Mong người dân đồng thuận dự án trồng xoài cát chu

25/10/2018 - 06:45

 - Không đồng thuận việc UBND xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) yêu cầu người dân phải hiến đất làm đường bê-tông và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang xoài cát chu, 27 hộ dân ngụ ấp An Tịnh gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, xem xét.

Theo trình bày của các hộ dân, họ sinh sống trên đường kênh Liên Kết, kênh Đồng Khởi và kênh Bảo Vốn, thuộc vùng sản xuất An Thạnh Trung 3 chuyên sản xuất lúa lâu nay. Vừa qua, UBND xã mời bà con dự họp, triển khai dự án công trình đường bê-tông, hệ thống điện hạ thế tiểu vùng An Thạnh Trung 3 để phục vụ dự án trồng xoài cát chu. Họ không đồng ý, vì trước đó đã từ chối tham gia trồng xoài cát chu, đồng thời có đơn xin cứu xét bởi nhận thấy dự án không khả thi, không lợi nhuận.

“Lần này, UBND xã tiếp tục vận động chúng tôi hiến đất làm đường và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuyến đường này đã có sẵn, không nhất thiết phải rộng hơn, lớn hơn, vừa hao đất, vừa ảnh hưởng đến nhà và đất ruộng của dân. Trong khi đó, đất của chúng tôi rất ít, quen trồng lúa lâu nay, không đủ khả năng để đầu tư trồng xoài. Đất của chúng tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nên chúng tôi có quyền hiến hoặc không. Bên cạnh đó, cánh đồng nơi chúng tôi canh tác lúa ổn định và con đường dẫn ngang đồng ruộng vẫn đảm bảo cho việc vận chuyển lúa. Rất mong các ngành chức năng xem xét giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân”- các hộ dân đề nghị.

Bà con trình bày vụ việc

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thanh Trung Nguyễn Phước An cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho dự án trồng 150ha xoài cát chu ở tiểu vùng sản xuất An Thạnh Trung 3. Ngày 21- 5-2018, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 2334/VPUBND-KTN, thống nhất theo tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thi công dự án thuộc tiểu vùng An Thạnh Trung 3.

Theo đó, sẽ đầu tư 4,3km đường bê-tông (mặt đường rộng 3m), gồm 3 tuyến: đường kênh Liên Kết, kênh Đồng Khởi và kênh Bảo Vốn. Sau đó, UBND huyện mời các đơn vị tư vấn thiết kế và bà con trong vùng dự họp để thông qua phương án thiết kế làm đường, gắn điện kế phục vụ dự án này.

Ngày 28-8-2018, UBND huyện chấp nhận tờ trình của UBND xã An Thạnh Trung, giao cho UBND xã phối hợp cùng các cơ quan liên quan thành lập đoàn để vận động nhân dân hiến đất làm đường nối khu vườn xoài An Thạnh Trung 3. Nhà nước đầu tư làm đường bê-tông xi măng, hệ thống cấp điện gồm: đường dây trung thế, 5 trạm biến áp để phục vụ diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng xoài cát chu, với diện tích 150ha là cần thiết.

Ngày 21-9-2018, UBND xã mời bà con đến dự họp. Cả 3 tuyến đường gồm 64 hộ dân có liên quan đến đất làm đường bê-tông và đường điện. Tuy nhiên, chỉ có 29 người dự họp (do bà con bận việc hoặc ở ngoài xã), tổng diện tích đất 18.680m2. Qua vận động, còn 11 hộ chưa làm việc được (do ở ngoài địa phương), xã đang tiếp tục gặp gỡ vận động.

“Dự án đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Bến Tre) về việc bao tiêu xoài cát chu, thời gian 20 năm. Tỉnh giao cho huyện Chợ Mới, huyện giao cho xã An Thạnh Trung, Hợp tác xã nông nghiệp xã An Thạnh Trung ký kết với Công ty Thuận Phong, thời hạn 20 năm. Theo ký kết, công ty sẽ mua với giá thị trường (theo giá bình quân được thông tin trên bản tin thời sự trên Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương). Ngoài ra, công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường khoảng 1.500 đồng/kg. Trong 3 năm trồng xoài, bà con không thu hoạch được thì có thể trồng thêm cà, bắp, ớt... Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm này cho bà con”- ông An khẳng định.

Từ dự án này, UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã để sau này kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi. Đây là chủ trương của tỉnh, huyện, đã có khảo sát cụ thể trước khi thực hiện. UBND xã đã thông báo rõ với bà con rằng địa phương chỉ khuyến khích (chứ không ép buộc) bà con trồng xoài. Nếu hộ nào chưa có điều kiện trồng xoài thì cứ tiếp tục trồng lúa.

Việc làm đường bê-tông nhằm phục vụ cho 150ha xoài trong vùng (trước mắt chỉ ký hợp đồng thực hiện 20ha). Hiện tại, người dân chỉ mất một ít đất, nhưng về lâu dài rất có lợi khi cơ sở hạ tầng đảm bảo, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hệ thống điện phục vụ tưới tiêu đạt yêu cầu, đời sống kinh tế được nâng lên. Thiết nghĩ, bà con nên đồng thuận để dự án sớm được triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: K.N