Một ngày ở đầu nguồn

14/09/2018 - 07:47

 - Mênh mông trời nước. Đó là cảm nhận đầu tiên khi có mặt ở vùng “rốn lũ” xã Vĩnh Hậu (An Phú). Xuôi dòng kênh Bảy Xã ngược về xã Vĩnh Lộc, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, nước lũ uy hiếp nhiều nơi. Hàng trăm ngôi nhà của người dân sinh sống trên các tuyến dân cư ngoài đê bao đang thấp thỏm trên sóng nước.

Lũ chia cắt giao thông     

Vĩnh Hậu là xã có nhiều tuyến dân cư ngoài đê bao bị ngập sâu. Xã có 4 ấp (Vĩnh Thuấn, Vĩnh Lịnh, Vĩnh Ngữ, Vĩnh Bảo), trong đó ấp Vĩnh Ngữ bị chia cắt hoàn toàn, ấp Vĩnh Thuấn bị chia cắt 50%, 2 ấp còn lại bị ảnh hưởng ở một số đoạn tuyến dân cư.

Năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm nên hơn 80% diện tích đất tự nhiên bị ngập. Trong đó, diện tích đất sản xuất (SX) nông nghiệp bị ngập khoảng 1.626ha (đây là vùng xả lũ, chỉ SX 2 vụ/năm). Hiện, nước lũ lên cao gây chia cắt một số tuyến đường thuộc ấp Vĩnh Ngữ và ấp Vĩnh Thuấn nối liền lộ liên xã, có khoảng 266 hộ dân phải đi lại bằng xuồng, ghe, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Đặng Văn Thắng cho biết: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã đã củng cố 5 chốt cứu hộ trên địa bàn các ấp nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khi có thiên tai, giông lốc xảy ra. Ngoài ra, còn hỗ trợ áo phao và phao cứu sinh cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng khi lao động, mưu sinh trong mùa lũ. Tiến hành di dời nhà dân đến nơi gò cao, dời các hộ bị sạt lở (và có nguy cơ sạt lở) đến nơi an toàn...

Hiện, xã tổ chức 2 điểm đưa, rước học sinh đến trường hàng ngày và sẽ bố trí 1 điểm giữ gần 30 trẻ nhằm tạo điều kiện cho bà con yên tâm lao động SX. Đồng thời, thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển đến nơi an toàn khi nước lên cao; không ra đồng trống khi có mưa giông, đánh bắt thủy sản phải mang theo phao cứu sinh để đảm bảo an toàn.  

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết: năm nay lũ lớn nên gây ngập các tuyến dân cư ngoài đê bao của 3 xã bờ Đông huyện An Phú (xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu) và một số điểm ở các xã: Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội… chia cắt hàng trăm hộ dân, mọi hoạt động di chuyển hàng ngày phải bằng xuồng, ghe. Toàn huyện tổ chức 68 chốt ở các điểm xung yếu để tham gia cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện, có 6 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 197m, sâu từ 2-5m, ảnh hưởng 9 căn nhà, đã di dời 3 căn đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức 5 điểm giữ gần 300 trẻ ở các xã: Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Vĩnh Trường (dự kiến sẽ tổ chức 35 điểm giữ trên 1.094 trẻ, khi nước lên cao). Ngoài ra, đã bố trí 10 điểm đưa, rước hơn 1.000 HS đến trường an toàn hàng ngày.

Một ngày ở đầu nguồn

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khảo sát công tác chống lũ ở đầu nguồn An Phú. (H.HUYNH)   

Tăng cường chống lũ

Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác của tỉnh có chuyến khảo sát tình hình phòng, chống lụt bão ở huyện đầu nguồn An Phú. Đoàn đã kiểm tra đoạn xung yếu trên Tỉnh lộ 957 (cầu số 6, Cây Xây thuộc xã Phú Hội), thăm điểm giữ trẻ ở ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Hội Đông); kiểm tra tình hình sạt lở, phòng, chống lũ, đời sống người dân ở các tuyến dân cư và các vùng SX của xã Vĩnh Hậu, Phú Hữu, Vĩnh Lộc…

Toàn huyện An Phú có 15 tiểu vùng SX vụ thu đông với 7.439ha (5.793ha lúa, 1.646 ha màu) ở 12/14 xã, thị trấn. Các tuyến đê bao kết hợp lộ giao thông kiên cố đảm bảo an toàn cho SX, đi lại của người dân. Tuy nhiên, trên tuyến Tỉnh lộ 957 có 11 cống (đã hoàn thành 8 cống), 3 cống đang thi công, huyện đang bố trí đắp đê quay kiên cố để bảo đảm an toàn và tăng cường kiểm tra để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải cho rằng: Tỉnh lộ 957 là tuyến giao thông huyết mạch của huyện An Phú nhưng thi công quá lâu, yêu cầu huyện đẩy nhanh tiến độ; đồng thời, tăng cường phối hợp sớm triển khai đường tuần tra biên giới để đảm bảo quốc phòng - an ninh và phục vụ đi lại của người dân. Là địa bàn đầu nguồn, mặc dù chịu ảnh hưởng mỗi khi lũ lớn nhưng An Phú có lợi thế đặc biệt, đó là nguồn nước ngọt dồi dào và sản vật từ lũ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Anh Thư yêu cầu huyện chủ động phối hợp thực hiện quy hoạch phát triển SX để phát huy lợi thế đầu nguồn. Mong muốn các sở, ngành hỗ trợ huyện quy hoạch lại dân cư (nhất là ở các tuyến ngập sâu), từng bước đưa dân ra các vùng thuận lợi để ổn định cuộc sống…

Một ngày ở đầu nguồn

Hàng trăm ngôi nhà ở An Phú bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Xuồng, ghe là phương tiện để di chuyển hàng ngày. (H.HUYNH) 

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ với những khó khăn của huyện đầu nguồn An Phú, do ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đồng thời, yêu cầu địa phương tiếp tục chủ động ứng phó diễn biến của thời tiết, đặc biệt là phát huy các công trình phòng, chống lụt bão, đê bao chống lũ; cần đánh giá lại công năng của từng công trình để có hướng điều chỉnh phù hợp. Trước tình hình lũ ngày càng gia tăng gây chia cắt nhiều nơi, địa phương cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tập trung bảo vệ tính mạng người dân, nhất là trẻ em. Tiếp tục duy trì tốt công tác đưa, rước học sinh và giữ trẻ trong mùa lũ; lưu ý, nếu điểm trường nào không an toàn hoặc có lũ lớn, phải chủ động cho học sinh nghỉ học tạm thời.

Cùng với đó, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nhất là ở các điểm giữ trẻ tập trung; làm tốt công tác y tế, không để dịch bệnh bùng phát. Về lâu dài, địa phương cần tính toán phương án quy hoạch lại dân cư, trên cơ sở phối hợp các sở, ngành quy hoạch các cụm tuyến dân cư (giai đoạn 2) để đưa dân từ các vùng ngập sâu ra sinh sống an toàn. Tiếp tục tăng cường, chủ động ứng trực 24/24, bảo đảm đời sống, SX và kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn, không để người dân  “đứt bữa”, thiếu đói…

“Nhà cửa nằm cheo leo trên sóng nước, mọi sinh hoạt rất khó khăn, đi lại bằng xuồng. Nhà tôi đây còn đỡ, nhiều nhà bị ngập đến sàn buộc phải di chuyển đến nơi ở mới. Chính quyền địa phương đã vận động, nếu nước tăng thêm chừng 1 tấc nữa thì nhà tôi phải chuyển vô ở tạm với người thân để cho an toàn”, một người dân ở Vĩnh Hậu chia sẻ.

HỮU HUYNH