Mưa dầm ảnh hưởng đến sản xuất

18/07/2018 - 14:10

Mưa lớn kéo dài trong những ngày gần đây làm cho tình hình sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

A A

Bó lúa thành chùm đứng và tích cực bơm rút nước là giải pháp mà nông dân đang thực hiện để thu hoạch lúa Hè thu bằng máy. 

Lúa bị chết nhiều

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè thu, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tranh thủ xuống giống vụ lúa Thu đông cho kịp mùa vụ và hiện đã gieo sạ được hơn 16.500ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Thế nhưng, trong số diện tích lúa đã xuống giống thì có không ít ruộng dưới 5 ngày tuổi đang bị ảnh hưởng nặng do những cơn mưa dầm kéo dài trong những ngày qua, khiến bà con phải chật vật trong việc bơm nước cứu lúa và ngâm lúa giống thêm để gieo sạ bổ sung vào nhằm nhẹ công cấy giặm sau này.

Rảo quanh thăm 5 công ruộng của gia đình vừa xuống giống được 4 đêm nhưng tỷ lệ lúa sống không bao nhiêu vì những trận mưa dầm, ông Trần Văn Tư, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, bùi ngùi cho biết: “Xuống giống xong là gặp ngay mưa lớn cả ngày lẫn đêm, dù máy của trạm bơm túc trực bơm nước liên tục để bà con khai nước trên ruộng ra kênh để cứu lúa. Hiện những chỗ gò cao thì còn thấy lúa nhú lên chút đỉnh, những nơi thấp thì chắc hạt giống không còn. Trước tình hình này, tôi và bà con nơi đây đã ngâm thêm lúa giống, chờ nắng trở lại sẽ tiến hành gieo sạ bổ sung vào”.

Nông dân tích cực phun, rải thuốc diệt ốc bươu vàng cho ruộng lúa Thu đông mới xuống giống gặp mưa dầm.

Theo quan sát của chúng tôi, tại một số cánh đồng đã xuống giống lúa Thu đông được mấy ngày thì sau những cơn mưa nặng hạt kết thúc, lại có đông đảo bà con có mặt tại đồng ruộng của mình để tiến hành khai nước cứu lúa, đồng thời tăng cường rải thêm thuốc diệt ốc bươu vàng vào nhằm bảo vệ những cây lúa. Riêng những ruộng trên 5 ngày tuổi còn được tăng cường bón thêm phân để hỗ trợ cho cây lúa nhanh phát triển.

Đang trộn thuốc diệt ốc bươu vàng chung với phân bón để chuẩn bị rải cho hơn 1ha ruộng của gia đình đã xuống giống được 5 đêm, ông Đinh Quốc Chiến, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Dù áp dụng biện pháp sạ hàng, nhưng để trừ hao lúa chết do mưa trong vụ này nên tôi sạ đến 17kg/công thay vì chỉ 12kg/công. Tuy có sự tính toán trước, nhưng những trận mưa lớn kéo dài liên tục trong mấy ngày qua đã làm cho hạt giống chết khá nhiều. Để giúp cây lúa nhanh phát triển trong điều kiện bất lợi về thời tiết, tôi tiến hành rải phân cho lúa sớm hơn mọi khi và kết hợp với thuốc diệt ốc bươu vàng để ngăn ngừa ốc tấn công làm ruộng lúa bị trống chỗ nhiều hơn”.

Mưa dầm trong những ngày qua không chỉ gây ngập úng cho nhiều diện tích lúa mới xuống giống của bà con trên địa bàn tỉnh, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp các địa phương, từ đó đặt ra sự lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh về sau. Do đó, nông dân đang mong thời tiết thuận lợi hơn để lúa hạn chế sự ảnh hưởng và tiếp tục xuống giống cho kịp mùa vụ.     

Giảm năng suất, tăng chi phí do lúa đổ ngã

Không chỉ gây khó khăn cho bà con mới xuống giống lúa Thu đông mà mưa dầm còn làm cho nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch tại nhiều địa phương như: huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ... bị đổ ngã dẫn đến khó thu hoạch, lượng lúa bị thất thoát nhiều, chi phí tăng, nhất là không thể cắt bằng máy. Chỉ tay về những người cắt lúa đang thu hoạch bằng tay gần 1ha đất ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Do mưa lớn trong những ngày qua đã làm lúa đổ ngã khoảng 70% diện tích và cây lúa đang bị ngập trong nước. Sợ bông lúa bị ngâm trong nước lâu khiến lúa lên mộng làm ảnh hưởng đến chất lượng nên tôi và nhiều bà con nơi đây chọn phương án mướn người cắt lúa bằng tay cho nhanh hơn và phải chấp nhận trả tiền thuê cắt ở mức cao”.

Theo đó, hiện giá thuê cắt lúa bằng tay ở mức 500.000 đồng/công (1.300m2), cộng thêm tiền mướn trâu kéo lúa bó lên bờ kênh (150.000 đồng/công) và tiền thuê máy tuốt lúa (150.000 đồng/công) thì tính ra mỗi công lúa nông dân mất 800.000 đồng tiền thu hoạch, trong khi tiền thuê máy cắt đang ở mức 280.000 đồng/công đối với lúa đứng trên nền đất khô ráo, còn lúa bị sập thì mức giá dao động từ 300.000-350.000 đồng/công. Ngoài chịu cảnh phải trả tiền thuê cắt lúa bằng tay ở mức cao thì nhiều nông dân còn lo ngại sẽ gặp khó trong việc bán lúa tươi vì thương lái thường không chịu mua lúa cắt tay. “Tôi cũng đã hợp đồng với lò sấy lúa, nếu thương lái không mua thì đem đi sấy để bán lúa khô, còn nếu để lúa bị ngập nước ngoài đồng càng lâu thì sẽ thiệt hại càng nhiều hơn”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Để giảm chi phí trong việc thuê cắt và bán được lúa tươi ngay ngoài đồng, hiện nhiều nông dân có lúa trong giai đoạn thu hoạch tích cực buộc lúa bị đổ ngã đứng lên thành chùm cho ráo nước và hợp đồng bơm nước đồng loạt theo từng khuôn để máy cắt vào thu hoạch được. Ông Nguyễn Thanh Thương, ở cùng ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: “2 ngày qua, mưa đã giảm nên sau khi buộc những bông lúa bị sập đứng lên thành chùm, tôi và một số hộ có ruộng cặp ranh lấy máy ra bơm rút nước theo từng diện tích lúa của mỗi người. Giờ nước đã gần cạn và máy cắt đang nằm chờ trên bờ mẫu, khi có nắng sẽ tiến hành xuống thu hoạch lúa ngay nên cũng thấy phấn khởi. Do lúa bị đổ ngã nên năng suất có thể bị giảm so với dự tính ban đầu là chuyện khó tránh khỏi. Bởi lúa bó thành chùm không được ráo nước nên khi tuốt thì hạt lúa sẽ bị cuốn theo rơm rạ thổi ra ngoài”.

Theo bà con nông dân, do lúa bị đổ ngã và ngâm trong nước nên giá thu mua đang có dấu hiệu giảm trong lúc này. Cụ thể, nếu những hộ đã lấy tiền cọc trước với thương lái cách nay khoảng 10 ngày thì có giá từ 5.100-5.200 đồng/kg (giống OM5451), riêng những hộ bán lúa trong lúc này thì có giá thấp hơn và đây thật sự là nỗi lo của nông dân sắp thu hoạch lúa.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 16-7, nông dân đã thu hoạch hơn 27.000ha trong tổng số gần 77.100ha đã xuống giống của vụ lúa Hè thu, trong đó huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh đã thu hoạch gần dứt điểm; riêng huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ đang vào vụ thu hoạch rộ nên có không ít hộ bị ảnh hưởng nặng của tình hình mưa dầm trong những ngày qua. Trước tình hình mưa giông đang diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tranh thủ lúc điều kiện thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch nhanh lúa Hè thu để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa gạo, giảm thiểu thiệt hại do mưa gây ra. Đối với vụ lúa Thu đông, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, đánh nhiều rãnh để việc thoát nước được nhanh khi gặp mưa dầm, đồng thời chủ động phòng trừ ốc bươu vàng cắn phá, rầy nâu tấn công nhằm hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho gần 250ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện bị đổ ngã, với tỷ lệ ảnh hưởng khoảng 30% diện tích, năng suất có thể bị giảm từ 5-10%; riêng đối với lúa Thu đông có khoảng 35ha bị ngập úng, ước thiệt hại từ 5-10% nhưng đang được nông dân tích cực bơm nước cứu lúa.

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)