Một hình thức đầu tư cho con người

15/10/2019 - 07:28

 - Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang do ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang và các cộng sự sáng lập vào năm 2009. Sau 10 năm đi vào hoạt động, có thể khẳng định rằng, hoạt động của quỹ là một hình thức đầu tư cho con người.

Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang ra đời tháng 4-2009, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang trên đà phát triển. Tiềm lực kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước rất mạnh. Các DN làm ăn phát triển nên luôn quan tâm, chia sẻ một phần lợi nhuận mà mình có được về cho cộng đồng. “Quỹ ra đời đúng lúc, đúng thời điểm. Lúc đó, kinh tế trên đà phát triển nên việc vận động cộng đồng DN tham gia tài trợ vốn để hình thành nguồn vốn của quỹ ban đầu gặp nhiều thuận lợi… Ngay khi mới phát động, quỹ đã nhận được số tiền 4 tỷ đồng” - ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Tiếp sức tài năng An Giang chia sẻ.

Thực tế cho thấy, từ tôn chỉ, mục đích rõ ràng, phù hợp với suy nghĩ của đại đa số quần chúng, của cộng đồng DN, doanh nhân trong xã hội nên quỹ đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là cộng đồng DN. Ngay khi mới thành lập, cộng đồng DN, doanh nhân đã ủng hộ đến 8 tỷ đồng để hình thành nguồn vốn ban đầu của quỹ. Từ nguồn vốn đó, Hội đồng quản lý đã mang số tiền gửi vào ngân hàng để lấy lãi, số lãi này sẽ được dùng vào việc khen thưởng, hỗ trợ, tài trợ cho các cá nhân giỏi, xuất sắc và tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ người công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, vận động viên, cho đến các văn nghệ sĩ… miễn ai có những sáng kiến, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc là quỹ xem xét hỗ trợ.

Ông Hoa Sỹ Hiền, tác giả giống lúa CT1 - TC2, cá nhân tiêu biểu được quỹ Tiếp sức Tài năng An Giang tài trợ vốn cho nghiên cứu khoa học

Chính cách làm công tâm, minh bạch, đầy tính nhân văn nên quỹ đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN, doanh nhân, của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt những người thụ hưởng từ sự tài trợ, khen thưởng, hỗ trợ của quỹ đến nay, khi ra trường, công việc đã thành công, họ đều quay trở lại hỗ trợ vốn cho quỹ để quỹ lấy số tiền này tiếp tục lo cho người khác. “Những ngày đầu tiếp cận với quỹ, em thấy tổ chức này rất hay. Hội đồng quản lý quỹ là những cô, chú từng là lãnh đạo tỉnh, họ đã về hưu nhưng vẫn tham gia cống hiến, vẫn mang nhiệt huyết của mình tiếp tục chăm lo cho sự phát triển của tỉnh. Có thể khẳng định, quỹ Tiếp sức tài năng An Giang là một hình thức đầu tư cho con người. Nhờ vào sự tiếp sức, hỗ trợ của quỹ, em đã hoàn thành chương trình thực tập sinh nông nghiệp tại Israel. Em cám ơn sự hỗ trợ rất lớn lao của quỹ. Sau khi hoàn thành chương trình, em đã tự nguyện, đóng góp lại cho quỹ với số tiền 1 triệu đồng để quỹ chăm lo cho những bạn khác” - Nguyễn Thị Mỹ Tiên (thực tập sinh nông nghiệp Israel) bày tỏ.

10 năm hoạt động, đã có 953 lượt cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực: giáo dục, y học, nghiên cứu lịch sử, nông nghiệp, cơ khí, thể thao… được quỹ khen thưởng, hỗ trợ, tài trợ. Cụ thể, đối với những cá nhân xuất sắc, tiêu biểu, có những sáng kiến, phát minh mang lợi ích thiết thực cho cộng đồng thì quỹ sẽ tìm hiểu, bình chọn và tổ chức khen thưởng. Cá nhân có những công trình nghiên cứu khoa học (có tính khả thi), nhưng thiếu vốn để triển khai dự án thì quỹ hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tài trợ toàn bộ để thực hiện những công trình khoa học, thảo mãn những đam mê. Bằng cách làm đầy tính nhân văn và sáng tạo đó, 10 năm qua đã có 953 lượt cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhận được sự “tiếp sức” của quỹ, từ đó đã tạo ra nhiều của cải vật chất, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, có tính ứng dụng cao, phục vụ cho cộng đồng, xã hội.

“Tôi là 1 trong 953 người nhận được sự tài trợ của quỹ, tôi rất vui bởi đây là niềm động viên rất to lớn trong những ngày đầu tôi bắt tay vào lai tạo các giống lúa mang chữ TC, từ TC1 đến nay đã lai tạo ra được TC21. Càng tự hào hơn khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn giống lúa của tôi vào danh sách giống quốc gia. Có được điều này, tôi vô cùng cám ơn ông Nguyễn Hữu Khánh cùng Hội đồng Quản lý quỹ Tiếp sức tài năng An Giang…” - ông Hoa Sĩ Hiền (Nông dân lai tạo giống lúa TC 21, xã Tân An, TX. Tân Châu) khẳng định.

“Từ 4 tỷ rồi tăng lên 8 tỷ đồng, đến nay gần 11 tỷ đồng là số tiền vốn của quỹ. Số tiền này lớn dần. Có được việc đó là nhờ Hội đồng quản lý, Ban Điều hành quỹ đã sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích; vốn không mất đi mà tăng lên hàng năm. Đây là một thành công lớn của quỹ trong 10 năm qua. Thành công này đã tạo sự đồng thuận của xã hội nên có rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia” - ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Điều hành quỹ Tiếp sức tài năng An Giang chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích