Mức phí bán trú trong trường tiểu học có phù hợp ?

26/12/2018 - 07:53

 - Tòa soạn Báo An Giang nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh về mức phí bán trú tại Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (Trường Đại học An Giang) chưa phù hợp so với các trường khác trong hệ thống giáo dục công lập.

Học sinh ăn trưa tại Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm

Theo đó, phụ huynh (xin giấu tên) trình bày: “Con chúng tôi đang học khối 1 bán trú của trường. Bé chỉ ăn 1 suất buổi trưa, ngủ trưa tại khu bán trú, học tiếp buổi chiều rồi về nhà. Thế nhưng, nhà trường thu phí bán trú từ 1.490.000 - 1.810.000 đồng/tháng. Như vậy, trừ ngày thứ bảy, chủ nhật, bình quân chúng tôi phải trả tiền từ 70.000 - 90.000 đồng/suất ăn/ngày. Mức phí này quá cao. Trong khi đó, cùng áp dụng chế độ bán trú, nhưng trường khác trên địa bàn TP. Long Xuyên thu 400.000 đồng/học sinh/tháng. Đây là mức chênh lệch quá lớn cần phải làm rõ. Đa phần phụ huynh chúng tôi bươn chải hàng ngày, mới đủ tiền lo cho con học bán trú. Một số phụ huynh vì không có khả năng kinh tế, buộc phải cho con em mình nghỉ học, hoặc chuyển sang trường khác. Rất mong ngành chức năng, nhà trường có hướng giải quyết, giảm chi phí bán trú, nhằm giúp học sinh có điều kiện theo học”.

Trao đổi với phóng viên, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm cho biết: trước khi thực hiện mô hình bán trú, nhà trường lập Đề án thành lập bán trú, đã được UBND tỉnh, UBND TP. Long Xuyên, Trường Đại học An Giang đồng ý phê duyệt. Trường là cơ sở giáo dục công lập (theo phương thức dịch vụ công), thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, là đơn vị sự nghiệp có thu, có quyền tự chủ về tài chính. Việc thu chi tại trường rõ ràng, công khai, minh bạch, có sự giám sát của cấp trên, thông qua Sở Tài chính. Đặc biệt, có sự đồng thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường về mức thu hoặc chi phí cho các khoản phí hàng tháng (đầu năm học họp thống nhất). 

“Không như các trường khác là do ngân sách nhà nước chi trả, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm phải tự chủ về tài chính. Tiền đóng hàng tháng của học sinh được sử dụng vào việc chi trả lương, đóng tiền các khoản bảo hiểm bắt buộc, chi trả cơ sở vật chất phục vụ việc ăn, nghỉ của các em... Thực tế, 1 suất ăn của các em chỉ khoảng 37.000 đồng, gồm 3 món chính (món canh, đồ mặn, đồ xào) và tráng miệng (trái cây, rau câu...). Ngoài ra, các em có thêm buổi ăn xế, như: bánh ngọt, sữa chua, trái cây hoặc cháo (sò, bò, tôm), bánh canh, hủ tiếu, súp, phở... 1 hoặc 2 ngày/tuần được uống sữa Pediasuc. Đặc biệt, có bác sĩ dinh dưỡng kê thực đơn, chế độ ăn, uống hàng ngày, hàng tuần của các em; chăm sóc khám sức khỏe định kỳ đầu năm học, mỗi quý 1 lần và đột xuất, xem các em có tăng cân hay sức khỏe có đảm bảo hay không. Trường có 924 em học bán trú của 4 khối lớp, mỗi lớp từ 38 - 40 em, với 2 cô bảo mẫu chăm sóc. Cơ sở vật chất phục vụ bán trú cho các em được trang bị đầy đủ: phòng máy lạnh, sàn lót gỗ (có màn ngăn nam, nữ riêng); tắm nước nóng, nước uống đóng bình có thương hiệu... Phòng có gắn hệ thống camera giám sát để phụ huynh tiện theo dõi. Số tiền đóng dao động hàng tháng là do số lượng 4 tuần hoặc 5 tuần. Khoản tiền này còn dùng để chi cho những dịp liên hoan cuối năm, lễ, Tết... phụ huynh không phải đóng thêm. Ngoài ra, không có việc học sinh chuyển đi nơi khác nhiều vì mức phí cao. Qua 4 năm thực hiện bán trú, đây là lần đầu tiên trường nhận được phản ánh về vấn đề này” - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm Lê Văn Điền chia sẻ.

Thực tế, mức phí bán trú của các trường trên địa bàn TP. Long Xuyên không quá chênh lệch với nhau. Điển hình như Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, phí bán trú là 750.000 đồng/học sinh (tiền ăn 400.000 đồng, tiền học ngoại khóa buổi chiều 350.000 đồng). Trường được UBND TP. Long Xuyên phê duyệt đề án thành lập bán trú 6 năm nay. Lương của giáo viên được tính theo biên chế ngân sách nhà nước, trường chỉ trả tiền thêm giờ, buổi, cho giáo viên thỉnh giảng bộ môn tự chọn và nhân viên phục vụ. Hiện nay, trường có 18 lớp, mỗi lớp 40 em học sinh, có 1 nhân viên phục vụ bán trú. “Phòng ngủ của các em có diện tích khoảng 72 m2, với 120 em học sinh, ngủ giường tầng, mỗi tầng có từ 3 - 4 em, phòng quạt. Chế độ ăn hàng ngày gồm 2 món chính: canh và đồ mặn. Ngày cuối tuần ăn bánh canh, nui, bánh mì cà ri... Quà xế như: bánh ngọt, bánh bao, súp, xôi mặn, sữa chua, trái cây... Tuy phòng ngủ tương đối chật, không đủ tiện nghi, nhưng chế độ ăn vẫn đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; thức ăn luôn tươi sống, dinh dưỡng, phụ huynh rất an tâm và không phiền hà gì” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn Đặng Hoàng Nam thông tin.
Hiện nay, mô hình bán trú tại trường học được ưa chuộng, vì nhiều tiện lợi cho phụ huynh lẫn học sinh. Phụ huynh giảm áp lực đưa,rước và chăm sóc các em vào buổi trưa, các em có thời gian ăn, uống, nghỉ ngơi khoa học cùng các bạn trong trường. Thiết nghĩ, trước khi quyết định cho các em học bán trú, phụ huynh nên liên hệ với nhà trường, tìm hiểu kỹ về các khoản thu, chế độ ăn, uống, cơ sở vật chất phục vụ bán trú... để cân đối khả năng tài chính của gia đình, đồng thời thông suốt về mức phí và yên tâm hơn khi cho con em theo học.

Bài, ảnh: K.N