Mùa măng núi Cấm

15/08/2018 - 07:55

 - Đối với người dân ở khu vực núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên), cây tre Mạnh Tông có ý nghĩa quan trọng, không những cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng, đồ dùng hàng ngày cũng như thủ công mỹ nghệ... cây tre Mạnh Tông còn giúp cho nhiều hộ nông dân (ND) ở đây có thêm thu nhập, thông qua việc bán măng, nhất là khi mùa mưa đến.

Đặc sản mùa mưa

Tre Mạnh Tông là loại cây to, mọc khỏe và rất thích hợp với khí hậu, phong thổ của núi rừng và có giá trị kinh tế cao. Theo ông Đinh Văn Phi Kiếm (ngụ ấp Vồ Đầu), so với nhiều loại cây trồng ở địa phương, tre Mạnh Tông có nhiều ưu điểm hơn như: dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, ít tốn công chăm sóc...

Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác, loại cây này không phải tốn bất kỳ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cây tre Mạnh Tông sau thời gian trồng từ 2-3 năm là có thể cho thu hoạch măng; mỗi bụi tre tùy số lượng cây có thể cho năng suất khác nhau; mỗi mục măng trọng lượng từ 2-6kg. Để cho năng suất cao, ND thường lấy lá tre đã rụng ủ vào gốc để tăng độ ẩm cho cây.

Theo ông Phạm Việt Tân (ngụ ấp Thiên Tế), trước đây tre Mạnh Tông được ND trồng xen với đất rừng, đất rẫy, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi. Đến mùa mưa, họ thu hoạch măng rồi gánh xuống đồng bằng bán cho người dân hoặc khách du lịch. Hiện tại, nhu cầu thị trường ngày càng tăng, kéo theo giá của mặt hàng này cũng tăng lên, từ đó diện tích trồng ngày càng được mở rộng. Hiện, cây tre được trồng nhiều ở các ấp Thiên Tuế, Bồ Hong, Chư Thần...

Mùa măng không những là niềm vui của nông dân, mà còn tạo thu nhập cho nhiều lao động nghèo ở địa phương

Mùa măng không những là niềm vui của nông dân, mà còn tạo thu nhập cho nhiều lao động nghèo ở địa phương

Cây tre Mạnh Tông bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 (âm lịch). Thời điểm này trùng vào mùa mưa nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Theo anh Linh, một trong những tài xế xe chuyên vận chuyển các loại nông sản trên núi cho biết: “Trời mưa, giao thông trên núi thường rất nguy hiểm, nhất là những nơi dốc cao, đường nhỏ, lại rất trơn. Ngoài ra, mỗi chuyến xe phải chở trên dưới 150kg. Do đó, người chở phải nắm vững địa hình cũng như phải có tay lái thật vững mới dám nhận công việc này”.

Nhộn nhịp vào mùa

Về núi Cấm những ngày này mới thấy hết không khí tất bật của người dân xứ núi khi bước vào mùa thu hoạch măng. Tại các vựa thu mua nông sản dưới chân núi Cấm, ngay từ sáng sớm đã thấy cảnh mua, bán rất tất bật và nhộn nhịp. Theo đại diện vựa nông sản Tư Ân (chuyên mua, bán các mặt hàng nông sản ở xã An Hảo) cho biết, đầu mùa mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 1-2 tấn, hiện nay cơ sở thu vào 4-5 tấn/ngày. Giá thị trường măng tươi tại vùng dao động theo thời điểm thu hoạch. Đầu mùa, số lượng ít nên giá măng tươi rất cao, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Thời điểm chính vụ, khoảng tháng 7 (âm lịch) là thời điểm nguồn cung nhiều nên giá giảm, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Măng được các chủ vựa mua về sơ chế, sau đó giao cho thương lái vận chuyển để bán đi các địa phương trong tỉnh như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc... hay các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và xuất sang Campuchia.

Không chỉ tạo thu nhập cho các nông hộ trực tiếp canh tác, mùa măng còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương thông qua các công việc như: vận chuyển, sơ chế... Bình quân một ngày, mỗi lao động có thể kiếm từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng; tuy thu nhập không cao nhưng có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống cho những lao động nghèo.

Cây tre Mạnh Tông ngoài cung cấp tre thô để làm vật liệu xây dựng, các vật dụng trong nhà hay tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách tham quan du lịch... còn khả năng cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn măng tươi mỗi năm. Thêm vào đó, với ưu điểm như: ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng núi Cấm, nên phong trào trồng tre phát triển nhanh, nhiều hộ dân sống ở khu vực này trở nên khấm khá nhờ cây tre. 

ĐÌNH ĐỨC