Lưu ý xuống giống vụ thu đông 2018

02/08/2018 - 06:55

 - Cùng với đảm bảo lịch thời vụ tập trung, né rầy, các địa phương cần tính toán cơ cấu giống phù hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại, tăng năng suất và chất lượng lúa. Điều quan trọng là chỉ xuống giống vụ thu đông ở những vùng đê bao đảm bảo ăn chắc và chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường.

Nên áp dụng giải pháp gieo mạ, cấy lúa nhằm quản lý tốt dịch hại, tăng năng suất

Ổn định diện tích

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ thu đông 2018, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 167.313ha lúa, giữ ổn định so cùng kỳ 2017. Trong đó, địa phương có diện tích xuống giống nhiều nhất là huyện Thoại Sơn (37.724ha), tiếp theo là Tri Tôn (24.292ha), Châu Thành (24.060ha), Châu Phú (22.858ha), Phú Tân (15.751ha), Chợ Mới (13.012ha), Tịnh Biên (8.881ha), TX. Tân Châu (7.235ha), An Phú (5.811ha), TP. Châu Đốc (5.448ha) và TP. Long Xuyên (2.242ha). Trước tình hình diễn biến rầy nâu còn phức tạp, các địa phương cần tuân thủ khung lịch thời vụ chung của tỉnh để hạn chế sự ảnh hưởng của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các dịch hại khác. Cụ thể, lịch xuống giống bắt đầu từ ngày 15-7 đến 10-9-2018, trong đó lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy chia làm 2 đợt: đợt 1 xuống giống từ ngày 1 đến 10-8, tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa hè thu sớm và đại trà; đợt 2 xuống giống từ ngày 25-8 đến 10-9, xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch lúa hè thu muộn. “Trên cơ sở số liệu từ hệ thống rầy nâu vào bẫy đèn, các địa phương xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp vụ thu đông 2018 phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh, đảm bảo xuống giống né rầy và né mưa bão đầu vụ. Lưu ý, thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày, cần chủ động các phương án tiêu thoát nước, đề phòng mưa, bão bất thường từ tháng 7 đến tháng 9-2018” - ông Hiền lưu ý.

Về cơ cấu giống lúa vụ thu đông 2018, ông Hiền đề nghị các địa phương xác định cơ cấu giống gồm: 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới. Ngoài cơ cấu 1 giống không quá 20%, các địa phương cần phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Đối với lúa có gạo phẩm cấp thấp như IR50404, trồng giới hạn trong tỷ lệ không quá 15-20%. Đối với nhóm giống lúa chủ lực, Chi cục TT&BVTV đề xuất 3 nhóm gồm: nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM5451, Đài Thơm 8, OM4900, OM6976, OM7347, OM4218, OM6073, OM6161, Lộc Trời 3…), nhóm giống lúa thơm và lúa nếp (Nàng Hoa 9, nếp CK92…) và nhóm giống bổ sung (Jasmine, OM2517, OM2514…). Đối với nhóm giống lúa triển vọng, có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, Chi cục TT&BVTV đề xuất các giống Lộc Trời 7, OM9577, OM9605… Đối với nhóm giống lúa Japonica (Hana, Kinu, Akita, Koshihikari, DS1…), đề nghị không sản xuất tràn lan khi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Chú trọng kỹ thuật canh tác

Ông Hiền lưu ý, đối với những vùng có khả năng xuống giống gần trễ và trễ hơn khung lịch thời vụ của tỉnh, cần sử dụng giống ngắn ngày, gieo mạ cấy để tranh thủ thời vụ hoặc chuyển sang cây trồng khác bằng một số loại rau, màu có giá trị cao và có doanh nghiệp đầu tư tiêu thụ sản phẩm. “Việc canh tác các loại cây trồng cạn sẽ tạo điều kiện cắt đứt nguồn bệnh trong đất, giảm độc chất và cải tạo độ phì nhiêu cho đất, đảm bảo xuống giống đúng khung lịch thời vụ đối với vụ đông xuân để đạt năng suất tối ưu” - ông Hiền phân tích.

Về biện pháp canh tác, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống từ 80-100kg/ha), trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm để giảm lượng nước bơm tưới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ. “Đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại, có biện pháp ứng phó kịp thời khi có mưa, lũ nhằm bảo vệ năng suất vụ thu đông” - ông Hiền khuyến cáo.

“Trên cùng 1 tiểu vùng, tuyệt đối không để nhiều trà lúa đan xen nhau.Đối với vụ thu đông, không xuống giống lúa ở những tiểu vùng không có đê bao hoặc có đê bao nhưng không chắc chắn” - ông Nguyễn Văn Hiền lưu ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN