Màu cờ đỏ thắm giữa biển xanh - Kỳ 1: Ngàn dặm khơi xa

26/04/2018 - 08:28

 - Trường Sa - tên gọi thân thương và thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim bao thế hệ người dân đất Việt. Quân- dân trên quần đảo, nơi “đầu sóng, ngọn gió” thật kiên trung, bất khuất, chấp nhận hy sinh bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc, là bằng chứng hào hùng, khẳng định sức sống mãnh liệt của biển, đảo quê hương.

Từng chuyến ca-nô đưa đại biểu vào đảo

Tháng 4-2018, đoàn công tác của tỉnh An Giang gồm 25 đồng chí, được tham gia cùng đoàn công tác số 4 do Quân chủng Hải quân tổ chức đến thăm 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tất cả các thành viên của đoàn đều đến Trường Sa lần đầu tiên, nên khó tránh khỏi cảm giác nôn nao, tự hào xen lẫn chờ mong.

Chuẩn bị cho cuộc hành trình, chúng tôi được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết được mượn quân - tư trang, gồm: mũ cối, dép nhựa, túi ny-lon bảo quản đồ dùng khi ra vào đảo để khỏi bị ướt. Tàu mang số hiệu 561 là tàu quân y của Hải quân Nhân dân Việt Nam, dài 71m, rộng 13,5m, gồm 33 phòng, với 160 giường. Hành trình tàu 561 đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1 của đoàn công tác số 4 trải qua 116 giờ 30 phút, quãng đường hơn 1.100 hải lý. Chuyến đi do Quân chủng Hải quân tổ chức, gồm 250 đại biểu thuộc 6 tỉnh: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và An Giang. Từ Cảng quốc tế Cam Ranh, chúng tôi khởi hành đi các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài (A), An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa và điểm đến cuối cùng là Quế Đường (Nhà giàn DK1/19). Suốt 10 ngày, tàu lênh đênh trên biển, chỉ dừng lại ít giờ trên đảo, rồi lại tiếp tục hành trình. Trong chuyến đi nhiều ngày, chúng tôi gặp phải biển động cấp 5-6, từng cơn sóng vỗ mạnh vào thân tàu, khiến ai cũng ngầy ngật, khó chịu.

Sau nhiều giờ, phía trước con tàu là đảo Song Tử Tây, chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong hành trình khám phá các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo lớn thứ 6 trong các đảo tại quần đảo Trường Sa và là đảo lớn thứ 2 sau đảo Trường Sa. Lòng đảo trũng, xung quanh cao so với mực nước biển từ 4-6m. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình. Trên đảo có ngọn hải đăng đầu tiên do Việt Nam dựng lên trên quần đảo Trường Sa vào tháng 10-1993. Từ tháp cao của ngọn hải đăng, phóng tầm mắt nhìn ra xa, đảo Song Tử Tây hiện ra như 1 khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương bao la. Địa thế đẹp, thuôn dài về 2 phía giúp cho việc xây dựng các công trình diễn ra dễ dàng hơn. Hiện trên đảo đã xây dựng được 1 quần thể công trình kiến trúc quy mô, bề thế. Bia chủ quyền sừng sững vươn cao, khẳng định rõ trước thế giới về chủ quyền trên khu vực Biển Đông.

Một trong những hoạt động ý nghĩa nhất của đoàn công tác trong buổi sáng hôm ấy chính là lễ chào cờ được tổ chức trang nghiêm tại Sở Chỉ huy đảo. Tiếng Quốc ca vang lên dù ở bối cảnh nào, không gian nào đều thiêng liêng. Lúc này, trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhìn lá quốc kỳ Việt Nam kiêu hãnh tung bay, lá cờ quyết thắng của quân - dân đảo Song Tử Tây anh hùng, đoàn công tác số 4 ai cũng bồi hồi xúc động. Sau lễ chào cờ, đoàn đại biểu tiến về tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một biểu tượng uy nghi, dũng mãnh. Cả đoàn công tác thành kính dâng hương, cầu mong quốc thái dân an, biển, đảo quê hương mỗi ngày thêm bình yên, tươi đẹp.

Chúng tôi rời hết đảo này đến đảo khác, trong suốt cuộc hành trình nắng gió khắc nghiệt. Nhiều giờ lắc lư cùng con tàu trên sóng nước, nhìn ra chỉ thấy biển xanh thẫm 1 màu, không nhìn ra phương hướng. Khi tàu đến nơi, để vào được đảo chúng tôi phải di chuyển bằng ca-nô ào ạt chạy trên mặt biển đến cầu cảng. Một số đảo không có bến cảng, cán bộ, chiến sĩ phải dùng sức kéo dây, neo đậu ca-nô, vất vả vô cùng dưới cái nắng cháy da, cháy thịt.

Để có được những hình ảnh tốt nhất phục vụ công việc của mình, nhóm phóng viên chúng tôi được ưu tiên đi trước để sắp xếp vị trí ghi hình, chụp ảnh thích hợp. Những lúc sóng biển nổi lên, chúng tôi ráng giữ thân mình chống chọi cơn say sóng và độ lắc lư của thân tàu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài mặt tỏ vẻ bình tĩnh, nhưng ai nấy rất lo: lỡ máy móc, dụng cụ vuột tay rớt xuống hoặc dính nước biển, coi như mất toàn bộ dữ liệu. Biết lịch trình ngoài việc thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bộ đội, Nhân dân, đoàn còn tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, giao lưu văn hóa - văn nghệ với quân - dân trên đảo... nên chúng tôi thường xuyên phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp. Đến cuối ngày, dù mệt lả, nhưng mỗi giây phút, mỗi chặng đường trải qua đều được chúng tôi ghi sâu trong lòng, không thể nào quên.

(Còn tiếp)

NGUYỄN HƯNG

Kỳ 2: Giọt mồ hôi mặn như nước biển