Món quà ý nghĩa cho năm học mới

29/08/2019 - 07:55

 - Hưởng ứng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 _ 20-8-2019) và Tháng hành động “Vì sự nghiệp giáo dục”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức trao học bổng Tôn Đức Thắng lần thứ 24 và tặng quà “Tiếp bước đến trường” cho con đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động vượt khó học giỏi năm học 2018-2019, chính thức kết thúc kỳ nghỉ hè để chuẩn bị vào năm học mới.

Em Nguyễn Vương Ngọc Tín (Trường Phổ thông Thực hành sư phạm) xúc động chia sẻ tại buổi nhận học bổng: “Ba con đã mất, mẹ làm giúp việc ở một cơ quan của tỉnh. Một mình mẹ phải làm việc vất vả nuôi con, lương hàng tháng không đủ chi tiêu trong gia đình và lo cho con ăn học nên mẹ rất tằn tiện, không dám mua sắm gì. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng con luôn tự nhủ không được nản chí, phải cố gắng học thật giỏi, chăm ngoan để không phụ lòng mong đợi của mẹ. Con luôn ghi nhớ một điều chỉ có con đường học vấn mới giúp con thoát nghèo và sau này có thể giúp mẹ con bớt khó khăn. Đây là lần thứ 2 con được nhận học bổng. Tại buổi lễ hôm nay, có anh chị, các bạn đã được nhận học bổng nhiều lần, đều là những người vượt khó học giỏi, là tấm gương để con phấn đấu noi theo”. Em Ngọc Tín là 1 trong số 65 học sinh tiêu biểu của 3 cấp học vừa được LĐLĐ tỉnh tổ chức trao tặng học bổng tại Khu du lịch Vạn Hương Mai (Châu Phú).

Cùng hoàn cảnh với em Tín, còn có rất nhiều bạn đã mất cha hoặc mẹ, gia đình đã khó khăn lại có người bệnh tật, hoặc em nhỏ, thu nhập thấp, nhà ở tạm bợ… được quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần. Điển hình như em Phan Hoàng Thúy Vy (Trường THCS Mỹ Quý, TP. Long Xuyên), gia đình có 6 nhân khẩu, mẹ là nhân viên nấu ăn của Trường Trẻ em khuyết tật An Giang, thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Mẹ em Vy phải nuôi 2 con ăn học và ông bà đã lớn tuổi, đã vậy ông của Vy bị bệnh nằm một chỗ, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, dù vậy nhiều năm qua, Vy luôn cố gắng đạt thành tích học sinh giỏi. Em Nguyễn Thị Diễm Hương (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP. Long Xuyên), mẹ làm công nhân Công ty TNHH NV Apparel, nuôi 2 con nhỏ. Em của Hương năm nay 9 tuổi bị bệnh bại não, ông ngoại bị bệnh, trong khi cha chỉ có việc làm thuê, thu nhập không ổn định. Với suất học bổng lần này, em rất quyết tâm nỗ lực để đạt thành tích xứng đáng.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Thị Diễm cho biết, quỹ Xã hội Công đoàn được thành lập từ năm 1995, nhằm huy động sự đóng góp, ủng hộ từ công nhân, viên chức, người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp góp phần cùng công đoàn mở rộng các hoạt động xã hội và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Từ nguồn quỹ vận động, LĐLĐ tỉnh và Ban Quản lý quỹ đã quyết định hàng năm trích ra một phần kinh phí để thành lập học bổng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng. “Đây là nguồn học bổng dành tặng cho con đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó, học giỏi, góp phần chăm lo, động viên tinh thần hiếu học của các cháu. Qua 24 lần tổ chức, LĐLĐ tỉnh đã trao tặng 1.640 suất học bổng Tôn Đức Thắng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, để khuyến khích các em phấn đấu học tập tốt hơn mỗi năm, học bổng duy trì khen thưởng cho những cháu tiếp tục giữ vững thành tích học tập cho đến khi hoàn thành bậc học của mình” - bà Diễm thông tin.

Đón năm học 2019-2020, LĐLĐ tỉnh tổ chức trao học bổng Tôn Đức Thắng lần thứ 24 cho 151 em và 498 phần quà “Tiếp bước đến trường” (ngoài các em đã được nhận học bổng), tổng trị giá hơn 300 triệu đồng cùng hàng ngàn quyển tập. Mức hỗ trợ bậc tiểu học là 1 triệu đồng/suất; THCS 1,5 triệu đồng/suất; THPT 2 triệu đồng/suất. Song song với lễ trao học bổng, LĐLĐ tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn còn tổ chức hoạt động du khảo về nguồn nhằm mang lại sân chơi bổ ích, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Đây cũng là một trong những phần thưởng về mặt tinh thần dành cho các em trước khi bắt đầu năm học mới. Trao tay các em những phần quà, phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Thị Diễm nhắn nhủ: “Để các cháu được đến trường là cả sự cố gắng, hy sinh rất lớn của ông bà, cha mẹ, gia đình, sự quan tâm của thầy cô, nhà trường, sự chăm lo của các cấp, các ngành và xã hội. Vì vậy, các cháu phải phấn đấu học tập thật tốt, rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, biết vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, biết thương yêu, chia sẻ và giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ, tham gia các hoạt động ở trường, ở lớp bằng những việc làm vừa với sức của mình”.

MỸ HẠNH