Lưu luyến ngày chia tay

25/05/2018 - 06:54

 - Tháng 5 về, hàng phượng đỏ thắm khắp sân trường nhưng dường như ai đó không còn cái cảm giác nhặt từng cánh phượng rơi đem về ép hình bướm vào trong quyển tập, mà nghe nỗi buồn man mác, khóe mắt cay cay với bao cảm xúc ngổn ngang. Yêu lắm cái tuổi học trò và không nỡ rời xa bạn bè, thầy cô, mái trường nhưng ai cũng phải trưởng thành, phải bước đi vì thời gian có bao giờ đứng lại.

Tất bật với việc ôn tập thi cử, chọn trường, chọn ngành, nhưng các em học sinh lớp 12 vẫn không quên dành tặng cho nhau những khoảng thời gian quý báu để sẻ chia cảm xúc, những món quà nhỏ để kỷ niệm tháng năm học trò. Đó là tranh thủ thực hiện những bộ ảnh kỷ yếu lưu giữ tháng năm học trò đầy tinh nghịch, vô tư, trong sáng với nhiều phong cách như: trang phục áo dài theo kiểu “cô Ba Sài Gòn”, bối cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời”, mặc trang phục áo bà ba chơi trò chơi dân gian tại khu du lịch sinh thái…

Dù công nghệ có phát triển đến đâu, Fanpage hay Group chat có đa dạng thế nào thì các em vẫn không quên chuyền tay nhau quyển lưu bút để ghi dấu lại và nhắc nhau bao kỷ niệm vui, buồn dưới mái trường. Ngày chia tay, nước mắt, nụ cười hồn nhiên đong đầy kỷ niệm những tháng năm đáng nhớ, đáng yêu. Có những nỗi buồn được giấu trong đáy mắt, vương vấn những yêu thương ấp ủ chẳng dám thành lời.

Những tà áo trắng ngập đầy chữ ký bạn bè và cả những nhành hoa dành tặng nhau, những ngọn nến lung linh trong buổi lễ tri ân và trưởng thành sẽ là kỷ niệm và nhớ mãi lời chúc cùng nhau vào môi trường mới, chúc nhau thực hiện được những ước mơ gần nhất của những "sĩ tử" trước những kỳ thi quan trọng.

Lưu luyến ngày chia tay

Góc ảnh vui tươi, trẻ trung của các bạn sinh viên

Không còn hồn nhiên, vô tư như những cô cậu học trò cuối cấp, sinh viên năm cuối tuy bâng khuâng ngày rời ghế giảng đường nhưng trong lòng lại là bao lo toan về tương lai phía trước.

Bạn Lê Thị Thiệt, sinh viên năm cuối ngành Sư phạm mầm non (Trường Đại học An Giang) bộc bạch: “Những ngày cuối cùng trên ghế nhà trường mang một màu sắc khác biệt, tôi chợt nhận ra không bao lâu nữa sẽ phải rời xa ngôi trường với bao kỷ niệm với thầy, cô và bạn bè. Trong tôi giờ là bao cảm xúc ngổn ngang, đan xen giữa cảm giác vui, buồn. Vui là khi sắp khoác lên mình chiếc áo cử nhân, được bước lên bục nhận tấm bằng tốt nghiệp mà 16 năm nay đã ao ước. Còn buồn là vì phải chia tay thầy, cô, bạn bè và cả sự lo lắng về tương lai, về môi trường làm việc trong những tháng ngày sắp tới”.

Sẽ nhớ mãi những ngày lên lớp, được trao đổi với bạn bè và thầy, cô về những chuyên đề hay ngay cả những tình cảm thầm kín, được các thầy, cô xem như anh, chị em, bạn bè, sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc và sự tỉ mẫn trong cách đối nhân xử thế.

Bạn Dương Trần Cẩm Thúy, sinh viên cùng lớp thổ lộ: “những ngày học tập theo nhóm xemina thật khó khăn vì không có sự hòa hợp, đôi lúc là sự căng thẳng khi cả nhóm không cùng quan điểm nhưng nhờ vậy bạn bè có dịp hiểu, thông cảm nhau hơn để cùng nhau giải quyết vấn đề. Những ngày cùng nhau học tập sẽ mãi là kỷ niệm và là kinh nghiệm sống để em bước vào môi trường làm việc thật sự”.

Lưu luyến ngày chia tay

Lưu bút sẽ mãi là kỷ niệm đáng quý về thời sinh viên

Đã bao lần chia tay những lứa sinh viên đáng yêu nhưng cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy, giảng viên Trường Đại học An Giang vẫn vẹn nguyên cảm xúc những ngày cuối tháng 5. Cô Thủy chia sẻ: “Vẫn những góc sân trường ấy, những góc ảnh quen thuộc khi nhận lời cùng các lớp chụp ảnh lưu niệm nhưng trong tôi cũng bâng khuâng ngày chia tay giống các em. Dẫu biết rằng sẽ còn gặp lại các em trong một môi trường mới, với vai trò mới nhưng trong tôi vẫn đau đáu những nỗi niềm. Đó là sự kỳ vọng lớn đối với những em học sinh nổi trội, sự mong mỏi những em học sinh trung bình, khá vẫn có cơ hội việc làm và tiếp tục phấn đấu hay những em dù công việc gì không đúng ngành, nghề vẫn phải giữ cái tâm trong sáng, trọn vẹn với nghề, luôn biết phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng. Việc nỗ lực để có một vị trí trong môi trường lao động đó chính là cách các em tri ân thiết thực nhất đối với cha mẹ, thầy cô, những người âm thầm dõi bước theo đường đời các em”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG