Mưa đầu mùa- Sạt lở nhiều nơi

24/05/2018 - 08:19

Đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở tại nhiều nơi đang diễn ra hết sức phức tạp. Ghi nhận trong hơn tháng qua trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Đáng nói hơn, có nơi sạt lở tái diễn liên tục, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

A A

Bờ kinh Hai Quý (Khóm 1, phường Thành Phước- TX Bình Minh) nhiều lần xảy ra sạt lở.

Bàng hoàng sạt lở quá nhanh

Vụ lở bắt đầu vào rạng sáng 8-5-2018 đã nuốt chửng một đoạn đường giao thông, ngoạm tới chân rào khiến các hộ dân quanh khu vực này hết sức bàng hoàng.

Là một trong những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, phải khẩn trương “chạy lở”, chú Lâm Thái Thành chua xót: “Lở nhanh quá, “ầm ầm” trong tích tắc thì nguyên mảng đất lớn, đường sá đổ sụp xuống sông, lở tới chân rào, tới sân, nhà cửa coi như sắp mất”.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã tổ chức lực lượng trực 24/24, cảnh báo khu vực nguy hiểm, hỗ trợ người dân tháo dỡ và di dời tài sản, vật kiến trúc, gia cố tạm thời.

Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.

Tuy nhiên, đến nay, khu vực này đã xảy ra thêm nhiều đợt lở mới, phạm vi hiện kéo dài khoảng 130m, xoáy sâu vào bờ 2- 8m ảnh hưởng trực tiếp 23 hộ dân.

Các đợt lở không gây thiệt hại về người nhưng gây cắt đứt hoàn toàn đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến vật kiến trúc- phải tháo dỡ khẩn cấp và di dời dân ra khỏi vùng sạt lở đến nơi an toàn.

Đáng nói là hiện sạt lở ở khu vực này chưa có dấu hiệu dừng lại bởi nhiều vết nứt báo hiệu sạt lở lan rộng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) TX Bình Minh, khu vực có nguy cơ sạt lở có chiều dài hàng trăm mét, khả năng ảnh hưởng hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, điểm sạt lở này nằm trong danh sách khu vực theo dõi sạt lở của tỉnh. Đồng thời, khu vực này có khả năng lở tiếp rất cao.

Do đó, cần có các phương án chủ động phòng chống để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo một số hộ dân sống ở khu vực này, kinh Hai Quý có nhiều ghe tàu chở hàng, xà lan chở cát, đá… lưu thông qua lại thường xuyên.

Trước đó, rạng sáng 21-4-2018, một vụ sạt lở đã xảy ra tại bờ sông Phù Ly, tại Tổ 6, ấp Đông Hậu (xã Đông Bình- TX Bình Minh). Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào bờ 4- 5m, sụp độ sâu 5m.

Sạt lở bờ bao, sụp đường đan ảnh hưởng giao thông và 3 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, khu vực này có dấu hiện lở tiếp.

Nơm nớp lo sạt lở tiếp

Sạt lở tại ấp Phước Lợi A (xã Phước Hậu- Long Hồ) rạng sáng 20-5. Trong ảnh: Người dân cấm bảng cảnh báo phương tiện qua lại.

Sạt lở đang là nỗi ám ám của người dân sống ven sông. Mới đây, tại ấp Phước Lợi A (xã Phước Hậu- Long Hồ), người dân một phen hú vía khi sạt lở xảy ra trong đêm.

Một đoạn đường dài khoảng 30m bị nước cuốn trôi, ăn sâu vào đất liền 6m. Mặt đường giao thông hư hại hoàn toàn.

Ông Phạm Hồng Quang chưa hết bàng hoàng, cho biết cách đó ít hôm mặt lộ có dấu hiệu răn nứt, ông đã báo chính quyền địa phương xuống kiểm tra.

Bản thân ông cũng chủ động đốn cây để “giữ chân” và giảm tải, đồng thời cấm bảng cảnh báo phương tiện nhưng cũng không ngăn sạt lở.

“Tầm khoảng 4 giờ khuya, tôi nghe đất tuột cái ầm xuống sông, chạy ra thì toàn bộ mặt lộ gần như không còn gì”- ông Quang kể.

Tại hiện trường cho thấy, rạn nứt còn và khả năng xảy ra sạt lở tiếp là rất cao. Hiện “hố xoáy” tiếp tục lấn đất liền, khiến giao thông bị chia cắt.

Vết rạn nứt tiếp tục xuất hiện trên mặt lộ, khả năng sạt lở tiếp tại ấp Phước lợi A (xã Phước Hậu- Long Hồ) là rất cao.

Chủ tịch UBND xã Phước Hậu- Nguyễn Văn Phúc cho biết, trước đó, gần khu vực này đã từng xảy sạt lở nghiêm trọng và đã được khắc phục.

Tuy nhiên, do đoạn sông khu vực này là khúc cua, nước từ cầu Ông Me đổ vào khá mạnh, chân đất yếu nên không thể chống chịu.

Tuyến lộ tại ấp Phước Lợi A này dài gần 2km, nhưng qua khảo sát có nhiều điểm đang có dấu hiệu rạn nứt mặt đường, vì vậy người dân ven sông không khỏi nơp nớp lo sợ khi mùa mưa đến.

Còn tại Vũng Liêm, vào ngày 20/5, một đoạn bờ sông dọc theo tuyến sông Vũng Liêm đoạn thuộc ấp Phong Thới (thị trấn Vũng Liêm) cũng đã xảy ra vụ sạt lở khiến 3 nhà dân cùng nhiều tài sản bị nước cuốn xuống sông. Đoạn sạt lở dài 50m, ăn sâu vào đất liền từ 10- 15m.

Vụ sạt lở tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại 3 căn nhà với tổng số 10 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 2 căn nhà bị sụp hoàn toàn và một căn hư hại 50%.

Tổng thiệt hại ước tính 500 triệu đồng. Hiện nay, đoạn này tiếp tục có dấu hiệu sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng đến 3 hộ dân sống gần đó.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, hiện tượng sạt lở bờ sông thường xảy ra trong các tháng đầu mùa mưa, cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kinh, rạch và thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó.

Theo đó, các khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở cao như: trên sông Tiền, khu vực ấp Phú Mỹ (Đồng Phú- Long Hồ), khu vực thượng lưu cầu Mỹ Thuận (2 xã Tân Hòa và Tân Hội- TP Vĩnh Long), khu vực đầu cù lao An Bình.

Trên sông Cổ Chiên, khu vực 2 ấp Phước Định 1 và 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), vàm rạch Mỹ An (xã Mỹ An- Mang Thít) thuộc bờ tả sông Cổ Chiên, đầu cồn cù lao Minh (ấp An Long, xã An Bình- Long Hồ), đầu cù lao Dài và cồn Thanh Long (xã Quới Thiện- Vũng Liêm).

Trên sông Long Hồ, khu vực từ chợ cá đến bến tàu khách (Phường 1- TP Vĩnh Long). Trên sông Hậu, khu vực từ xã Tân Quới (Bình Tân) đến xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), khu vực cù lao Tròn (Trà Ôn), đuôi đê bao Mỹ Hòa (xã Lục Sỹ Thành- Trà Ôn).

Riêng khu vực trong nội đồng, các khu 8, 9, 10, 10A và 10B (Trà Ôn), tuyến kinh Chà Và Lớn (nối Tam Bình- TX Bình Minh), kinh Bảo Kê (Long Hồ- Tam Bình), rạch Bà Đồng- Thông Lưu (TX Bình Minh), kinh Xã Tàu- Sóc Tro, kinh Mương Lộ (Tam Bình).

Theo Báo Vĩnh Long