Mùa hành hương

03/01/2019 - 07:50

 - Tháng 11 (âm lịch), khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt cũng là lúc mùa hành hương ở vùng Bảy Núi bắt đầu. Với nhiều người, mùa hành hương như là “cái hẹn” với thiên nhiên, cảnh sắc và những huyền thoại linh thiêng, kỳ bí của miền Thất Sơn.

Không khó để nhận ra những đoàn xe chở khách du lịch từ mọi miền đất nước đổ về vùng Bảy Núi những ngày này. Họ đến Bảy Núi bởi sự thôi thúc của niềm tin, sự chờ đợi được tắm mình trong những huyền thoại và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Bảy Núi có những nét đặc trưng rất riêng. Đó là địa hình bán sơn địa với núi và đồng bằng tiếp giáp nhau, tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Ngoài ra, du khách đến Bảy Núi vừa có thể thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa khám phá những nét đẹp văn hóa của cộng đồng địa phương, đặc biệt là ẩm thực mang tính vùng, miền.

Chùa Vạn Linh trên núi Cấm

Với du khách, họ có nhiều cách hành hương khác nhau. Có người đi hành hương để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho gia đạo an lành, hạnh phúc. Họ có thể đi rất nhiều đình, chùa, miếu, điện khắp vùng Bảy Núi để thực hiện mong muốn của mình. Ông Lư Ngọc Hùng (thủ từ miếu Chánh Soái Đại Càn trên đỉnh núi Trà Sư, Tịnh Biên) cho biết: “Du khách đến đây đa phần vì họ phải “cúng lệ” hàng năm. Tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với họ mới biết, dù bận công việc gia đình cỡ nào cũng phải tranh thủ đến Bảy Núi 1 lần trong năm. Với họ, việc đến các điểm thờ cúng được xem là “trách nhiệm” phải làm tròn. Có lẽ, đi hành hương Bảy Núi và được dâng hương đến các bậc linh thiêng khiến du khách cảm thấy an lòng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Du khách hành hương vùng Bảy Núi

 Với những du khách xem chuyến hành hương là hoạt động du lịch thì họ sẽ tìm đến những địa điểm có cảnh sắc tươi đẹp như núi Cấm để thưởng thức cái “mơ màng” đặc trưng của nơi này. Theo nhiều du khách, đến núi Cấm thời điểm cuối năm mới cảm nhận đầy đủ cái sắt se của “Đà Lạt miền Tây”, bởi những lớp mây mù cứ quyện lấy bước chân người. Giữa khung cảnh núi rừng thơ mộng ấy là nụ cười tự tại của Đức Phật Di Lặc đã tạo nên ấn tượng đẹp trong lòng những ai đặt chân đến “nóc nhà miền Tây”. Ngoài khu vực hồ Thủy Liêm - chùa Phật Lớn - chùa Vạn Linh - tượng Phật Di Lặc, du khách còn có thể đến với các điểm hành hương khác và thưởng thức đặc sản bánh xèo rau rừng đã làm nên “thương hiệu” cho ẩm thực núi Cấm. Với nhiều du khách, chuyến đi hành hương Bảy Núi bao giờ cũng phải gắn với cái bánh xèo rau rừng, bởi nó đã trở thành một phần của miền đất này. Ngoài núi Cấm, du khách còn có thể đến những điểm hành hương khác như: núi Cô Tô, núi Dài Năm Giếng, núi Kéc… tất cả đều ẩn chứa rất nhiều huyền thoại linh thiêng về vùng Bảy Núi.

Đổ bánh xèo phục vụ du khách tại Thiền viện Đông Lai

Có lẽ, điều đặc biệt đối với du khách mỗi khi đến hành hương Bảy Núi chính là những điểm chùa phục vụ cơm chay, bánh xèo miễn phí. Rất khó để tìm được nơi nào mà sự gắn kết giữa du khách và người dân địa phương gần gũi như vậy. Có thể lấy Thiền viện Đông Lai tại thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên) với tên gọi dân gian là “chùa bánh xèo” làm điển hình. Du khách đến đây vừa được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa được thưởng thức món bánh xèo chay rất đặc trưng của nơi này. “Chỉ cần xem những đầu bếp ở đây trổ tài đổ bánh đã rất thích. Mỗi người có thể đổ cùng lúc cả chục bếp bánh, quả thực rất đáng nể. Cái hay ở chỗ bánh đổ rất đều tay, không có cái nào bị khét vì quá lửa. Năm nào về Bảy Núi hành hương để tìm cảm giác bình yên tôi đều ghé “chùa bánh xèo”, vừa để cúng Phật, vừa nếm trải tình cảm chân thành của người dân nơi đây qua từng chiếc bánh” - chị Đỗ Ngọc Nhi (du khách đến từ TP. Cần Thơ) chia sẻ.

Thời điểm này, mùa hành hương Bảy Núi chỉ mới bắt đầu nhưng không khí đã nhộn nhịp hẳn lên. Có lẽ, Bảy Núi sẽ còn tấp nập trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm Kỷ Hợi, khi du khách từ khắp mọi miền cùng đến đây viếng chùa và thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Và như thế, mùa hành hương đã trở thành nét đặc trưng, mang đến sức sống mới cho vùng đất giàu truyền thống này.

THANH TIẾN