Mong người dân đồng thuận vì lợi ích lâu dài

15/03/2018 - 01:18

 - Hiện nay, TP. Long Xuyên đang tích cực thi công nâng cấp đồng bộ các tuyến đường trên địa bàn. Tuy nhiên, người dân phản ánh đến Báo An Giang: quá trình thi công ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của họ. Phóng viên (PV) Báo An Giang đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc xung quanh vấn đề này.

PV: Việc nâng cấp đồng bộ các tuyến đường trên địa bàn thành phố sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân và địa phương?

Ông Đào Văn Ngọc (Đ.V.N): Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu về mọi mặt, nhất là việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông (GT). Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống GT đô thị nhiều nơi chật hẹp, xuống cấp, hư hỏng do đã sử dụng nhiều năm. Nhiều tuyến đường bị ngập úng do cao trình mặt đường thấp, những lúc mưa to, triều cường hay lũ dâng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cảnh quan đô thị, đặc biệt là quá trình tham gia GT và việc giao thương của người dân.

Qua khảo sát và kiểm tra, tất cả các tuyến đường trong nội ô thành phố có cao trình không đồng bộ (từ +2.1m đến +2.6m), kết cấu mặt đường chủ yếu là cấp phối láng nhựa (2 lớp, 3 lớp) nên thời gian sử dụng ngắn, kết cấu chịu lực và tính ổn định tương đối thấp, có nhiều vị trí ngập sâu khoảng 50cm. Những khu vực và tuyến đường ảnh hưởng nhiều nhất do mưa như: khu vực Xẻo Trôm 1,2; chợ Bình Khánh, chợ Mỹ Quý, chợ Mỹ Xuyên; đường trục chính trên địa bàn thành phố như: đường Trần Hưng Đạo, Hà Hoàng Hổ, Lý Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hoàng… Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, cử tri và người dân mong muốn chính quyền thành phố sớm triển khai thi công nâng cấp các tuyến đường này.

Mặt khác, dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP. Long Xuyên (do Công ty Cổ phần Điện nước An Giang làm chủ đầu tư) ảnh hưởng trực tiếp đến 141 tuyến đường. Việc thi công công trình đã phá vỡ kết cấu mặt đường hiện hữu, chỉ hoàn trả mặt đường trong phạm vi diện tích đào đặt ống. Do đó, mặt đường sau khi hoàn trả không đồng bộ, nhiều nơi bị lún hoặc gồ ghề, ảnh hưởng đến việc tham gia GT và mỹ quan đô thị.

Từ thực tế nêu trên, nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân và hướng đến hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí của đô thị loại I. Đồng thời, Long Xuyên đang được xây dựng theo các tiêu chí của một thành phố văn minh - hiện đại, thông minh và phát triển bền vững. Trong đó, việc đầu tư nâng cấp đồng bộ các tuyến đường GT đô thị, kết hợp hoàn trả mặt bằng của dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải là hết sức cần thiết, cấp bách, góp phần chỉnh trang và hoàn thiện không gian đô thị.

PV: Kế hoạch và tiến độ triển khai dự án cụ thể như thế nào?

Ông Đ.V.N: UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường, kết hợp một phần ngân sách thành phố, vốn hoàn trả mặt đường của dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Nhân dân chỉ đóng góp kinh phí lát gạch vỉa hè. Trên cơ sở đó, Thành ủy - UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Tháng 8-2017, tiến hành khảo sát hiện trạng từng tuyến đường, phân kỳ lộ trình triển khai thực hiện từ năm 2017 đến đầu năm 2019 phải cơ bản hoàn thành theo lộ trình đề ra. Để tránh lãng phí, trong quá trình khảo sát địa hình và lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật nâng cấp, thành phố không triển khai thực hiện ở các tuyến đường không bị ngập úng, kết cấu mặt đường đảm bảo tính chịu lực, không ảnh hưởng mỹ quan đô thị và không bị ảnh hưởng bởi việc nâng cấp các tuyến đường xung quanh.

Các hạng mục nâng cấp đồng bộ bao gồm: thiết kế gờ bó vỉa hè (cao hơn mặt đường 0,12m), hố gas, bồn cây (áp dụng theo mẫu hướng dẫn chung của TP. Long Xuyên, đã được góp ý và thống nhất của Sở Giao thông - vận tải) để xe gắn máy lên xuống thuận lợi, an toàn và đảm bảo đồng bộ. Thiết kế cải tạo đồng bộ các hố gas thu nước theo cùng 1 mẫu để thuận tiện trong việc thay mới nắp đal cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Đồng thời, quy định lót gạch màu xám trắng (gần với màu của đá) đối với những nơi làm mới, tận dụng gạch vỉa hè cũ còn tốt lót lại để tiết kiệm.

Năm 2017, địa phương nâng cấp 47 tuyến đường, thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 21 tuyến; đang thi công và hoàn thành trong tháng 6-2018 tổng cộng 15 tuyến. Trong quý IV-2018 dự kiến sẽ hoàn thành 11 tuyến còn lại. Năm 2018, nâng cấp tổng cộng 62 tuyến đường. Cụ thể: trong tháng 5 khởi công 22 tuyến đường (thuộc phường Bình Khánh, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên); trong tháng 6 khởi công 24 tuyến đường (phường Bình Khánh); trong tháng 8 khởi công 16 tuyến đường (thuộc phường Mỹ Long). Dự kiến đến cuối năm 2018, chậm nhất trước Tết Nguyên đán 2019, công trình sẽ hoàn thành.

PV: Điều người dân quan tâm nhất là mức chênh lệch giữa cao độ mặt đường và nhà dân, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của họ. Ông lý giải rõ hơn về vấn đề này?

Ông Đ.V.N: Theo Văn bản số 1673/SXD-CCGĐ ngày 7-7-2017 của Sở Xây dựng (về việc quy định các nguyên tắc xác định cao trình thiết kế các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh), cao trình tại mép gờ bó vỉa tiếp giáp mặt đường tại khu vực đô thị TP. Long Xuyên lớn hơn hoặc bằng +3.0(m). Trong khi đó, thực trạng cao độ nền nhà dân cặp 2 bên các tuyến đường chỉ bằng hoặc cao hơn vỉa hè hiện hữu 20-30cm. Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến nhà dân, thành phố chọn cao độ thiết kế nâng cấp chung cho các tuyến đường xác định tại mép gờ bó vỉa tiếp giáp mặt đường +2.80m, bằng đúng đỉnh lũ năm 2011. Cao độ này thấp hơn 20cm theo quy định tại Văn bản số 1673.

Các tuyến đường sau khi đầu tư nâng cấp theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đúng là có sự chênh lệch về độ cao giữa vỉa hè và nền nhà dân hiện hữu. Tuy nhiên, điều kiện ngân sách còn khó khăn, phải tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực khác. Thành phố mong muốn người dân cùng chia sẻ với chính quyền địa phương, có kế hoạch từng bước nâng cấp cao trình nhà đồng bộ với cao trình đường theo khả năng, nhằm tạo vẻ tạo mỹ quan chung cho thành phố. Mặt khác, để tránh tình trạng vào mùa mưa, nước mưa chảy về hẻm thông hành và tràn vào nhà dân, thành phố sẽ sớm có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống mương nổi và hẻm thông hành, thu gom nước mặt đưa về các hố gas thu nước tại các đầu hẻm thông hành, hòa vào hệ thống thoát nước mặt chung của thành phố.  

PV: Trong quá trình thực hiện dự án, địa phương đã lấy ý kiến người dân như thế nào để tạo sự đồng thuận cao nhất?

Ông Đ.V.N: Trước khi triển khai thực hiện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức họp dân lấy ý kiến. Theo đó, UBND thành phố giao cho Phòng Quản lý Đô thị phối hợp UBND các phường và đơn vị thiết kế tiến hành xác định cao độ, căng dây, vạch sơn làm dấu ở từng dãy nhà cặp theo tuyến đường để người dân được biết về cao trình đường và vỉa hè khi hoàn thiện. Khi tổ chức lấy ý kiến, có đính kèm thông tin kỹ thuật cụ thể của từng tuyến đường. Đối với các tuyến đường trong cùng một phường có mức độ ảnh hưởng như nhau sẽ được tổ chức lấy ý kiến chung. Riêng các tuyến bị ảnh hưởng nhiều thì tổ chức lấy ý kiến riêng, để người dân thuận lợi trong việc đóng góp ý kiến, cũng như được đơn vị tư vấn và chủ đầu tư cung cấp thông tin và giải trình làm rõ.

Tại các buổi họp, người dân được thông tin đầy đủ, chi tiết mục đích ý nghĩa, mục tiêu đầu tư nâng cấp dự án và từng tuyến đường (về hiện trạng, quy mô đầu tư, thời gian khởi công, hoàn thành…). Toàn bộ nội dung cuộc họp lấy ý kiến được Đài Truyền thanh thành phố quay phim lưu trữ; UBND phường lập biên bản và tổng hợp gửi về Phòng Quản lý Đô thị. Thành phố chỉ cho phép khởi công đối với những tuyến đường đã lấy ý kiến dân, được người dân đồng thuận từ 90% trở lên. Trong tổ chức lấy ý kiến, người dân có thể chọn 1 trong 2 giải pháp. Nếu người dân đồng thuận nâng cấp các tuyến đường thì cao độ là +2.8(m). Trường hợp người dân không đồng thuận thì giữ nguyên con đường theo hiện trạng, chỉ duy tu, sửa chữa. Rất mong người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của dự án, cùng đồng thuận, tin tưởng và hỗ trợ địa phương.

PV: Xin cám ơn ông!

 

Ý kiến của người dân

* Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên):

“Chúng tôi dần quen với việc các tuyến đường ở TP. Long Xuyên bị đào lên, lấp lại rồi đào lên. Chúng tôi cảm thấy cách làm này gây lãng phí. sau khi thi công dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP. Long Xuyên, nâng cấp các tuyến đường, liệu có còn công trình nào được triển khai, lại đào lên, lấp lại nữa?”.

* Bà Trần Thị Tuyết (ngụ phường Mỹ Long):

“Đường nâng cao, khiến nhà tôi giờ bị thấp hơn mặt đường rất nhiều. Dắt xe ra vào nhà rất khó khăn, đi không chú ý sẽ vấp bậc vỉa hè. Muốn nâng nền nhưng chi phí lại hạn chế. Nếu không nâng nền, vào thời điểm mưa lũ, triều cường, có thể cả căn nhà ngập chìm trong nước. Rất mong chính quyền địa phương có giải pháp giúp người dân giải quyết lo lắng này”.

* Ông Nguyễn Thành Hưng (ngụ phường Mỹ Bình):

“Chúng tôi thống nhất với chủ trương của Nhà nước, việc nâng cấp, sửa chữa là cần thiết, phù hợp sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, địa phương và ngành chức năng cần nghiên cứu, đề ra quy hoạch hợp lý, thực hiện các công trình theo trình tự khoa học, an toàn, tiết kiệm. Quan tâm thông tin, hướng dẫn người dân kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của dân; lắng nghe, cầu thị và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh của dân”.

 

GIA KHÁNH (Thực hiện)