Mùa nấu đường thốt nốt

18/04/2018 - 07:18

 - Khi mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển sang khô cũng là thời điểm người dân 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên tất bật chuẩn bị dụng cụ, sẵn sàng cho mùa nấu đường thốt nốt mới.

Anh Chau Kul đang lấy nước thốt nốt

Ông Chau Ny (xã An Hảo, Tịnh Biên,  An Giang) cho biết, thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt khoảng 6 tháng, nếu mùa khô kéo dài có thể thu hoạch thêm 2 tháng nữa. Thường bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch) kéo dài đến khoảng tháng 5 (âm lịch) năm sau. Đây là thời điểm để khai thác nước và nấu đường thốt nốt, vì lúc này nước thốt nốt rất ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn.

Theo ông Chau Ny, thốt nốt từ lúc cây con, đến cỡ 10 năm mới ra bông, tuy nhiên chỉ cho bông khoảng 3-4 tháng và cho nước với trữ lượng đường rất ít. Thốt nốt có tuổi thọ rất cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm lại tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt khoảng 30-40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm.

Những ngày này, nhìn trên ngọn cây thốt nốt rất dễ bắt gặp những người đi lấy nước nước thốt nốt để nấu đường. Anh Chau Kul (xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết, nước thốt nốt được lấy từ bông của cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Cây thốt nốt rất cao, có cây cao trên 15m nên phải dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang để leo lên ngọn. Để lấy nước phải cắt phần ngọn những cuống bông, nước từ cuống bông sẽ chảy ra. Sau đó, dùng ống tre gai hoặc các loại bình nhựa để hứng nước. Sau 1 ngày, người lấy nước thốt nốt sẽ leo lên lấy nước, đổi bình và tiếp tục công đoạn cắt cuống bông thốt nốt cho đến khi hết bông.

“Điểm đặc biệt ở cây thốt nốt là có phân biệt giữa cây đực, cây cái và bông đực, bông cái. Cây thốt nốt đực chỉ có bông không có trái, lượng nước cũng nhiều hơn vì vậy khi lấy nước thường chọn cây thốt nốt đực. Bông thốt nốt cũng tương tự như vậy…” - anh Chau Kul chia sẻ.

Giữa trưa, len lỏi vào các tuyến đường ở phum, sóc sẽ thấy khói phảng phất trên những mái nhà, ngửi được hương thơm ngào ngạt. Đây là các điểm nấu đường thốt nốt được người dân chế biến đường thốt nốt thô.

Chị Neang Nô Xanh (xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết, nước thốt nốt lấy về phải nấu liền, nếu không sẽ bị chua, không thể nấu đường được. Vì vậy, phải xây lò nấu đường gần nơi khai thác nước để thuận tiện cho việc nấu đường. Nước thốt nốt sau khi lấy xuống phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông và côn trùng. Sau đó, cho vào 1 chảo lớn, nấu khoảng 6-7 tiếng là cô đặc lại thành đường. Mùa nắng thì 6-7 lít nước thốt nốt nấu được 1kg đường, còn mùa mưa phải nấu khoảng 10 lít nước thốt nốt mới được 1kg đường. Người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong. Mẻ đường chất lượng hay không tùy thuộc vào kinh nghiệm của người nấu. Trong lúc nấu phải kuhấy đường và vớt bọt thường xuyên. Nấu đến khi đường có màu vàng tươi đặc trưng là đạt yêu cầu, sau đó nhắc chảo ra khỏi lò để tránh làm đường bị khét. 

“Đường thốt nốt có 2 loại chủ yếu là đường đặc đựng keo nhựa và đường tán tròn gói bằng lá thốt nốt. Mỗi ngày tôi nấu được 30-50kg thô, cứ cách 2-3 ngày tôi chở đi bán cho các cơ sở sản xuất đường với giá 17.000-18.000 đồng/kg…”- chị Neang Nô Xanh chia sẻ.

Hiện nay, đa số hộ làm nghề nấu đường thốt nốt tại Tri Tôn và Tịnh Biên đã được các ngành, các cấp tập huấn, chuyển giao phương pháp, kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Anh Chau Sóc Dên (xã Châu Lăng, Tri Tôn) cho biết, trước đây chỉ biết lấy nước rồi nấu đường theo tập quán nên sản lượng và chất lượng chưa tốt, bán giá cũng không cao. Từ lúc được tham gia tập huấn kỹ thuật khai thác nước và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì đường do gia đình anh nấu ra bán được giá cao hơn.

Hiện, anh Chau Sóc Den bán đường thốt nốt với giá 35.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình anh nấu được khoảng 25-30kg đường mà vẫn không đủ bán vì được nhiều khách hàng khắp nơi ưa chuộng và đặt hàng.

TRỌNG TÍN