Một nét thơ thiền hiện đại

19/01/2018 - 16:00

Tôi rất ấn tượng với tên một tập thơ vừa xuất bản của Nguyễn Ngọc Mai 'Tìm mình giữa sắc không'. Kinh Phật giải thích rằng mọi sự tồn tại từ con người cho đến vạn vật hiện hữu là 'sắc' (có) đồng thời cũng là 'không'. Có lúc này mà không lúc khác, ấy là mất đi, nhưng không phải mất mà chuyển sang trạng thái trở về với bản thể. Thơ thiền là một trong những hình thái tượng trưng của Phật pháp, muốn giải mã cần có chiếc chìa khóa giác ngộ, chân như, cộng với sự am hiểu về thi pháp học.

Nhà thơ, thạc sĩ kinh tế Nguyễn Ngọc Mai

Ngọc Mai làm thơ từ thời học sinh, sinh viên:

Bán cầu não trái chăm làm toán

Bán cầu não phải ngẫm vần thơ.

(Tự bạch – Duyên thơ)

Chúng ta mới biết về sự khác nhau giữa hai bán cầu não sau công trình nghiên cứu của tiến sĩ Roger Sperry, giải Nobel y học 1981 vậy mà đã có mặt trong thơ. Sự cập nhật thông tin khoa học hiện đại trong tác phẩm văn chương ở nước ta hơi bị ít trong khi những hình ảnh xưa cũ: vầng trăng, bến sông, sương mờ, mây trắng, bờ tre, làn môi, khóe mắt… vẫn tràn ngập trong các trang thơ văn.

Thơ Nguyễn Ngọc Mai chưa phải mới, ấy là nói về mặt bút pháp, nhưng cách tư duy, cảm xúc đã có những yếu tố mới mẻ.

Đôi khi nói về cái chuyện xưa cũ là nghe giảng về kinh sách nhà chùa, cô cũng có cách nhìn, cách nói không cũ:

Dạy con cách ngắm hoàng hôn

Tập buông xả những thiệt hơn ở đời.

(Tình cha nơi Đất Phật)

Tôi vốn kém cỏi về kinh sách không biết Kinh Phật có dạy Phật tử “cách ngắm hoàng hôn” theo kiểu thi nhân như thế không? Hình như không. Nhưng câu sau: “Tập buông xả những thiệt hơn ở đời” thì chắc chắn có, nhưng ý thức được về điều này và ứng xử nhu nhuyễn có hiệu quả trong đời sống thì không dễ chút nào.

Nhưng tôi biết Nguyễn Ngọc Mai đã ứng xử điều này bằng những việc làm thực tế ở CLB Từ thiện Đồng Tâm góp phần làm vơi đi những giọt nước mắt sau chiến tranh, mang lại nụ cười cho những số phận không may mắn.

Trong bài “Cảm ơn cuộc đời”, cô viết:

Cảm ơn cầu dừa, cầu tre lắc lẻo

Gắn bó nâng niu sự sống mong manh

Để tôi mơ bao nhịp cầu nhân ái

Nối đôi bờ cho hạnh phúc thêm xanh.

Mỗi người có mặt trên cõi đời này là một cơ may hiếm hoi, phải tri ân đấng sinh thành đã đành, mà còn bao nhiêu hiện hữu khác đã nâng đỡ, cưu mang cho ta. Ngọc Mai Cảm ơn cuộc đời từ những cái bình dị nhất “cầu dừa, cầu tre lắc lẻo”. Để rồi cô mơ đến bao nhịp cầu nhân ái khác mà cô sẽ tham gia để “Nối đôi bờ cho hạnh phúc thêm xanh”. Logic cuộc sống thật giản dị mà ý nghĩa.

Trong bài “Nơi em chọn”, cô viết:

Tình dương thế nặng oằn đôi vai nhỏ

Trái tim thơ không đập nhịp riêng mình

Mang tình yêu phụng sự khắp nhân sinh

Ta bà hóa thiên đường em ngự trị.

“Tình dương thế” là khái niệm trừu tượng, nhưng “nặng oằn” rất cụ thể, khiến cho khái niệm trừu tượng kia hiển hiện có hình khối rõ ràng. Liền sau đấy: “đôi vai nhỏ”, một sự tương phản tạo nên nỗi niềm xa xót đối với một thiếu nữ nhỏ nhắn mảnh mai. “Ta bà hóa” là một kết hợp từ tựa như cụm từ “xã hội hóa” ta đang dùng phổ biến hiện nay, Ngọc Mai tạo nên từ mới khá thú vị.

Là một Phật tử, cô rất trân trọng tình thầy trò:

Con thấu hiểu tình thầy như biển rộng

Ruộng Phước Điền gieo hạt giống từ bi

Vườn nhân ái lên xanh đầy hoa trái

Có công thầy khai mở chỉ lối đi.

(Lời tri ân trụ trì chùa Pháp Vân)

Những hình ảnh: “ruộng, gieo hạt giống, vườn, hoa trái, lối đi…” đều rất gần gũi quen thuộc nhưng lại mang cho ta một bất ngờ thú vị khác, ấy là không phải nói về cái chuyện của nhà nông, nhà vườn, “chuyện đời”, mà là chuyện cao quý thiêng liêng:“chuyện đạo”. Nghệ thuật tu từ được Nguyễn Ngọc Mai vận dụng như một cao thủ ngữ ngôn thi ca.

Tiếp cận với đạo, Nguyễn Ngọc Mai đã tỉnh giác nhiều điều mầu nhiệm, vận dụng trong cuộc đời, cô đã phá được cái thành lũy kiên cố của những cái “chấp” cá nhân, ấy là “ngã chấp” để tiếp cận với một thế giới khai ngộ từ bi từ thiện. Việc đạo, việc đời luôn là hai mặt của một thể thống nhất, đến với các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam:

Em mỉm cười quặn thắt trái tim tôi

Nụ cười da cam có chạnh lòng thế giới

Em vẫn sống nặng cơm cha áo mẹ

Công lý nơi nào có trả lại cho em?

(Nỗi đau da cam)

Câu thứ nhất thuộc về bản thể tỉnh giác, nhưng ngay câu thứ hai đã vọng tưởng qua một tích hợp khác rộng hơn: “chạnh lòng thế giới” và đến câu thứ tư: “công lý nơi nào” thì rõ ràng đã tiệm cận tính nhân loại phổ quát. Ở đây, sự khai thị (illumination) đã khác lắm, có tính độc lập chứ không liên quan đến sự nhận thức, hay quá trình hiểu biết, và đã tiếp cận được với sự siêu nghiệm (tranocendance). Đạt tới siêu nghiệm hình như tự nhiên hơn là cố gắng, nỗ lực, trong đạo Phật hay dùng chữ tùy duyên, nhân duyên…

Đến Quảng Trị, vùng chiến tranh ác liệt, cô viết:

Xin mọi người hãy bước nhẹ chân

Đừng làm đau từng thước đất anh nằm

Những thi thể rã tan vào lòng đất

Không mộ phần, vĩnh viễn hóa mùa xuân.

(Nghĩa trang không mộ)

Vẫn là những câu thơ từ nghiệm sinh trong thi hứng mở đầu, nhưng hai câu sau đây thì rõ ràng có bóng dáng siêu nghiệm:

Sông chiều phẳng lặng tầm hương khói

Anh cười trong nước buốt tim tôi.

(Lời tri ân trên sông Thạch Hãn)

Nguyễn Ngọc Mai làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh trong dòng sông Thạch Hãn. Không rõ dưới nước có hình các chiến sĩ mỉm cười với cô hay không, nhưng chả ai nghi ngờ gì về tính chân thực của câu thơ, nhất là có ba chữ “buốt tim tôi”.

Nguyễn Ngọc Mai sinh năm 1973, một cô gái có nhan sắc, thông minh, là thạc sĩ kinh tế, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cô đang mải mê hướng đến một vùng có nhiều khai sáng về nhân sinh quan vị tha cao cả nên hiện giờ cô vẫn chỉ đoàn viên cùng… mây trắng mà thôi.

 

Tiếp theo là chuyến hành hương ra Trường Sa khá vất vả (tôi dùng từ hành hương không biết có đúng không, nhưng tôi thích dùng từ ấy trong trường hợp này). Tiếp xúc với các em bé được sinh ra và lớn lên ở đảo Trường Sa, cô viết:

Lớn trên Hải Đảo xa mù

Mang dòng máu Việt, em như trăng rằm

Vui cùng chiến sĩ Hải quân

Dạy em tập võ, học vần, hát ca.

(Em yêu Trường Sa)

Thì vẫn là cảm hứng nghiệm sinh, nhưng khi bước đến ngôi chùa ở Đảo Trường Sa Lớn, thơ đã khác lắm:

Song Tử Tây xinh đẹp đến không ngờ

Như lá sen mơ màng trên mặt biển

Mái chùa gỗ ấm lòng người đến viếng

Giữ hồn quê giữa muôn dặm trùng khơi.

(Đẹp lắm Trường Sa)

Mấy ngày đêm lênh đênh trên biển cả mới tới được Trường Sa, hình ảnh sóng gió ngập tràn tâm thức, vậy mà chiếc lá sen tiềm thức vẫn hiển hiện về: “Như lá sen mơ màng trên mặt biển” khiến bao mệt nhọc thoắt đà tan biến.

Cả bốn câu thơ trên đã thuộc về siêu thức (metacognition) hay siêu nghiệm như phần trên đã nói, nó gần như ảnh xạ trong một giấc mơ.

Và như thế những thủ pháp nghệ thuật tu từ như bài “Lời tri ân…” trên kia không còn cần thiết nữa.

Thơ Nguyễn Ngọc Mai không ít bài có nhược điểm nhiều lời, hiển ngôn lấn át vô ngôn. Người đọc Việt Nam ta vốn ưa sự hàm súc, nhiều người hay nhắc đến chuyện chiếc đàn không dây mà Đào Uyên Minh tâm đắc. Hồn vía của âm thanh phảng phất ở chỗ không dây chứ không phải vang lên rộn rã trong tiếng đàn. Tuy nhiên, một số bài tứ tuyệt của cô đã khắc phục được nhược điểm ấy:

Em đã xây bao cây cầu mơ ước

Nối đôi bờ hạnh phúc chốn dương gian

Nhịp cầu cho em ai sẽ bắc sang

Để em được đoàn viên cùng mây trắng?

(Tự hỏi)

Ôi, điều mong ước của cô gái trẻ mới cháy bỏng làm sao, tưởng là cô muốn bắc nhịp cầu với một chàng “đẹp trai con nhà giàu” nào, ai ngờ cô mong: “Để em được đoàn viên cùng mây trắng”. Thật bất ngờ một bài thơ tình yêu mơ mộng mang phong vị thiền!

Ta thường gặp những rung động trực cảm này ở nhiều thơ lưu hành trong giới Phật tử hiện nay chứ không riêng gì Nguyễn Ngọc Mai. Nếu so sánh với các tác phẩm thơ thiền thời Lý Trần (“Khóa hư lục”, “Thiền uyển tập anh”, “Tuệ trung Thượng sĩ”…) cùng với thơ thiền ở các nước trong khu vực, ta thấy có nét tương đồng và khác biệt thể hiện quá trình tiếp biến văn hóa khá lý thú. Tôi hy vọng sớm được đọc những công trình nghiên cứu về lĩnh vực này của các nhà lý luận phê bình.

Nguyễn Ngọc Mai là chủ nhiệm Câu lạc bộ Từ thiện Đồng Tâm, TPHCM. Trong 8 năm qua (2009 -2017), với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, CLB đã xây dựng 90 cây cầu bê tông ở Đồng bằng sông Cửu Long và 57 ngôi nhà Tình nghĩa, Tình thương ở vùng sâu vùng xa bên cạnh các việc: xây trường học, làm đường, đào giếng nước, làm nhà vệ sinh cho cộng đồng…; cấp học bổng, máy tính, xe đạp… cho học sinh nghèo với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Theo NGUYỄN VŨ TIỀM (Giáo dục & Thời đại)