộ cho an ninh miền Nam; trong đó, 5 đồng chí được phân công về Ban Bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định là Nguyễn Minh Đạm, Trương Công Quỳnh, Tám Phong, Bảy Thông, Lê Nguyên Cam.

Những năm sau đó, trước âm mưu mở rộng chiến tranh của địch, Khu ủy chỉ đạo an ninh T4 xây dựng một căn cứ lâu dài, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não lãnh đạo. Ban an ninh đã tiến hành xây dựng căn cứ Khu ủy đóng từ Củ Chi mở rộng đến Bời Lời (Tây Ninh), Thanh Tuyền, Thanh An (Bến Cát, Bình Dương). Song song với nhiệm vụ xây dựng căn cứ, trong nội thành Sài Gòn, hoạt động vũ trang vẫn tiếp tục phát triển, hình thành mũi tấn công hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, nhằm đánh vào đầu sỏ và các cơ quan cấp cao của Mỹ - ngụy. Lực lượng an ninh ở miền Nam vừa chiến đấu chống địch, tiến hành bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa xây dựng, phát triển lực lượng điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, biệt động nội thành... ngay trong lòng địch.

Với nhiều phương thức, biện pháp, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng vùng “lõm chính trị” khắp các quận nội thành; trong đó, tập trung nhất ở các quận 4, 8, Gò Vấp, và các khu vực chợ Bà Chiểu, Bàn Cờ, Bảy Hiền (Tân Bình), Hàng Xanh, Cầu Bông (Gia Định), Xóm Chùa, Tân Định (quận 1)... “Lõm chính trị” là khu vực xung yếu, tạo được sự liên kết trong và ngoài. Ở đó, ta làm chủ, có cán bộ, Đảng viên, cơ sở và quần chúng cách mạng, có lực lượng an ninh làm nòng cốt, quần chúng cảm tình cách mạng và kháng chiến, che giấu, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng, khiến địch bất lực hoặc khó kiểm soát.

Không có vùng giải phóng che chở, không có phòng tuyến quân sự bảo vệ, nhưng hệ thống các “căn cứ lõm” Sài Gòn - Gia Định đã hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào sức mạnh của muôn triệu tấm lòng nhân dân luôn hướng về cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ; luôn yêu thương và chở che cán bộ, chiến sĩ; tạo thành thế trận lòng dân, nhân lên sức mạnh toàn dân đánh giặc. Các “căn cứ lõm” là nơi đấu tranh giằng co quyết liệt giữa ta và địch; là địa bàn mà địch thường tập trung tình báo, gián điệp, mật vụ, an ninh, cảnh sát dò la tin tức, vây ráp khủng bố, đánh phá...

Nhận thức đúng vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định đã quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở quần chúng trong công nhân, nhân dân lao động, học sinh, sinh viên và cả đồng bào người Hoa, Phật giáo, Công giáo...

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện hết sức khó khăn vì bị địch lùng sục, bố ráp, bắt bớ, các “căn cứ lõm” vẫn được quần chúng chở che, tạo mọi điều kiện hoạt động, góp phần không nhỏ tạo nên đại thắng mùa Xuân 1975.

Ông Kiều Xuân Long, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cho biết: “Ai cũng đã biết năm cánh quân tiến vào Sài Gòn, nhưng tôi muốn nhắc đến một cánh quân thứ sáu, mà thật ra là cánh quân đầu tiên, đó là lực lượng đấu tranh chính trị của Thành ủy, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đã hoạt động bao nhiêu năm ngay trong nội đô Sài Gòn, vận động bà con làm thành những “căn cứ lõm” dọn đường cho đại quân”.

Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy “căn cứ lõm”- “căn cứ lòng dân” xuất phát từ lòng yêu nước, từ tinh thần đoàn kết của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, nguyện bước theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trở thành bức thành đồng vững chắc không đội quân xâm lăng nào công phá được. Tiếp nối giá trị và phát huy vai trò của “căn cứ lõm” năm xưa, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy cao độ xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhân lên sức mạnh từ sự đồng lòng, toàn dân một ý chí, gắn bó máu thịt với nhân dân, hướng về nhân dân để “xây trụ sở trong lòng nhân dân”.

Theo ĐỨC HẠNH (Infonet)