Mưa sao băng Geminid 2018 hôm nay lúc mấy giờ?

13/12/2018 - 09:59

Mưa sao băng Geminid là trận mưa sao băng lớn nhất năm với mật độ lên đến 120 vệt sao băng mỗi giờ. Cực điểm Mưa sao băng Geminid 2018 sẽ rơi vào tối nay 13, rạng sáng ngày 14-12.

Mưa sao băng Geminid hôm nay 13-12 lúc mấy giờ?

Theo tờ National Geographic, khắp mọi nơi trên Trái Đất có thể quan sát trận mưa sao băng lớn nhất năm này.

Mưa sao băng Geminid thường xuất hiện hàng năm vào khoảng ngày 4 đến 17-12. Điều đó có nghĩa là vào các buổi tối trong khoảng thời gian này bạn đều có thể quan sát mưa sao băng Geminid.

Mưa sao băng Geminid 2018 cực điểm sẽ rơi vào tối ngày 13, rạng sáng ngày 14-12.

Theo trang Date and Time, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát giai đoạn đỉnh điểm của mưa sao băng Geminid 2018 từ khoảng 20 giờ thứ sáu 14-12 đến tận 6 giờ thứ bảy 15-12. Mưa sao băng sẽ trông như phun ra từ chòm sao Song Tử, có tên quốc tế là Gemini và cũng là gốc của tên cơn mưa sao băng – Geminid.

Đây là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ lên đến 120 vệt mỗi giờ.

Không giống như hầu hết các trận mưa sao băng khác, Geminid có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh 3.200 Phaethon, với quỹ đạo quanh Mặt trời là 1,4 năm.

Cách xác định chòm sao Song Tử 

Mưa sao băng là gì?

Sao băng vốn là một viên đá trôi nổi ngoài không gian, hay còn gọi là thiên thạch.

Khi viên đá vũ trụ rơi vào bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ lớn, chúng va đập mạnh với không khí, làm cho nó trở nên vô cùng nóng, bị đốt cháy.

Những vệt sáng sao băng mà chúng ta thấy được đó chính là không khí nóng rực rỡ bị xé ra bởi viên đá nóng khi lao vào bầu khí quyển.

Trong một khoảng thời gian ngắn mà có nhiều viên đá vũ trụ rơi vào Trái Đất như thế, chúng ta gọi đó là mưa sao băng.

Nguyên nhân chính làm xuất hiện mưa sao băng chính là các Sao Chổi. Sao Chổi là những thiên thể quay quanh mặt trời với quỹ đạo Hyperbol hoặc elip.

Do Sao Chổi được cấu tạo bởi băng, bụi và đá nên khi chuyển động gần Mặt Trời chúng bị tan tạo thành những dải bụi trên quỹ đạo. 

Khi Trái Đất đi ngang qua quỹ đạo bay của Sao Chổi thì bụi khí sẽ bay vào trong khí quyển làm xuất hiện rất nhiều sao băng và được gọi là Mưa Sao băng.

Trong hành trình chuyển động quanh Mặt trời hàng năm của mình Trái Đất sẽ đi qua những giao điểm của nó và một Sao Chổi tại thời điểm xác định, do đó các trận mưa sao băng là có chu kỳ, và chu kỳ của tất cả các trận mưa sao băng đều là 1 năm.

Cách quan sát mưa sao băng

Người yêu thiên văn hoàn toàn có thể quan sát mưa sao băng bằng mắt thường mà không cần tới sự trợ giúp của các dụng cụ thiên văn.

Kẻ thù của quan sát thiên văn nói chung và mưa sao băng nói riêng là mây và sự ô nhiễm ánh sáng trong thành phố. Ánh sáng thành phố cản trở rất nhiều việc quan sát sao băng trên bầu trời đêm.

Mặt trăng cũng là vật cản trở khác khi quan sát mưa sao băng. Ánh sáng từ Mặt trăng cũng át gần hết các ngôi sao khác, tốt nhất nên chọn những thời điểm không có trăng để quan sát.

Theo NGỌC KHÁNH (Infonet)